Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì (Reuters) |
Bắc Kinh đã làm cho Washington và nhiều nước châu Á lo ngại khi đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, bao trùm nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng và được cho là có trữ lượng dầu hỏa và khoáng chất lớn. Nhân hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Bali, Indonesia tuần này, Philippines đã vận động các nước Đông Nam Á đưa ra quan điểm chung về vấn đề trên. Tuy nhiên Manila đã vấp phải sự thờ ơ của nhiều quốc gia trong khu vực, vì các nước này sợ phải đối đầu với Trung Quốc.
Ông Ramon Carandang, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines tuyên bố Manila sẽ tiếp tục làm những gì đang làm, và nói thêm, sự ủng hộ của Washington khiến Philippines cảm thấy động thái của mình là hữu ích. Ông nói: “Chúng tôi biết chính xác những gì đang chờ đợi khi mang đến đề nghị trên đây…Ngay từ đầu chúng tôi hiểu rằng cần có thời gian để mọi người cùng chấp nhận”.
Hôm qua các Ngoại trưởng Malaysia và Cam Bốt đã đánh giá đề xuất của Philippines là không có lợi, và cho rằng thay vào đó nên tập trung cho bộ quy tắc ứng xử vốn đã bị tránh né trong nhiều năm qua. Nhưng kế hoạch của Philippines có được sức nặng nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến viếng thăm Manila đã tái cam kết là Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Philippines, đặc biệt là về quân sự. Bà tuyên bố: “Hoa Kỳ luôn ở bên cạnh Philippines, chúng tôi sẽ cùng kháng cự và chiến đấu với các bạn”.
Tuy không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, bà Hillary Clinton cho biết, Washington sẽ hỗ trợ Manila trong việc bảo vệ biên giới trên biển. Bà nói: “Bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền đưa ra yêu sách, nhưng không có quyền theo đuổi yêu sách bằng cách đe dọa hay áp bức”. Hãng tin AFP ghi nhận, Ngoại trưởng Mỹ dùng từ của đồng minh Manila là “Biển Tây Philippines” để chỉ Biển Đông, thay vì từ “Nam Hải”.
Lời tuyên bố trên được đưa ra nhân kỷ niệm 60 năm quan hệ Hoa Kỳ - Philippines, từ chiếc khu trục hạm USS Fitzgerald đang đậu tại vịnh Manila. Thông cáo chung của hai nước kêu gọi “tự do hàng hải, không ngăn trở việc giao thương và lưu thông hợp pháp trên biển”, cũng như giải quyết các tranh chấp lãnh hải trên cơ sở các nguyên tắc quốc tế.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Mỹ cùng với bản thông cáo chung trên đây đã gởi đi một thông điệp mạnh mẽ cho vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Tags: Biển Đông - Châu Á - Hoa Kỳ - Philippines - Quốc tế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét