Nguyễn Thị Thanh Tuyền - Tôi đã chờ đợi mỏi mòn trong nỗi lo lắng và một chút hy vọng trên con đường tìm công lý, để rồi 18 tháng sau nhận được cái bản kết luận của VKSND Tối Cao về kết quả điều tra nguyên nhân cái chết của Anh Nhựt: “Việc Nhựt treo cổ là do ân hận việc làm trái quy trình của mình tại công ty Kumho” đúng là một sự dối trá. Đọc xong bản kết luận tôi đã thức trắng đêm ngồi nhìn cái bản kết luận này, tôi thật sự bàng hoàng và không tưởng tượng được VKSNDTC lại copy 100% nội dung kết luận của Công An Bình Dương để đưa ra kết luận nguyên nhân cái chết chồng tôi.
Họ có thể thay trắng đổi đen một cách trắng trợn. thật sự là tôi không ngờ một cơ quan hành pháp cao nhất Việt Nam lại che chắn bảo vệ việc làm trái pháp luật và dã man của CA Bình Dương. Cái chết của chồng tôi quá rõ ràng cả một đứa trẻ cũng hiểu ra, chồng tôi chết do bàn tay của công an Bình Dương gây ra, vết tích trên thân thể của Anh ấy đã chứng minh điều đó,"Đầu gối chân phải xưng to bầm tím, trên ngực có hai vết bầm, hai bên hông xuống đến đùi bầm tím, hai bên hố chậu bị thối rữa, da bìu bị trượt mất một số thượng bì, bị dập tinh hoàn chảy máu và kiến bu rất nhiều, trên đùi đến chân có nhiều dấu vết li ti. Chân tay bị co và bầm tím hết các ngón tay, trên bàn tay và ngón chân, môi bị dập, quần dính máu, áo gối dính máu và chất nhờn rất tanh….”. Bấy nhiêu thôi thì cũng biết chồng tôi chết do đâu? Nhưng VKSNDTC lại kết luận bừa bãi, một số nội dung bịa đặt trong bản kết luận, đúng là một sự thật đáng buồn cười trong bản kết luận VKSNDTC về cái chết Anh Nhựt.
Mấy ngày qua tôi cảm thấy mệt mỏi và chán nản vô cùng, không biết mình đang sống ở chế độ nào? Mà sao tàn ác đến thế, cái sinh mạng một con người trong cái chế độ này nó quá nhỏ nhoi.
Hôm nay là ngày 2/9 tôi nhớ câu nói của Bác Hồ "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tôi ngẫm nghĩ câu nói này và tự đặt vấn đề, hỏi lại câu nói của Bác trong tâm trí tôi: “Chồng tôi muốn được sống được tự do, được mưu cầu hạnh phúc. Vậy tại sao công an Bình Dương họ không cho chồng tôi cái quyền ấy? Tại sao họ dã man hại chết tước đi quyền làm con người của chồng tôi? Tại sao chồng tôi chết oan mà VKSNDTC còn bịa đặt để đổ lỗi cho chồng tôi?”. Họ đã giết hại đi một sinh mạng họ cho bình thường, nhưng sinh mạng ấy là một người chồng, người con, người anh mà gia đình tôi yêu thương biết chừng nào. Vậy câu nói của Bác nó còn ý nghĩa và giá trị để con cháu của Bác nó noi gương làm theo không?.
Tôi buồn rơi nước mắt và hổ thẹn trước cái bản kết luận của VKSNDTC khi ngẫm nghĩ câu nói của Bác. Nhưng buồn cười hơn khi tôi đọc bức thư tuyệt mệnh đến câu: “Chồng viết mấy lời này... đi theo ông bà hay to tát hơn là đi theo Bác Hồ Chí Minh thì vợ đừng phải thấy kho (khổ)”. Tôi nghĩ chồng tôi cũng đủ khôn khéo chứ đâu nông cạn đến mức kết thúc cuộc đời mình quá sớm phải đi theo ông bà, đi theo Hồ Chí Minh như thế này. Anh cũng thừa biết trên đôi vai của Anh còn gánh nặng người Cha bệnh tật, người Mẹ già yếu và những đứa em khờ dại. Biết bao nhiêu nguyện vọng của Anh chưa được thực hiện, Anh luôn mơ ước được làm cha, dù đứa con của anh nó chưa hiện diện trên cõi đời này nhưng anh đã đặt tên cho con rồi, cái tên ấy tôi sẽ nhớ mãi và giữ mãi cho hết cuộc đời mình.
Nghĩ lại qua quá trình làm việc với điều tra viên của VKSNDTC tôi thật sự đã ghi ngờ từ lúc đầu là không nghiêm minh nhưng không ngờ nó tồi tệ đến như vậy.
Ngày 15/11/2011 tôi có giấy mời làm việc với Ông Lê Minh Kỳ điều tra viên của VKSNDTC Phía Nam – Cục 6. Khi đó Ông Lê Minh Kỳ yêu cầu tôi trả lời những câu hỏi (tôi nghĩ Ông Kỳ đang coi tôi như là một tội phạm chỉ được trả lời những gì Ông ấy hỏi). Khi tôi cung cấp thông tin của tôi cho ông Kỳ thì Ông ấy làm ngơ và nói với tôi rằng: "Những lời nói của cô tôi đã có hết rồi và còn nhiều hơn thế nữa…”. Lúc đó tôi hết chịu đựng cách ứng xử trong quá trình làm việc của ông này và cuối cùng tôi đã tranh cãi với ông ấy, tôi không chịu ký vào biên bản làm việc đó với lý do "Những ý kiến của tôi thì không được ghi trong biên bản, mà chỉ ghi những câu hỏi của Ông ấy”.
Lúc này tôi cảm thấy những điều tra viên VKSNDTC – Cục 6 có vấn đề trong cách điều tra tôi đã quyết định đi Hà Nội tìm Công lý cho chồng tôi.
Ngày 18/11/2011, tôi và Luật sư đã gặp Ông Phong - Cục Trưởng Cục Điều Tra của VKSNDTC. Ông Phong cũng ghi vấn một số vết tích trên cơ thể Anh Nhựt như dưới bộ phận sinh dục của Anh bị dập và kiến bu nhiều… và Ông cũng có lời hứa hẹn sẽ làm sáng tỏ cái chết của Anh Nhựt.
Nhưng thực tế lời hứa đó cũng là lời hứa suông và không bao giờ có thực. Sự Thật đến nay mọi việc đã được phơi bày, VKSNDTC là nơi nắm cái cân công lý, thi hành luật pháp, nhưng họ không công tâm, che đậy trong quá trình điều tra vụ án của chồng tôi, vì có một số tình tiết mà VKSNDTC thể hiện bản kết luận hoàn toàn sai không đúng những gì tai tôi nghe mắt tôi thấy.
Qua kết luận điều tra vụ việc của chồng tôi thì đã cho gia đình tôi và tất cả người dân trong cả nước thấy rõ Anh Nhựt: “vô tội trong vụ án mất lốp xe của công ty Kumho”, Việc Nhựt treo cổ là do ân hận việc làm trái quy trình của mình tại công ty Kumho trong bản kết luận của của VKSNDTC là sự bịa đặt nhằm “Thoát tội cho công an Bình Dương”. Đó là một sự thành công của VKSND Tối Cao “Em ngã anh nâng” mà người dân trong cả nước điều thấy rõ việc làm này.
Nhiều người nói với tôi rằng: “Có người dân nào mà tố cáo việc làm trái pháp luật, sai nguyên tắc của cán bộ nhà nước thì được giải quyết thỏa đáng đâu? bởi vì họ đã móc xích với nhau để bảo vệ quyền lợi cho nhau, nên thiệt thòi lúc nào cũng về phần người dân”khuyên tôi đừng kiện tụng chi cho mệt, tốn tiền, tốn công, tốn sức, tất cả ai cũng biết anh Nhựt“chết oan”. Tôi trả lời: "Tôi biết, nhưng việc của chồng tôi chỉ có một số người biết nhưng một số người vẫn nghĩ chồng tôi nghi can của vụ án mất trộm lốp xe của Cty Kumho. Tôi thật sự khó chịu khi nói chồng tôi là "nghi can" vì tôi hiểu chồng tôi hơn ai hết là chồng tôi “vô tội”. Chồng tôi vô tội thì không thể nào tự tử, nên tôi phải làm sáng tỏ để cho tất cả hơn 80tr người dân biết rằng: "Anh Nhựt bị công an Bình Dương đánh chết để cho tất cả người dân phải cảnh giác mọi tình huống khi làm việc công an” nếu không thì rất nhiều người phải chết oan mạng như anh Nhựt".
Nhưng bây giờ tôi lại ghét từ “ân hận”, Anh Nhựt có làm gì sai mà phải ân hận, đúng vở tuồng hài mà Công Bình Dương làm biên kịch và VKSND Tối Cao làm đạo diễn. Ông Dương Chí Dũng và một số cán bộ Nhà nước tham ô hối lộ thất thoát cả ngàn tỷ đồng của nhân dân mà còn chưa “ân hận”, huống hồ Anh nhựt là người có công tố giác tội phạm mà phải ân hận tự tử, thật là phi lý với kết bản kết luận của VKSNDTC.
Đến giờ bản kết luận của vụ án anh Nhựt được phơi bày, thì bộ mặt thật của sự việc cũng đã được phơi bày, tôi đã và sẽ không ngừng đấu tranh lôi bộ mặt thật ra để cho cả hơn 80tr dân thấy rõ bản chất của nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét