Quốc hội Việt Nam vừa bỏ phiếu với đa số rất cao loại bỏ mô hình Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm để lập một ban cùng tên nhưng do Trung ương Đảng nắm để phụ trách công tác khó khăn này.
Ban Chỉ đạo Trung ương thuộc Bộ Chính trị sẽ do Tổng Bí thư làm trưởng ban, theo truyền thông trong nước hôm nay 23/11/2012.
Chủ đề liên quan
Ban chỉ đạo mới này sẽ thay Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng do thủ tướng đứng đầu nhưng chưa rõ ban mới này sẽ bước vào hoạt động từ khi nào.
Các bản tin chỉ nói Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, văn bản quyết định bỏ mô hình Ban Chỉ đạo cũ trực thuộc Chính phủ, sẽ có hiệu lực từ 1/2/2013.
Quyết định này được đa số đại biểu tán thành với số phiếu 94.98%, theo trang mạng VietnamNet đưa tin.
Các tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo sẽ không được quy định trong văn kiện luật Phòng chống Tham nhũng, mà nêu trong văn kiện của Đảng, để "vẫn đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, pháp luật", theo báo cáo giải trình trước Quốc hội của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện.
Tuy nhiên, với thực trạng chưa có luật về Đảng Cộng sản và quyền lực của Đảng này chủ yếu chỉ được ghi trong Điều 4 Hiến pháp 1992, chưa rõ việc triển khai thực hiện hoạt động của Ban này sẽ dựa trên cơ sở pháp lý gì nữa, ngoài những điều nêu ra trong Quốc hội khóa này.
Ngoài ra, trong bối cảnh quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị thu hẹp sau Hội nghị Trung ương 6, mọi động thái tập trung quyền lực vào tay Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước đặt ra câu hỏi về đấu đá phe phái.
Khi một số đại biểu đưa ra ý kiến về việc thành lập ban điều tra độc lập với thẩm quyền điều tra đặc biệt, ông Hiện trả lời nếu xét thấy cần thiết Quốc hội có thể lập ủy ban lâm thời.
Không khai cha mẹ anh chị em
Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản, không mở rộng đối tượng ra cha mẹ, anh chị em... như ý kiến đề nghị của một số đại biểu, do khó khả thi và sẽ dẫn tới mâu thuẫn, không thống nhất với các quy định hiện hành.
“Trong điều kiện Nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập, tài sản của mọi đối tượng trong xã hội, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản như quy định của luật hiện hành...,” theo chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp.
Ông Nguyễn Văn Hiện cũng giải thích thêm đối với phạm vi đối tượng người thân, nếu là cán bộ, công chức, viên chức thì đã phải kê khai theo quy định.
Còn trường hợp không phải là công chức, viên chức theo quy định của pháp luật thì có toàn quyền định đoạt tài sản của mình.
Trong trường hợp có dấu hiệu tham nhũng, các cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể điều tra những người liên quan.
Vấn đề công khai tài sản tại nơi cư trú vẫn chưa được quy định trong bộ luật sửa đổi, do cần nghiên cứu thêm, theo ông Nguyễn Văn Hiện trả lời trong cuộc họp được báo chí Việt Nam đăng tải.
Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi đã bổ sung quy định về nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, tuy nhiên chưa quy rõ mức giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu, trách nhiệm người giải trình, và trình tự, thủ tục giải trình.
Một số vấn đề khác do các đại biểu gợi ý bổ sung trong bộ luật mới đều đã được tiếp thu, nhưng chưa được bổ sung vào bộ luật do cần có thời gian nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng về mọi mặt.
Chẳng hạn như đề xuất bổ sung quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, hay quy định về các hành vi tham nhũng, tăng cường trách nhiệm của báo chí, của Mặt trận Tổ quốc trong phòng chống tham nhũng, cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng... cũng nhận được câu trả lời là sẽ giao Chính phủ tổng kết để nghiên cứu sửa đổi toàn diện trong thời gian tới, theo VietnamNet đưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét