Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

“2 tàu cá VN bị tàu Trung Quốc đuổi bắn khi tránh bão” - Luật Quốc Tế có đứng cùng Ngư Dân?





Đặng Thanh Chi (danlambao)  - Luật hàng hải quốc tế đã quy định quá rõ ràng sự đặc miễn xâm phạm sinh mạng, hàng hoá, tàu bè của ngư dân vô tội ngay cả trong thời gian giao tranh, thế thì tại sao câu hỏi của Mẹ Nấm nêu ra “Ai đang bám biển cùng ngư dân?” và “Ai đang bảo vệ ngư dân?” đến nay vẫn không có câu trả lời thoả đáng và chưa có một hành động bảo vệ chính thức nào từ những kẻ lãnh đạo đất nước này? Phải chăng đã đến lúc nhà cầm quyền Việt Nam muốn 86 triệu dân phải xuống đường để tự bảo vệ lấy đất nước của chính mình trước sự hung hãn ngày càng gia tăng của Trung Quốc ?!!! Ngày xuống đường ấy của đại khối dân tộc gần hay xa là tùy vào mức độ vô năng và bất xứng của những người lãnh đạo !!! ...



*

Ngày 24 tháng 9 năm 2011, lúc 13 giờ, 2 tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngải bị tàu Trung Quốc tấn công, đuổi bắn trong nhiều giờ, nhiều ngày khi đang trú bão tại đảo Trụ Cẩu, thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hai tàu cá mang biển số QNg 95337TS và QNg 95850TS. Chủ nhân kiêm thuyền trưởng là ngư dân Trương Văn Đức và ngư dân Trương Tài. 





Điều khoản 3 của Công Ước Quốc Tế “The Hague” (“The Hague Convention”1907) có hiệu lực từ ngày 26 tháng 1 năm 1910, quy định “Những Giới Hạn Liên Quan Đến Quyền Bắt Giữ Trong Chiến Tranh Hải Quân”[1]: “những tàu chuyên dùng cho việc đánh cá dọc theo bờ biển được miễn trừ ... không được bắt giữ...”. Luật này được quốc tế quy định và áp dụng trong thời chiến giữa các quốc gia tranh chấp và sau đó trở thành tập quán luật pháp chung (“customary law”) áp dụng cho tất cả các nước trong cộng đồng “văn minh” thế giới (“civilized nations”).[2]





Điều khoản này sau chiến tranh Đệ Nhị Thế Chiến đã được các nước đồng quy định lần nữa trong các Công Ước Geneva (Geneva Conventions) 1949, được thông qua năm 1977. Điều khoản 48 của Công Ước yêu cầu lực lượng vũ trang của các quốc gia tranh chấp trong vùng phải “phân biệt giữa dân thường và chiến binh; và giữa các đối tượng dân sự và các mục tiêu quân sự”.[3]





Điều khoản 54 của Công Ước Geneva cũng quy định lực lượng vũ trang của các nước không được quyền tấn công, không được quyền huỷ hoại mà còn “phải bảo vệ những phương tiện không thể thiếu cho sự sống còn của người dân”.[4]





Xét về khía cạnh luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã vi phạm trầm trọng tất cả các điều khoản trên. Việc tấn công, truy đuổi, bắn, đốt các tàu cá ngư dân với mục tiêu hủy hoại phương tiện “không thể thiếu” cho sự sống còn của gia đình các ngư dân, trong vùng biển không thuộc chủ quyền của Trung Quốc, lại không phải trong lúc đang có chiến tranh với Việt Nam, và nhất là trong lúc hai tàu cá vô tội chỉ đang tránh bão, cho thấy tính chất dã man, hung hãn đầy thú tính của Trung Quốc. 





Các luật sư Việt Nam có thể nêu câu hỏi mang tính “kỹ thuật pháp lý” rằng nếu Việt Nam không thuộc các quốc gia thành viên đồng ký tên trong các Công Ước quốc tế nêu trên, thì liệu ngư dân Việt Nam thấp cổ bé miệng có được luật công ước thế giới bảo vệ hay không trước sự tàn ác ngày càng quá khích của Trung Quốc? Câu trả lời là có; dựa trên hai điểm chính: 





1) Thứ nhất, Việt Nam không cần thiết phải là thành viên ký kết của các công ước trên vì các công ước ấy chỉ nhằm áp dụng trong thời chiến. Việt Nam và Trung Quốc đang không có chiến tranh với nhau. Nguyễn Tấn Dũng và Đới Bỉnh Quốc gần đây nhất vẫn ôm nhau hôn thắm thiết. Do đó, ngư dân Việt Nam lẽ ra không cần đến các công ước trên mới được bảo vệ vì ngay cả nếu Trung Quốc và Việt Nam đang ở trong tình trạng chiến tranh thì Công Ước The Hague và Geneva 1949 cũng quy định “những tàu chuyên dùng cho việc đánh cá dọc theo bờ biển được miễn trừ ... không được bắt giữ...”. Nếu trong chiến tranh đã thế thì trong thời bình lại càng không thể tấn công ngư dân. Trong luật pháp, đây gọi là quy tắc có thể được giả định (presumptive rule). 





2) Thứ hai, những điều khoản trong các công ước trên được các quốc gia trong thế giới văn minh ngày nay công nhận như luật nhân đạo trong chiến tranh” (“the humanitarian laws of war”) và mang tính phổ quát cho cộng đồng nhân loại. Việt Nam không nhất thiết phải là đối tác ký kết trong các Công Ước này mới nhận được sự ủng hộ của công pháp quốc tế. Nhất là khi Việt Nam và Trung Quốc đang trong “thời bình” nên việc Trung Quốc vô cớ xâm phạm với mục tiêu huỷ diệt sinh mạng, tài sản, tàu bè ngư dân đã là vi phạm công pháp quốc tế. Và nhất là không phải một lần, mà là nhiều lần, trong nhiều năm!!! 





Tuy nhiên, trong chúng ta, ai cũng hiểu vấn đề ngư dân được bảo vệ hay không, đầu tiên trách nhiệm phải do chính những người lãnh đạo Việt Nam có dám “đặt vấn đề” với Trung Quốc hay không? Có dám truy tố Trung Quốc trước toà án tư pháp quốc tế để đòi bồi thường thiệt hại cho ngư dân mình hay không? Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc hung hăng đuổi bắn tàu ngư dân Việt Nam đang đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước. Qua những cuộc tiếp xúc, phỏng vấn và thông tin trên báo chí qua các phóng sự thực hiện bởi Phạm Thanh Nghiên can đảm nhiều năm trước và Mẹ Nấm lúc gần đây, cho chúng ta thấy không chỉ những phương tiện tàu bè, lưới, chài của ngư dân bị tiêu huỷ, mà máu và sinh mạng của nhiều ngư dân đã bị huỷ hoại bởi lực lượng hải quân và tàu vũ trang của Trung Quốc. Việc Trung Quốc cắt cáp tàu Viking I & II cũng đã vi phạm trầm trọng Công Ước “The Hague”: “ngoài tàu đánh cá ven biển của ngư dân, các tàu thuyền hoạt động mang tính chất khám phá khoa học đều được miễn trừ không được bắt giữ hay huỷ hoại”, (“immunity for “coastal fishing boats” and vessels engaged in scientific discovery”). Điều khoản 22 của công ước Geneva Convention 1949 cũng miễn trừ cho các tàu bệnh viện quân đội không phải bị bắt giữ (“military hospital ships”), dù là trong lúc giao tranh. 





Việc các quốc gia trên thế giới lên tiếng bảo vệ đến cùng các tàu đánh cá của ngư dân họ khi bị “tàu lạ nước khác” tấn công đã có từ những năm xa xưa 1898. Ngày 27 tháng 4 năm 1898, hai tàu đánh cá của ngư dân Tây Ban Nha bị tàu chiến của Hoa Kỳ bắt giữ trong vùng hải phận ven biển Cuba. Lúc đó Hoa Kỳ và Tây Ban Nha đang trong thời kỳ giao tranh. Sau khi bắt giữ hai tàu cá có treo cờ Tây Ban Nha, (chủ nhân gốc Tây Ban Nha sinh sống tại Cuba), Hoa Kỳ đã tuyên bố hai tàu đánh cá này là “chiến lợi phẩm” chiến tranh, và đã bán đấu giá tàu “Paquette Habana” với giá $490 và tàu “Lola” với giá $800 đô. Chính phủ Tây Ban Nha kiện quân đội Mỹ và đòi bồi thường tổn thất cho ngư dân họ. Toà án tối cao của Hoa Kỳ đã phán quyết quân đội Hoa Kỳ phải hoàn trả toàn bộ những của cải, tài sản đã tịch thu của hai tàu ngư dân, đồng thời phải bồi thường thêm tất cả những tổn phí, thiệt hại do việc bắt giữ và đấu giá hai tàu ngư dân ấy.[5] Đấy là trong thời chiến tranh đang diễn ra giữa hai nước Hoa Kỳ và Tây Ban Nha và vụ án lại xẩy ra khi “văn minh nhân loại” còn ở thập kỷ 1900; và các công ước quốc tế The Hague và Geneva còn chưa ra đời. Thế thì hôm nay những người lãnh đạo Việt Nam đã làm gì để bảo vệ ngư dân mình khi họ bị xâm phạm? 





Ngay cả Đế chế Nhật Bản trong thời kỳ giao tranh với Trung Quốc, tháng 8 năm 1894 đã ban hành pháp lệnh: “những loại tàu bè sau đây của “kẻ thù” được miễn trừ không bắt giữ, tịch thu, bao gồm tàu đánh cá và những tàu đang trên đường hải hành với mục tiêu khám phá khoa học, hoạt động từ thiện hay mang nhiệm vụ tôn giáo” [6]. Tưởng cũng nên nói thêm là Nhật Bản vào thời điểm ấy, là nước cuối cùng (nhưng đầu tiên trong vùng Á châu) được cộng đồng quốc tế công nhận vào hàng “các nước văn minh” (“ranking of civilized nations”) và qủa là xứng đáng! Việt Nam học được gì và Trung Quốc có biết “xấu hổ” chăng khi hành xử thiếu “văn minh” và man rợ như dã thú ? 





Gần trăm năm trước đó, tháng 4 năm 1798, vụ Anh quốc bắt giữ các tàu cá nhỏ của ngư dân Pháp và Hoà Lan, theo đúng pháp lệnh của Toà án Tối Cao của Hải Quân Anh (High Court of Admiralty of England) cho phép bắt giữ các tàu ngư dân Hoà Lan trên biển làm chiến lợi phẩm chiến tranh. Tuy rằng trong thế kỷ 17 khi văn minh nhân loại và pháp luật quốc tế còn sơ khai, toà án Anh quốc cũng đã công nhận trong phiên toà xét xử vụ bắt giữ các tàu cá “the Young Jacob and Johanna” rằng quyền miễn bắt giữ các tàu ngư dân dù không được quy định trong bất cứ văn bản pháp lý nào giữa các nước liên hệ, tuy nhiên, đây là một đặc quyền miễn trừ được công luận quốc tế công nhận từ lâu, và được dựa trên quy tắc giao tế hữu nghị giữa các nước.[7] Ngày 16/03/1801 khi chính phủ Addington lên nắm quyền tại Anh, đã rút lại các pháp lệnh ban hành trên của toà án tiền nhiệm, và quyền tự do đánh cá đã được tái lập giữa Anh và Pháp. Những năm sau đó, 1806 và 1810, chính phủ Anh đã ra lệnh cấm tàu vũ trang quân sự tuyệt đối không được xâm phạm các tàu đánh cá của ngư dân các nước khác. Trong đặc tập “Luật Hàng Hải Về Việc Bắt Giữ và Tịch Thu Chiến Phẩm”, xuất bản 1815, của Wheaton, đã ghi rõ: “Đây là một quy định đã được bình thường hóa trong luật chiến tranh hàng hải để miễn trừ không bắt giữ các tàu đánh cá và hàng hoá của họ. Quy định này phát xuất từ cả hai quan điểm: tương ứng có lợi cho các nước láng giềng đang giao tranh, và từ sự quan tâm đến những người dân nghèo khó và cần cù”.[8] Nguyễn Tấn Dũng có biết nghĩ đến sự “nghèo khó” và “cần cù” của ngư dân nước ta để mỗi sáng thành phố có cá tươi làm thực phẩm, và nhà nước có cá để xuất khẩu chăng ? 





Quy luật bảo vệ tàu đánh cá của ngư dân cũng đã được Pháp và Ý tôn trọng trong thời gian giao tranh the Crimean war năm 1859, và sau đó giữa Pháp và Đức năm 1870. Trong Công Ước Hoà Bình (Treaty of Peace) giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ năm 1846 khi 2 nước này đang giao tranh còn quy định rõ hơn rằng ngay cả việc bắt giữ ngư dân, hay gây bất kỳ khó khăn nào cho việc theo đuổi nghề nghiệp trên biển của họ, xâm phạm hàng hóa hay nhà cửa của ngư dân đều bị nghiêm cấm tuyệt đối.[9] Thế thì sinh mạng của các ngư dân Việt Nam đã bị giết, bị bắt cóc, giam tù, thân thể tàn phế, bệnh tật, tàu bè bị huỷ hoại, phương tiện và vốn liếng kiếm sống duy nhất của cả gia đình họ đều bị tàu vũ trang của Trung Quốc chiếm đoạt, đòi chuộc ... liệu những kẻ cầm quyền Việt Nam có dám yêu cầu Trung Quốc ký “công ước hoà bình” cam kết tôn trọng và bồi thường tổn thất nếu xẩy ra, như Mễ Tây Cơ đã làm với đại cường quốc láng giềng Hoa Kỳ không ??? 





Luật hàng hải quốc tế đã quy định quá rõ ràng sự đặc miễn xâm phạm sinh mạng, hàng hoá, tàu bè của ngư dân vô tội ngay cả trong thời gian giao tranh, thế thì tại sao câu hỏi của Mẹ Nấm nêu ra Ai đang bám biển cùng ngư dân? và “Ai đang bảo vệ ngư dân?” đến nay vẫn không có câu trả lời thoả đáng và chưa có một hành động bảo vệ chính thức nào từ những kẻ lãnh đạo đất nước này? Phải chăng đã đến lúc nhà cầm quyền Việt Nam muốn 86 triệu dân phải xuống đường để tự bảo vệ lấy đất nước của chính mình trước sự hung hãn ngày càng gia tăng của Trung Quốc ?!!! Ngày xuống đường ấy của đại khối dân tộc gần hay xa là tùy vào mức độ vô năng và bất xứng của những người lãnh đạo !!! 



Chú thích:


[1] The Hague Convention of 1907, Article 3 on Certain Restrictions with Regard to the Exercise of the Right to Capture in Naval War, 36 Stat. 2396, T.S.No.544. 

[2] Steiner et al, “International Human Rights In Context: Law, Politics, Morals”, 3rd ed. Oxford. 

[3] Article 48 of Protocol No. 1 to the Geneva Conventions, adopted in 1977. 

[4] Article 54 entitled “Protection of Objects Indispensable to the Survival of the Civilian Population”. 

[5] The Paquette Haban, Supreme Court of the United States, 1900. 175 US 677, 20 S.Ct 270. 

[6] Takahashi, International Law, 11, 178. 
[7] Lord Stowell’s judgment in “the Young Jacob and Johanna”, 1 C.Rob20. 
[8] Wheaton, “Digest of the Law of Maritime Captures and Prizes”, Captures, chap. 2, 18, 1815, England. 
[9] Treaty of Peace between the United States and Mexico, 1848, 9 Stat. at L.939, 940.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét