Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Philippines quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông để đối phó với Trung Quốc

Tổng thống Philippines B. Aquino (phải) tại  ASEM 19, luôn tận dụng mọi cơ hội để tìm sự ủng hộ về chủ quyền biển đảo của Philippines (REUTERS)
Tổng thống Philippines B. Aquino (phải) tại ASEM 19, luôn tận dụng mọi cơ hội để tìm sự ủng hộ về chủ quyền biển đảo của Philippines (REUTERS)
Ngô Nhân Dụng / Trọng Nghĩa
Hồ sơ Biển Đông lại bắt đầu nóng lên trở lại ở Phnom Penh vào hôm nay 19/11/2012, với việc Philippines kiên quyết nêu bật tại các hội nghị ASEAN vấn đề Trung Quốc tiếp tục lấn lướt các láng giềng có tranh chấp chủ quyền biển đảo với họ.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Manila đánh động công luận quốc tế trên hồ sơ Biển Đông : Philippines đã đặc biệt mạnh dạn đi đầu trong việc nêu bật các hành động bị cho là quá đáng của Bắc Kinh, từ lúc nổ ra các sự cố tại bãi Scarborough ngoài Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền, thậm chí chăng giây để phong tỏa.
Động thái mới nhất của Philippines trong việc công khai lên tiếng về các hành vi thái quá của Trung Quốc diễn ra tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Nhật Bản tại Phnom Penh vào hôm nay.
Philippines tố cáo "chính sách ngoại giao cưỡng bức kinh tế"
Phát biểu với các lãnh đạo có mặt trong hội nghị, Tổng thống Benigno Aquino đã cho rằng « áp lực kinh tế » không nên được dùng làm biện pháp để « giải quyết tranh chấp lãnh thổ » ở Biển Tây Philippines (tên Manila đặt cho Biển Đông).
Dù ông Aquino không nêu đích danh nước nào, nhưng rõ ràng ông ám chỉ đến các hành động của Trung Quốc trong thời gian qua, đã thực hiện một loạt những biện pháp gây khó khăn kinh tế thương mại cho Philippines sau khi tranh chấp trên chủ quyền bãi Scarborough trở nên căng thẳng. Các biện pháp này từng được giới phân tích gọi là « nền ngoại giao cưỡng bức kinh tế » mà Bắc Kinh thường dùng đối với những nước yếu hơn dám tranh chấp chủ quyền với họ.
Theo Tổng thống Philippines, đàm phán để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong khu vực phải căn cứ vào luật quốc tế, chứ không phải là dựa trên các thủ đoạn cưỡng chế về kinh tế.
Việc ông Aquino nêu bật vấn đề Biển Đông trong cuộc họp ASEAN – Nhật Bản nằm trong chính sách xuyên suốt của Philippines trong thời gian gần đây, là tranh thủ mọi diễn đàn khu vực hay quốc tế để kêu gọi mọi người quan tâm đến một giải pháp hòa bình cho tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nơi mà một nước lớn đang dùng uy lực kẻ mạnh để chèn ép các quốc gia yếu thế hơn.
Philippines (và Việt Nam) phản bác tuyên bố là ASEAN nhất trí không quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông
Chính chủ trương trên đã thúc đẩy Philippines vào hôm nay bác bỏ tuyên bố của Cam Bốt cho rằng ASEAN đã nhất trí là sẽ không « quốc tế hóa » vấn đề Biển Đông, mà chỉ đề cập đến hồ sơ này trong Hội nghị Thượng đỉnh song phương ASEAN – Trung Quốc.
Phát biểu với nhà báo có mặt tại Phnom Penh, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đã trích dẫn tổng thống Aquino theo đó Philippines và một nước khác – được cho là Việt Nam – không đồng ý với lời khẳng định của Cam Bốt và lẽ ra là Thủ tướng Hun Sen không nên nói là ASEAN đã đồng thuận trên vấn đề « không quốc tế hóa » hồ sơ Biển Đông.
Ngay từ Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN vào tháng Bảy vừa qua, Cam Bốt đã công khai lộ mặt là một nước Đông Nam Á bảo vệ chặt chẽ cho quyền lợi của Trung Quốc khi không từ một thủ pháp nào để bác bỏ những yêu cầu của Philippines và Việt Nam muốn ghi vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc vào thông cáo chung của hội nghị.
Ngoại trưởng Philippines còn cho biết thêm là phái đoàn nước ông đã gửi công văn đến tất cả lãnh đạo các nước Đông Nam Á khác để nhấn mạnh rằng « không hề có đồng thuận » như Cam Bốt đã tuyên bố, và Tổng thống Aquino sẽ tiếp tục đề cập đến tranh chấp Biển Đông trên các diễn đàn quốc tế. Ngoại trưởng Philippines khẳng định là nước ông đương nhiên có quyền bảo vệ quyền lợi quốc gia của mình khi thấy cần thiết.
Theo các nhà phân tích, Tổng thống Philippines sẽ có dịp tiếp tục thực thi quyền chính đáng này nhân Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào ngày mai.
Như vậy là Philippines có một chủ trương nhất quán là nêu bật các vấn đề Biển Đông trên mọi diễn đàn quốc tế. Như tin chúng tôi đã loan, nhân Hội nghị Thượng đỉnh Âu – Á ASEM vào thượng tuần tháng 11 này tại Lào, Tổng thống Aquino cũng là người hiếm hoi kêu gọi các nước trong khối chú ý đến hồ sơ Biển Đông, không chỉ trong các cuộc họp song phương bên lề, mà cả trong cuộc họp toàn thể.
Để hiểu rõ thêm về lập trường của Chính quyền Manila trên vấn đề Biển Đông, về suy nghĩ và phản ứng của người dân Philippines trước tình hình căng thẳng với Trung Quốc, về thái độ của họ đối với Việt Nam, một nước cũng tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa với Philippines, RFI đã đặt câu hỏi với ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại California (Hoa Kỳ).
Vào thượng tuần tháng 11 này, nhà báo Ngô Nhân Dụng đã ghé thăm Philippines và có dịp tiếp xúc với một số chính trị gia cũng như người dân tại chỗ để tìm hiểu về suy nghĩ của họ về tình hình căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh do tranh chấp Biển Đông.


Nhà báo Ngô Nhân Dụng, California, Hoa kỳ
19/11/2012
Ba thành tố trong chính sách Biển Đông : Quốc tế hóa, UNCLOS, tự do hàng hải
Trả lời RFI, nhà báo Ngô Nhân Dụng trước hết ghi nhận ba điểm chủ chốt trong lập trường hiện nay của Philippines về Biển Đông : quốc tế hóa vấn đề, tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS, và bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực :
NND : Ở Manila tôi có vào Quốc hội Philippines, gặp được một dân biểu vùng Manila, cũng khá lớn tuổi và làm dân biểu lâu năm. Khí nói chuyện với ông, tôi có hỏi về chính sách của chính phủ Philippines… năm tháng sau biến cố Scarborough, thì ông… (ấy) nói rằng chính phủ ông luôn luôn đề cao 3 điều :
Thứ nhất là tranh chấp mang tính cách quốc tế, chứ Philippines không chấp nhận chuyện thảo luận song phương. Tôi nghĩ là Tổng thống Philippines (chẳng hạn) khi sang Lào nhân hội nghị ASEM và đề cập đến vấn đề tranh chấp với Trung Quốc, đó là một cách thể hiện chính sách ‘quốc tế hóa’, tức là ông ấy muốn chứng tỏ rằng Biển Đông không phải là việc giữa Philippines và Trung Quốc, không phải việc giữa Mỹ, Philippines và Trung Quốc, mà là việc chung của cả thế giới .
Điểm thứ hai trong lập trường Philippines là tất cả phải tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà cả Philippines, Việt Nam, Trung Quốc đều ký. Philippines muốn lấy cái đó làm căn bản.
Điểm thứ 3 mà ông dân biểu Philippines nói với tôi là nước ông muốn bảo đảm tự do lưu thông hàng hải ở trong vùng mà họ gọi là Biển Tây Philippines mà Việt Nam gọi là Biển Đông.
Ba điểm đó là căn bản mà chính phủ Philippines dùng để nói chuyện với Trung Quốc cũng như là với tất cả các nước. Và trong chuyện giải quyết vấn đề Biển Đông, họ nhấn mạnh đến tính cách quốc tế chứ không để cho Trung Quốc, một nước lớn nói chuyện với một nước nhỏ để có thể áp lực trên họ.
Không đề cao vai trò của Mỹ để bảo vệ tính quốc tế của hồ sơ Biển Đông
Có một điều đặc biệt là khi tôi hỏi chuyện ông dân biểu Philippines, cũng như mấy nhân viên trong Quốc hội mà tôi được gặp, thì họ không đề cao vai trò của Mỹ trong cuộc tranh chấp này, mà nói rằng đây là cuộc tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc.
Nhưng lúc tôi hỏi về hiệp ước phòng thủ an ninh hỗ tương giữa hai nước thì họ công nhận, cho đấy là một yếu tố rất quan trọng, nhưng họ không muốn đề cao vai trò của Mỹ, có lẽ một phần vì họ tự ái, một phần vì có thể đấy là một chiến lược để chứng tỏ rằng họ nói chuyện quốc tế là quốc tế thật, chứ không phải là quốc tế nhưng chỉ có Mỹ mà thôi.
RFI : Đó là phần chính quyền. Còn người dân Philippines có quan tâm nhiều đến chủ quyền quốc gia hay không ?
NND : Tôi không dám nói là mình đã tiếp xúc với nhiều người Philippines về chuyện này, nhưng tôi được nghe một người Philippines sống ở Mỹ vừa về Philippines. Anh ấy đại diện một tổ chức người Philippines hải ngoại… ở Mỹ, nhưng liên lạc rất nhiều với trong nước.
Chính quyền Manila và báo giới rất cứng rắn với Trung Quốc, người dân lại ôn hòa hơn
Anh ấy có nói với tôi một điều làm tôi hơi ngạc nhiên : Người dân Philippines có vẻ không quan tâm lắm đến chuyện tranh chấp với Trung Quốc. Có lẽ bởi vì bao lâu nay người ta mới có một biến cố như ở Scarborough, cho nên họ không quan tâm lắm.
Nhưng ở Philippines, cũng có những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong thời gian xẩy ra vụ hai bên đối đầu ở Scarborough. Theo một người bạn khác của tôi, cuộc biểu tình ở Manila hồi tháng Bảy cũng khá lớn. Họ biểu tình trước toà đại sứ Trung Quốc ở Manila, và cũng làm rất mạnh.
Tuy nhiên, trong nước Philippines, cũng có những người chủ trương khác. Tôi đọc trên một tờ báo thấy bài của một bình luận gia cũng có tiếng. Bà ấy nói rằng chúng ta nên nhìn lại chính sách của ông Nixon năm 1972, bảo là không nên gây cuộc đối đầu với Trung Quốc, mà nên bắt tay để tìm con đường hòa bình với Trung Quốc.
Lúc này mà nhắc lại giai đoạn Nixon sang Tàu thì cũng là một cách để gợi cho người Philippines biết là có lúc cũng nên ôn hòa, không nên gây ra lộn xộn quá.
Và vị ký giả này còn nói rằng bà nói chuyện với những người đánh cá Philippines, họ cũng không khó chịu gì khi thấy tàu đánh cá Trung Quốc tới.
Thành ra, chính sách của chính quyền Philippines rất mạnh mẽ, trong khi đó người dân Philippines thì tương đối ôn hòa… Đối với họ Trung Quốc chưa bao giờ là một kẻ địch, thành ra họ coi biến cố ở Scarborough là chuyện có thể giải quyết được.
Theo một số người Việt Nam sống ở Manila, có lẽ dân Philippines không quan tâm nhiều đến chuyện chống Trung Quốc bởi vì họ yên tâm vì lúc nào cũng có nước Mỹ bên cạnh nhờ hiệp ước phòng thủ hỗ tương Mỹ- Philippines còn hiệu lực.
RFI : Đó là suy nghĩ của dân thường. Còn báo chí Philippines thì sao ?
NND : Lập trường của báo giới là chống Trung Quốc rất mạnh. Họ đi xa hơn người dân bình thường. 
Trong thời gian xẩy ra tranh chấp với Trung Quốc, các tờ báo ở Philippines - tôi có đọc những tờ báo cũ - đăng toàn những tin như Mỹ tuyên bố sẽ đưa 60% lực lượng Hải quân sang Thái Bình Dương, chỉ còn giữ 40% ở Đại Tây Dương thôi, rồi lời tuyên bố của chỉ huy trưởng Hải quân Mỹ nói rằng sẽ đưa những vũ khí tối tân nhất sang vùng Biển Đông. Họ nêu cả những loại vũ khí tối tân nhất, chẳng hạn như là những tàu đổ bộ có thể cập vào những bãi biển nước rất là nông…
Điều đó chứng tỏ là báo giới Philippines có vẻ “diều hâu” hơn là dư luận bình thường của người dân. Có thể là đó cũng là lập trường chung với chính phủ Philippines.
Đến xứ Philippines này, mình thấy họ có rất nhiều điều giống Việt Nam, trừ một chuyện là trong việc chống Trung Quốc thì hai bên khác nhau. Xung đột với Trung Quốc khiến chính phủ Philippines rất cứng rắn, còn dân chúng thì ôn hòa. Ở Việt Nam thì ngược lại.
RFI : Dư luận Philippines nghĩ gì về Việt Nam nước cũng có tranh chấp quần đảo Trường Sa với Philippines ?
NND : Tôi hỏi mấy người thuộc giới chính trị, thì gần như là họ coi chuyện đó không có, nghiã là đối với họ, trong vùng Trường Sa, họ đang làm chủ chỗ nào, kiểm soát chỗ nào cứ để yên cho họ, thế là không có tranh chấp nữa.
Còn chuyện Việt Nam chiếm bao nhiêu đảo, chuyện đó họ cũng không cần biết. Trung Quốc, Đài Loan cũng có kiểm soát một số đảo, đối với họ chuyện đó cũng không thành vấn đề, ai có cái gì thì giữ cái đó.
Và họ luôn luôn nhắc nhở đến chuyện là phải họp nhau lại để bàn về việc : bây giờ thôi, ai chiếm được đâu thì ở đó, và làm sao cộng tác để cùng khai thác tài nguyên ở biển đó thôi, chứ họ không muốn đề cao chuyện tranh chấp.
Tôi nói chuyện với một nhân viên ở quốc hội, tôi hỏi tình hình hiện nay ra sao, thì anh ấy bảo bây giờ cứ giữ vấn đề ở trong tình trạng gọi là lịch sự nhã nhặn - tiếng Anh là civilities - làm sao cứ giữ tình trạng lịch sự nhã nhặn, đừng gấu ó thế là tốt rồi.
RFI : Ông kết luận sao về quan điểm về Trung Quốc của người Philippines so với người Việt Nam ?
NND : Trong tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc, người Philippines phản ứng khác cái lối của dân Việt Nam. Lý do rất đơn giản.
Bởi vì Việt Nam đã từng đối đầu với Đế quốc Trung Hoa, với chính quyền Trung Hoa trong 2000 năm lịch sử, còn người Philippines thì phải nói là vụ Scarborough vừa rồi là vụ đầu tiên họ đụng chạm với người Trung Hoa.
Hơn nữa, tại Việt Nam, chính quyền của mình cũng yếu ớt, có thể gọi là nhu nhược khi phải đối phó với những hành động có thể gọi là bắt nạt của Trung Quốc, thành ra điều đó gây phẫn uất trong dân chúng, khiến người dân, có thể là bình thường ra họ không chống Trung Quốc một cách mạnh mẽ như vậy, nhưng trước cái sự gọi là yếu đuối của chính quyền, thì người dân Việt Nam lại muốn tỏ ra mình phải cứng rắn hơn.
Ở bên Philippines thì ngược lại : Dân thấy là chính quyền rất cứng rắn - ngay trên báo chí cũng có người lên tiếng : “Thôi ! Đừng cứng rắn quá !” Vì yên tâm là chính quyền cứng rắn rồi, dân chúng Philippines thấy là chẳng cần đi biểu tình làm gì.
Và nói chung, người Philippines yên tâm là họ có hiệp ước an ninh hỗ tương với Mỹ, điều đó khiến cho thái độ người dân cũng khá ‘ôn hòa’.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét