Tưởng rằng vụ “hộ chiếu lưỡi bò” của TQ vừa mới xảy ra vài hôm trước khi có cuộc họp báo của bác Lương Thanh Nghị ngày 22-11-2012.
Té ra không phải như mình tưởng.
Tân Hoa Xã cho biết hộ chiếu có in đường lưỡi bò đã được phát hành ngày 15-5-2012, cách đây 6 tháng 10 ngày.
Tân Hoa Xã còn nói ý có vẻ hờn dỗi: dzụ này xảy ra từ hồi đó (hơn 6 tháng về trước) mà sao bây giờ (Việt Nam ) mới “phản đối”, gây khó dễ cho công dân cầm hộ chiếu lưỡi bò Đại Hán? (Nguyên văn: China began issuing these new passports to include electronic chips on May 15, though criticsm cropped up only this week).
Có bốn câu hỏi dành cho cơ quan hữu quan Việt Nam :
1) Vì sao đã hơn 6 tháng trôi qua, đến bây giờ các vị mới công bố thông tin động trời về âm mưu nham hiểm và thâm độc của Bắc Kinh trong vụ hộ chiếu lưỡi bò, thông qua một cuộc họp báo “định kỳ”, lại chỉ (buộc phải) hé lộ khi có câu hỏi của phóng viên hãng thông tấn nước ngoài là Reuters?
2) Hơn 6 tháng qua, số công dân Trung Quốc cầm hộ chiếu lưỡi bò vào Việt Nam hẳn là một con số rất lớn. Các vị có nắm được con số thống kê này và có ý định công bố cho công luận biết không?
3) Ngoài hai cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai và Móng Cái, chúng ta còn có 3 cửa khẩu quốc tế đường bộ VN-TQ là Chi Ma (Lạng Sơn), Hoành Mô (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), cửa khẩu quốc tế đường sắt Đồng Đăng, 17 cửa khẩu quốc tế đường bộ với Lào và Cam-pu-chia, 7 cửa khẩu quốc tê đường hàng không : Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Trà Nóc, và 16 cửa khẩu quốc tế đường biển.
Sau khi vụ hộ chiếu lưỡi bò bị “vỡ lở tung tóe”, người dân được biết qua báo Tuổi Trẻ và vài tờ báo khác rằng chỉ có hai cửa khẩu Lào Cai và Móng Cái là có biện pháp đối phó, dù rằng những biện pháp này không đồng bộ và nhất quán.
Vậy thì phải chăng 44 cửa khẩu quốc tế còn lại đều khoanh tay nhìn những tấm hộ chiếu lưỡi bò thản nhiên đi qua suốt hơn 6 tháng vừa rồi mà không có chút gì phản ứng?
4) Toàn bộ sự việc cho thấy các vị đã hoàn toàn bị động (hoặc là vờ tỏ ra bị động) trong việc đáp trả âm mưu tham tàn và hiểm độc của Trung Quốc, từ việc quá chậm trễ về mặt thời gian, quá chậm về thông tin và rất lúng túng xử lý thông tin, cho đến các biện pháp đối phó hầu như là … không có biện pháp gì (Hai cửa khẩu Lào Cai và Móng Cái với 2 cách giải quyết khác nhau cho thấy sự tự phát, không đồng bộ và nhất quán trong phương thức xử lý, thiếu hẳn một sự chỉ huy thống nhất từ cấp cao hơn).
Xin hỏi câu cuối cùng: Các vị có dự định đưa ra biện pháp nào đó thiết thực, nhất quán và hiệu quả để đối phó với âm mưu quá ghê gớm này của Bắc Kinh, hay là các vị phản đối chỉ là … để phản đối mà thôi ?
Đã hơn nửa năm trôi qua. Không ai chấp nhận nổi câu trả lời “Để chúng tôi tiếp tục nghiên kíu” của các vị đâu, nhá !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét