Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Trung Quốc ‘nhận vơ’ dầu ở Biển Đông

19/02/2013 - 10:46

“Dầu ở Biển Đông là tài sản của Trung Quốc” là một tuyên bố ngông cuồng từ phía Bắc Kinh được báo chí Mỹ đưa tin mới đây. Bằng nhiều hành động quấy phá, Trung Quốc đang cố gắng độc chiếm nguồn nhiên liệu dồi dào tại khu vực này.

Cờ Trung Quốc treo cùng với cờ tập đoàn CNOOC. Ảnh: Reuters
Tờ Oil Price - đối tác xuất bản của tập đoàn truyền thông CNBC (Mỹ) mới đây đã cho đăng tải bài viết của học giả thuộc Viện Trung Á - Caucasus (trường ĐH Johns Hopkins) cho hay Trung Quốc đã xác định dầu khí trên Biển Đông là “tài sản quốc gia” nước này.
Thời gian gần đây, vụ thử lửa thứ 3 của Triều Tiên cũng như những căng thẳng không có dấu hiệu giảm bớt trên vùng biển Senkaku giữa hai nước Nhật – Trung đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Vậy nên, động thái này của chính quyền Bắc Kinh như “tranh thủ” để dậy sóng ngầm tại vùng biển Đông Nam Á, khiến vấn đề Biển Đông được đẩy lên thêm một bậc nữa.
Bài báo cũng nhận định Trung Quốc đang từng bước hợp thức hóa các tuyên bố chủ quyền để tiến tới độc chiếm nguồn tài nguyên dầu mỏ tại khu vực này bằng cách liên tiếp gây rối cũng như tạo ra các tranh chấp tại khu vực quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cơ quan Thông tin Năng lượng của Chính phủ Mỹ (EIA) ngày 7/2 công bố Biển Đông chứa khoảng 11 tỷ thùng dầu và dự trữ khoảng 900 nghìn tỷ mét khối khí tự nhiên. Song, đơn vị khảo sát địa chất của Mỹ USGS tính toán rằng khu vực này có thể chứa đến 28 tỷ thùng dầu trong khi 200 tỷ là con số mà Trung Quốc đưa ra.
Con số chính xác cho tới nay vẫn chưa ai hay tổ chức nào có thể khẳng định nhưng nhiều chuyên gia khẳng định sự hung hăng của Trung Quốc trong thời gian gần đây không đơn thuần chỉ vì tài nguyên. Ngoài các nguồn lợi trực tiếp cả trên biển và ngầm dưới đáy, mục tiêu lớn hơn là Trung Quốc đang học theo các cường quốc Mỹ và Liên Xô (trước đây) là mở rộng vành đai bảo vệ ra càng xa biên giới thực tế càng tốt.
Tuy nhiên, theo nhà báo John CK Daly của tờ Oil Price thì Bắc Kinh không thể tự do thao túng từ khi Washington đang theo đuổi chiến lược chuyển trục về châu Á Thái Bình Dương. Mối hiểm hoạ hiện hữu đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực, điển hình là Philippines đã phải viện đến sự trợ giúp từ bên ngoài, bằng việc kiện Trung Quốc ra tòa án Liên Hợp Quốc và đàm phán cho phép Mỹ mở lại căn cứ quân sự tại sân bay Clark và Vịnh Subic.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét