Cuối năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tự hào về việc thu nhập bình quân đầu người năm 2012 của Việt Nam đã gần chạm mức 1.600 USD. Tuy vậy Thủ tướng đã không đề cập đến khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn thành thị đang gia tăng đến mức báo động.
Khoảng cách giàu, nghèo vẫn còn rất lớn
Nhận định về sự cách biệt thu nhập hơn 9 lần giữa các nhóm giàu và nghèo ở Việt Nam, dù nền kinh tế thị trường được nói là có định hướng xã hội chủ nghĩa, Bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, từ Hà Nội phát biểu:
"Đây là một thực tế đau lòng, tôi nghĩ là ngay cả những vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam thì cũng đã thấy và điều đó cũng không đúng với tôn chỉ mục đích mà lãnh đạo của Đảng Cộng sản đưa ra. Tuy nhiên trong quá trình phát triển có nhiều việc không kiểm soát được tốt, nhất là trong mấy năm gần đây khi nền kinh tế phát triển quá nóng cũng không kiểm soát được và vì vậy làm cho một số nhóm lợi ích nào đó có thể được hưởng lợi rất nhiều, trong khi những người khác lại chịu hệ quả của tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô hoặc lạm phát lên cao và làm cho vật giá leo thang và đời sống của họ khó khăn hơn.
Đây cũng là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng tôi cũng đang nỗ lực, để làm sao đóng góp để Việt Nam có thể thay đổi theo hướng công bằng hơn trong phát triển.
Hầu hết báo chí Việt Nam đều đưa tin về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12 năm ngoái. Lúc ấy, người
đứng đầu chính phủ đã so sánh thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tại thời điểm 1992 chỉ ở mức 140 USD/năm và mức 1.538 USD/năm hiện nay.
Bộ máy truyền thông Nhà nước tán dương mức tăng hơn 11 lần về thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam trong 20 năm qua. Tuy vậy đã không có tờ báo nào đưa ra sự so sánh với các quốc gia khác, dù chỉ với các nước trong khu vực mà thôi. Theo Ngân hàng Thế giới, thống kê năm 2011 cho thấy thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 1.407 USD/năm trong khi của Malaysia 9.977 USD, Thái Lan là 4.972, Indonesia 3.495 USD và Philippines 2.370 USD. Sự tụt hậu của Việt Nam so với khu vực nói chung là đáng xấu hổ, vì đất nước đã hoàn toàn thống nhất từ gần 40 năm qua.
Trong bối cảnh như vậy, ở Việt Nam lại đang có một khoảng cách rất lớn về đời sống giữa người giàu và người nghèo, cũng như giữa nông thôn và thành thị. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, nếu như khoảng cách thu nhập trung bình giữa người giàu và người nghèo ở Việt Nam là 8,9 lần trong năm 2008 thì đến năm 2011 mức này là 9,2 lần. Sự khác biệt về mức sống giữa nông thôn và thành thị là điều hiển nhiên và có thể thấy ngay lập tức. Các số liệu chính thức cho thấy ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ruộng đất phì nhiêu nơi cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo trong năm 2012, nhưng hộ nông dân trồng lúa chỉ có diện tích trung bình khoảng 0,6 héc-ta. Dựa trên giá lúa bảo đảm nông dân có lãi 30%, thì thu nhập bình quân của nông dân theo đầu người chỉ vào khoảng 316.000 đ/tháng. Tức là nông dân đồng bằng sông
Cửu Long nói chung dư tiêu chuẩn nghèo hiện hành được qui định 400.000 đ/tháng/người.Thiệt thòi vẫn là người nông dân
Ông Ba, một người trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long cho biết gia đình ông tích tụ 10 héc-ta ruộng nên cuộc sống tương đối đỡ vất vả. Nhưng ông cho biết đại đa số những người quanh ông đều canh tác dưới 1 héc-ta. Ông nói:
"Tôi mong làm sao chênh lệch giữa giàu với nghèo được giảm bớt đi. Thực tế bây giờ, người giàu không lao động cực nhọc như người nông dân nhưng rất giàu, rất nhiều người giàu nhưng đại đa số nông toàn là rất nghèo, tôi thấy ở Việt Nam không có công bằng xã hội. Vừa rồi tôi có dịp đi qua Malaysia, nước người ta người nghèo vẫn có xe hơi, trong khi đó ở nông thôn Việt Nam nếu mà làm tới năm, bảy trăm công ruộng cũng không dám mơ có cái xe con để đi lại. Sự chênh lệch cho thấy người nông dân thiệt thòi nhiều quá."
Ông Ba cũng bày tỏ hy vọng chính phủ có những chính sách thích hợp để gia tăng đất sản xuất cho nông dân, cũng như bảo đảm đầu ra lúa gạo với giá cả hợp lý.
Thực tế bây giờ, người giàu không lao động cực nhọc như người nông dân nhưng rất giàu, rất nhiều người giàu nhưng đại đa số nông toàn là rất nghèo, tôi thấy ở Việt Nam không có công bằng xã hộiÔng Ba
" Ở nông thôn người nghèo còn nhiều, mong ước chính phủ làm
sao cho người nông dân có trong tay khoảng 1 héc-ta (10.000 m2) để canh tác thì mới khá được. những người đất ít với giá gạo xuất khẩu bấp bênh, lạm phát đồng tiền mất giá, cái gì cũng cao chi phí cũng cao, xăng dầu cũng cao, chỉ riêng lúa gạo là thấp, cứ triền miên như vậy thì nông dân sẽ khổ. Chính phủ có trách nhiệm làm sao cho giá xuất khẩu gạo tăng lên, có giá hợp lý đối với nông dân. Nếu không thì nông dân còn khổ dài dài."
Đó là tâm sự của nông dân đồng bằng sông Cửu Long vựa lúa trù phú nhất Việt Nam. Nếu nông dân miền tây nam bộ còn khó khăn như vậy thì tình cảnh những người làm ruộng ở miền Trung thật khó diễn tả. Một nông dân Phú Yên phát biểu:
"Mỗi năm tôi làm hai mùa lúa, nhưng theo điều kiện hoàn cảnh hiện tại ở Phú Yên, ruộng đất chia ra mỗi người chỉ có 500 mét vuông thôi. Vì không đủ ăn tôi phải tìm kế mưu sinh, làm những công việc chân tay như phụ hồ, hay những công việc lặt vặt khác để trang trải cho cuộc sống.
Vụ lúa này đã xuống giống khoảng một tháng, hiện giờ người ta đã cấy dặm. Làm ruộng ở đây nói chung là để có hạt lúa mà ăn thôi, còn lợi nhuận từ đồng ruộng thì kém cỏi lắm. Bình thường năng suất 300kg lúa/sào Trung bộ, trừ chi phí này nọ, đóng tiền hợp tác xã, thuế công ích…tính ra chỉ còn 100kg lúa trên một sào theo giá thị trường được 500 ngàn, chia 6 tháng thì mỗi tháng được khoảng 90 ngàn."
Điều gì đang xảy ra trong quá trình phát triển ở Việt Nam. Với dân số 90 triệu và có 3/4 sinh sống ở nông thôn, nhưng người dân thôn quê và người làm nông lại quá nghèo. Những bất cập trên thực tế đã được TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn giải đáp với chúng tôi trong một cuộc phỏng vấn trước đây:
"…Phải nói rằng cái mà nông dân được hưởng nông nghiệp được đầu tư thì chưa tương xứng với mức độ đóng góp của người nông dân, vơi mức độ phấn đấu hy sinh của người nông dân cũng như những thành tích mà nông nghiệp đem lại. Đầu tư công cho nông nghiệp là thấp, đầu tư của toàn xã hội cho nông nghiệp là thấp, mức tăng trưởng đời sống của nông dân tuy rất cao nhưng chậm hơn nhiều so với mức tăng trưởng của đời sống của người dân ở đô thị, hiện nay khoảng cách về thu nhập trung bình của cư dân nông thôn chỉ bằng nửa của đô thị..."
Những gì TS Đặng Kim Sơn phát biểu với chúng tôi trước đây hiện vẫn còn nguyên giá trị. Giới chuyên gia nhân sĩ trí thức không ít lần cảnh báo, Việt Nam cần có những cải cách cấp thời về các thể chế liên quan đến chính trị, kinh tế xã hội, trong đó có vấn đề tư hữu đất đai, để lợi ích phát triển được chia sẻ công bằng. Ngược lại thì chính hố sâu cách biệt giàu nghèo hiện nay sẽ là tiền đề dẫn tới những bất ổn và xáo trộn khó lường.
Nguồn :RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét