Cuộc sống người dân quá khổ vì ngập (ảnh chụp ngày 1-10 trên đường Tân Hóa, TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa |
Các đại biểu HĐND TP.HCM đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn ông Dũng về hiệu quả các dự án chống ngập của TP tại buổi giám sát về tình hình ngập nước ngày 13-10.
Không chỉ vậy, các điểm ngập được đăng ký xóa trong năm 2014 (theo nghị quyết 38 HĐND TP) cũng sẽ không hoàn thành như kế hoạch, nhiều dự án phải kéo dài trong các năm tiếp theo, người dân TP tiếp tục loay hoay với cảnh nước ngập chưa biết đến bao giờ chấm dứt.
Quy hoạch lỗi thời
Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, từ đầu năm 2014 đến nay có 21 trận mưa gây ngập trên địa bàn TP, tổng số điểm ngập là 50 điểm gồm 11 điểm ngập hiện hữu, 10 điểm ngập do ảnh hưởng công trình Tân Hóa - Lò Gốm và 29 điểm ngập do mưa vượt tần suất thiết kế cống. |
Theo ông Dũng, cơ sở để ông khẳng định như vậy là vì quy hoạch thoát nước cho TP theo quyết định 752 của Thủ tướng phê duyệt từ năm 2001 đã lỗi thời.
Cụ thể theo quy hoạch này, khu vực thoát nước của TP được chia làm sáu vùng.
Trong đó khu vực vùng trung tâm với diện tích khoảng 650 km2/1.600 km2 (diện tích toàn TP không tính Cần Giờ) gồm các quận 1, 3, 4, 5, 7, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình và một phần các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh sẽ được đầu tư 6.000km cống thoát nước ngập do mưa.
UBND TP đã chọn việc giải quyết ngập cho khu vực trung tâm như trên là một trong sáu chương trình đột phá trong giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu cụ thể xóa ngập 58 điểm trong giai đoạn này.
Đến năm 2013, TP đã giải quyết được 47 điểm ngập, năm 2014 sẽ giải quyết tiếp 6/11 điểm ngập còn lại.
Theo ông Dũng, đến nay đã giải quyết tiếp hai điểm ngập trên quốc lộ 1 và tỉnh lộ 43, các điểm còn lại là Đỗ Xuân Hợp, Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Quá sẽ không hoàn thành kịp trong năm do vướng thủ tục, mặt bằng và điểm ngập đường Quang Trung (chân cầu Chợ Cầu) đã triển khai dự án giảm ngập chưa xóa ngập được.
Ông Dũng cũng tính toán đến nay, khu vực trung tâm mới được đầu tư 3.200km cống, mới hơn một nửa so với yêu cầu (6.000km theo quy hoạch). Tuy nhiên vấn đề mà ông Dũng lo ngại là quy hoạch này đã lỗi thời.
“Quy hoạch được duyệt từ năm 2001, với căn cứ mực nước triều 1,32m, lượng mưa khoảng 100mm năm năm mới xuất hiện một lần. Giờ triều đã đạt tới 1,7m, mưa trên 100mm một năm xuất hiện hai lần.
Vì vậy tôi không thể trả lời được là khi nào TP hết ngập mà khi các công trình triển khai xong chỉ giảm ngập chừng mực nào đó” - ông Dũng nói.
Trong khi dự án chống ngập do mưa được triển khai thì quy hoạch thủy lợi chống ngập úng do triều (còn gọi là quy hoạch 1547) được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2008 đến nay cũng chưa đâu vào đâu.
Theo quy hoạch này, TP sẽ đầu tư 13 cống ngăn triều và hệ thống đê bao khép kín. Trong 13 cống được duyệt, hiện chỉ mới triển khai được một cống là Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hệ thống đê bao chưa được đụng đến.
Ngoài ra theo ông Dũng, một phần nguyên nhân khiến các dự án chậm còn do việc bố trí vốn cho các công trình chậm, cụ thể trong giai đoạn 2011-2015 cần 59.000 tỉ đồng nhưng trong những năm qua chỉ được bố trí 500 tỉ đồng mỗi năm cho công tác chống ngập.
Chống ngập xong vẫn ngập
Tại buổi giám sát, ông Lê Thanh Liêm - giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP, chủ đầu tư dự án cải tạo đường dọc kênh Tân Hóa thu hẹp dòng chảy gây ngập tại khu vực Tân Bình, Tân Phú - thông tin một viễn cảnh không mấy khả quan cho tình hình chống ngập khu vực này.
Theo ông Liêm, dự án hiện nay đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành cuối năm 2014. Tuy nhiên ông Liêm thẳng thắn nhìn nhận “công trình hoàn thành khu vực này vẫn còn ngập, vấn đề là ít hay nhiều”.
Bởi theo ông Liêm, cống làm xong nhưng khu vực này có cao trình quá thấp, giải pháp cũng không thể nâng cốt nền lên toàn bộ cho khu vực và “với tình hình triều ngày một dâng cao như hiện nay, ngay cả những khu vực đã nâng cao lên 2m như thời gian qua cũng có khả năng lỗi thời” - ông Liêm nhận định.
Ngoài vấn đề cốt nền thấp, ông Liêm còn thông tin thực trạng đáng quan tâm đó là tình trạng lún nền đất tại khu vực Tân Hóa - Lò Gốm.
Cụ thể, ông Liêm cùng các đơn vị tiến hành quan trắc thực địa tại 10 điểm ở công trường từ tháng 11-2013 đến tháng 8-2014, tình trạng lún đo đạc được từ 54-127mm. Tương tự quan trắc tại nhà 25 hộ dân cũng có tình trạng lún gần 2 mm/tháng.
Ông Lê Hoàng Minh, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết ông rất quan ngại với tình hình triều cường cao như hiện nay và theo ông, một trong những nguyên nhân đó là hiện tượng TP đang bị lún.
Không chỉ ở khu vực Tân Hóa, khu vực Bình Thạnh cũng đã quan sát được hiện tượng này. Về giải pháp chống ngập lâu dài, ông Minh đề nghị phải phân tích trên cơ sở khoa học để kiến nghị điều chỉnh lại quy hoạch 752 và cả quy hoạch 1547.
Ngoài ra khi triển khai dự án chống ngập phải nghiên cứu trên quy mô vùng, xem xét khả năng kết nối với các vùng lân cận chứ không thể làm lẻ mẻ.
Riêng năm vùng thoát nước còn lại, ông Minh đề xuất các cơ quan chức năng phải làm quy hoạch thoát nước vì từ năm 2001 đến nay cứ lo tập trung vào khu vực trung tâm mà chưa triển khai quy hoạch thoát nước cho các vùng này.
Đầu tư dàn trải, hiệu quả không cao
Ông Nguyễn Ngọc Thảo - trưởng phòng đầu tư sửa chữa Sở Tài chính - cho rằng mỗi năm ngân sách TP chi cho chống ngập chiếm 5-6% tổng vốn cho phát triển hạ tầng.
Tuy nhiên nhìn bức tranh tổng thể thấy công tác chống ngập thời gian qua chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, cứ loay hoay với bài toán nâng đường ngập hẻm, nâng hẻm ngập nhà.
Vì vậy, ông Thảo đề nghị Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước cần tập trung mọi nguồn lực vào các dự án cụ thể đã đăng ký trong năm 2014, làm điểm nào cho xong điểm đó chứ đầu tư dàn trải các dự án dở dở dang dang, không mang lại hiệu quả chống ngập cao.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét