Hành động trắng trợn
Các bản đồ mới với định dạng theo chiều dọc, do Nhà xuất bản Sinomaps ấn hành, đã đề cập đến hơn 130 đảo và quần đảo ở biển Đông, phần lớn chưa được mô tả trên những tấm bản đồ trước đây của Trung Quốc, vốn định dạng theo chiều ngang và chỉ mô tả các quần đảo lớn, như Hoàng Sa và Trường Sa, trắng trợn vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Zhou Beiyan, người biên tập nội dung các tấm bản đồ này, chỉ rõ các quần đảo này được mô tả ở góc dưới cùng bên phải với tỷ lệ bằng một nửa so với tỷ lệ xích của bản đồ mô tả đại lục.
Tổng biên tập Nhà xuất bản Sinomaps, Xu Gencai, cho biết bản đồ mới mô tả rõ ràng các đảo lớn trên biển Đông và biểu thị mối quan hệ địa lý của các đảo với những quốc gia có đảo xung quanh, cũng như với các đảo và quần đảo phụ cận. Trong khi đó, ở góc đối diện phía bên trái, bản đồ cũng mô tả hình ảnh thu nhỏ của quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, thể hiện vị trí tương quan của quần đảo này với các đảo khác của Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc). Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp chủ quyền đảo Điếu Ngư/Senkaku. Theo kế hoạch, NASMG sẽ công bố các tấm bản đồ mới này vào cuối tháng.
Thêm nhiều bằng chứng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
Trong khi đó, trong năm 2012, Việt Nam đã nhiều lần đưa ra nhiều bằng chứng khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất là các bản đồ do chính Trung Quốc phát hành. Đó là bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm 1904, vừa được TS Mai Ngọc Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam, nguyên Trưởng phòng tư liệu thư viện của Viện Hán - Nôm, tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Báo chí Trung Quốc vào tháng 7-2012 cũng đã đăng tải lại thông tin này và còn dẫn lời TS Mai Ngọc Hồng về giá trị lịch sử và nội dung không thể chối cãi bản đồ do chính Trung Quốc thực hiện.
Trong những ngày đầu năm 2013, đã có thêm các chứng cứ khẳng định chắc chắn quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Anh Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Mỹ, vừa tặng thêm cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng 43 tờ bản đồ cổ kèm với cuốn atlas (tập bản đồ) Trung Hoa bưu chính dư đồ do Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919. Như vậy, đến nay anh Trần Thắng đã tặng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng 150 bản đồ (gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản). Đây là những bản đồ về Trung Quốc được xuất bản ở Anh, Đức, Australia, Canada, Mỹ và Hồng Công trong thời gian 1626 -1980, trong đó đều không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, Trần Thắng đã sưu tầm được 3 atlas do chính quyền Trung Quốc xuất bản trước đây, rất có giá trị trong việc đấu tranh với những đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điểm chung của 3 atlas này, các bản đồ Trung Quốc in trong đó chỉ giới hạn cương vực Trung Quốc đến đảo Hải Nam, không hề đả động gì đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (mà Trung Quốc gọi là Xisha và Nansha).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét