Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

"Dã ngoại" cùng bác sĩ Nguyễn Đan Quế"( Phạm Thanh Nghiên) - "Viết cho ngày 5.5 "( Bác sĩ Nguyễn Đan Quế).

                        “Dã ngoại” cùng bác sĩ Nguyễn Đan Quế
                                                                                    Phạm Thanh Nghiên

“Lần nào nói chuyện với bác, cháu cũng lãi”. Đó là câu nói đùa nhưng rất thật của tôi khi kết thúc cuộc nói chuyện qua điện thoại với bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Mà tôi không chỉ “lãi” với bác Quế. Tôi còn “lãi” khi được nói chuyện với bác Hà Sĩ Phu, bác Trần Khuê, bác Nguyễn Thanh Giang, bác Lê Hồng Hà và nhiều bậc cao niên đáng kính khác. Tôi học được rất nhiều, từ những điều bình dị trong cuộc sống đến kinh nghiệm tranh đấu và “lãi” hơn cả là những kiến thức nằm ngoài phạm vi hiểu biết của tôi.

Một trong những người đầu tiên ủng hộ Chúng Ta - Công Dân Tự Do khi ra “Lời Tuyên bố công dân tự do” là bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Và ông đặc biệt quan tâm đến Buổi dã ngoại Nhân quyền vào ngày 5/5 tới. Ông nói, đó là một việc làm tuy nhỏ nhưng sẽ là nền móng căn bản góp phần chuyển hóa xã hội Việt Nam.


Khi trao đổi với nhau, Bác sĩ Quế không nói về hai mươi năm tù đày mà ông đã trải qua nhưng lúc nào cũng xót xa cho bốn năm tù của tôi. Tôi thấy mình thật nhỏ bé trước một con người như thế. Dường như cảm nhận được tâm lý ấy của tôi, ông bảo: “Dân chủ là phải bình đẳng. Cháu nên trao đổi với bác hay với bất cứ người nào cũng phải trên tinh thần bình đẳng. Sự tôn trọng không xuất phát từ tuổi tác, địa vị hay học vấn. Nó đến từ thiện chí và mang một giá trị chung là lý tưởng”.

Ông nói nhiều về buổi dã ngoại vào ngày Chủ nhật 5 tháng 5 tại Sài Gòn, Nha Trang và Hà Nội. Tiếc rằng tôi không nhớ được hết nhưng tâm đắc với một vài nhận định của ông nên “mạo muội” viết ra đây với mong muốn được chia sẻ với bạn bè của mình. Tôi bày tỏ sự lo lắng buổi dã ngoại sắp tới rất có thể không được diễn ra, nhiều người sẽ bị ngăn cản, bắt bớ hoặc sẽ gặp một vài tình huống nằm ngoài dự tính của chúng tôi. Ông cười, giọng cười rất hiền (và rất trẻ):
- Chẳng phải cháu đã từng nói: “Không ai có thể bị bắt khi nói với người khác: Tôi là một con người!” là gì. Và dù có gặp bất cứ khó khăn, nguy hiểm nào thì các cháu cũng phải vượt qua. Trong hoàn cảnh khó khăn mà thành công thì thành công ấy mới là đáng kể và đáng quý. Mỗi chúng ta chỉ là những sự đóng góp hết sức nhỏ bé, “nhưng là những cái nhỏ được đặt trong một Hướng của lịch sử”. Chúng ta thắng lợi vì có sự ủng hộ của Xu thế thời đại. Xu thế thời đại là: Tự do và Dân chủ.

Không cố ý nhưng tôi vẫn buột miệng “khen” ông (và những người như ông) là mang tầm vóc vĩ mô. Và nhận mình là bình dân, quê mùa (mà tôi thì quê mùa thật). Ông phân tích cho tôi hiểu rằng, cái mà ta cần lúc này là sự bình dân. Sự bình dân được đặt trên nên tảng của những giá trị lớn lao, những tầm vóc vĩ mô. Bác sĩ Quế cho rằng những buổi dã ngoại Nhân quyền sẽ mở đầu cho một loạt những hoạt động tiếp theo mang tính “nhiệm vụ lịch sử”. Thực ra, khi tổ chức các cuộc dã ngoại để trao đổi về Quyền Con Người, không ai trong số chúng tôi nghĩ rằng mình đang thực thi “nhiệm vụ lịch sử”. Chúng tôi chỉ làm những gì mình muốn và cần thiết như hơi thở: Con Người cần phải có Quyền Con Người.

Đơn giản, chúng tôi là những Công Dân Tự Do.

Chính xác hơn - Chúng Ta là những Công Dân Tự Do.

Chúng ta là Tự Do.

Bác sĩ Quế nói ông khá hồi hộp mong chờ ngày 5/5 tới. Làm như chính ông phải chịu trách nhiệm về sự thành công cho chuyến dã ngoại sắp tới. Ông bảo: “Coi như hai bác cháu hôm nay đã Dã ngoại để trao đổi về Quyền Con Người qua điện thoại rồi nhé”. Đúng là một cuộc Dã ngoại “đặc biệt”. Đặc biệt hơn cả “Dã ngoại trước sân nhà”.

                         Viết cho ngày 5-5.
                                                                              Bs Nguyễn Đan Quế


Khi đọc thư kêu gọi tham gia dã ngoại 5-5 như sau:

“Các bạn thân mến,
Nhân Quyền là những giá trị phổ quát của nhân loại được quy định trong Hiến Chương Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là thành viên ký kết; đồng thời cũng đã được nêu lên rõ ràng trong Hiến Pháp Việt Nam.
Nhưng trên thực tế, những Nhân Quyền căn bản này đã không được nhà nước Việt Nam tôn trọng. Nhiều quyền đã bị vi phạm trắng trợn. Chắc chắn, mỗi cá nhân chúng ta đã từng trải nghiệm nhiều ít đớn đau khác nhau.
Đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn nêu những đòi hỏi cải thiện về Nhân Quyền để mọi người có cuộc sống thoải mái hơn, nhân phẩm được tôn trọng, có quyền quyết định tương lai của chính mình và con cháu mình. Đó hẳn là những chủ đề chúng ta quan tâm và cần chia sẻ với nhau.”
Tôi hoàn toàn ủng hộ và mong buổi dã ngoại thành công. 

Theo tôi nghĩ:
Kỷ nguyên internet cùng những phương tiện đi lại hiện đại kết nối con người trên khắp thế giới. Toàn cầu hóa kinh tế, giao lưu văn hóa, sự cảm thông giữa các dân tộc có những bước phát triển thật đáng trân quí. Nhìn cuộc đời đáng sống nơi các nước dân chủ, dân chúng dưới những chế độ áp chế đã đứng lên đòi Nhân quyền. Một số chế độ đàn áp Nhân quyền đã sụp đổ như ở Đông Âu, Bắc Phi – Trung Đông, hoặc đang chuyển đổi sang tôn trọng Nhân quyền như ở Miến Điện. Nhưng cũng có một số nền độc tài tìm mọi cách trì hoãn hay cưỡng lại xu thế thời đại. Điển hình là những gì hiện đang diễn ra tại đất nước thân yêu của chúng ta.


Việt Nam mở cửa năm 1986. Buôn bán với thế giới và vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, nhất là sau khi ký Hiệp ước song phương Mỹ - Việt và sau khi gia nhập Cơ Quan Mậu Dịch Thế Giới. Nền kinh tế Việt Nam đạt nhiều thành quả đáng khích lệ. Một tầng lớp trung lưu hình thành trong xã hội, còn non trẻ nhưng rất năng động.

Một khi nền kinh tế thị trường đã có được bước khởi đầu thuận lợi như thế, đáng lẽ phải có những cải cách cởi mở về chính trị để người dân, nhất là giới trẻ, tham gia vào công cuộc phát triển đất nước, những người CS cầm quyền ở Hà Nội, sợ mất đặc quyền - đặc lợi, đã phạm một lỗi lầm vô cùng tai hại là thắt lại về chính trị, quay ra đàn áp nhân dân. Nổi trội nhất là đàn áp các blogger chỉ trích những sai lầm của chính quyền và đàn áp dân oan đi khiếu kiện mất đất. Từ đầu năm đến nay, hơn 40 blogger chỉ trích chính quyền bị truy tố như vụ Điếu Cày, Tạ Phong Tần hay 14 sinh viên ở Vinh; và nhiều gia đình nông dân phản kháng mất đất canh tác bị tống giam như vụ án Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng. Và sắp tới đây, chính quyền có kế hoạch kiểm soát nghiêm ngặt hơn nữa internet, truy quét đến cùng những blogger có chính kiến khác với ĐCSVN; cũng như cấm nông dân tụ họp đông người khiếu nại.

Tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam đang xấu đi một cách nghiêm trọng, rất đáng quan ngại. Mới đây, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Liên minh Âu châu, Bộ ngoại giao Anh, Đài Quan sát Nhân quyền, Ký giả không Biên giới, Ân Xá Quốc Tế, Luật sư đoàn Paris đều đã lên tiếng mạnh mẽ khuyến cáo Hà nội cần phải tôn trọng Nhân quyền của người dân.
Chúng tôi cũng được biết Quốc hội Liên Bang Hoa Kỳ trong thời gian sắp tới có thể mang ra thảo luận và thông qua những đạo luật ủng hộ công cuộc đấu tranh cho Nhân quyền của chúng ta ở Việt Nam, chú ý nhiều trên lãnh vực internet và tôn giáo vì những giáo hội độc lập như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành đang bị cô lập, sách nhiễu, đàn áp. Như bất cứ người dân nào trên thế giới, chúng ta muốn chính quyền phải tôn trọng nhân phẩm của người dân. Người dân có quyền lên tiếng phản kháng khi họ bị đối xử, cai trị tàn tệ. Vì thế chúng ta ủng hộ những đạo luật nói trên vì đã nêu cao nguyên tắc vi phạm Nhân quyền ở bất cứ đâu, kể cả ở Việt Nam, có thể bị Quốc Hội Hoa Kỳ trừng phạt.

Với sự đấu tranh kiên trì bền bỉ cho Nhân quyền của chúng ta ở trong nước, kết hợp với sức mạnh thời đại từ những chính phủ, những dân biểu của những nước dân chủ, những tổ chức quốc tế đấu tranh cho nhân quyền như Đài Quan sát Nhân quyền HRW, Ân Xá Quốc Tế, Ký giả Không Biên Giới, Freedom House, Freedom Now, Sáng kiến Á - Mỹ (AAI)... chúng ta có quyền tin tưởng Việt Nam sẽ nhanh chóng là một Miến Điện thứ hai ở Đông Nam Á.

Cùng toàn thể anh chị em tham gia ngày 5-5:

Việt Nam đang đi vào thế trận quyết định tương lai của dòng giống Lạc Hồng. Đất nước còn hay mất, Tổ Quốc Việt Nam được vinh danh hay yếu hèn trên bàn cờ thế giới là từ cuộc đấu tranh quyết tâm giành lấy những quyền căn bản cho dân tộc ta ngày hôm nay.
38 năm chiến tranh đã lùi xa, vật đổi sao dời. Chúng ta cần ý thức rằng vấn đề Việt Nam cũng như thế giới đã có nhiều yếu tố rất mới, hết sức phức tạp, với tầm quan trọng lớn đến tương lai nhân loại.

Dân tộc ta đang phải đối mặt với thù trong giặc ngoài, đúng vào lúc các siêu cường bố trí lại chiến lược của mình để ‘cạnh tranh trong hợp tác’, và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trên đường từ tiến đến thủ giữa vai trò cần có trong phát triển Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Châu Á - Thái Bình Dương.

Cuộc chiến đấu của chúng ta hiện nay là cuộc chiến đấu về đường lối giữa một bên là độc tài CS lỗi thời và bên kia là ĐƯỜNG LỐI MỚI được quyết định bởi ba yếu tố:
 - Phát triển xã hội Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
 - Phát triển với phong cách chung của ASEAN.
 - Phát triển dưới ảnh hưởng của các siêu cường tranh nhau, giành giật ghê gớm quyền lợi kinh tế.

ĐƯỜNG LỐI MỚI ĐANG RA ĐỜI TRONG ĐẤU TRANH, một đường lối mới tôn trọng phẩm giá của người dân, dân ta phải có đầy đủ những Nhân quyền căn bản, có quyền tham gia vào những quyết định quan trọng điều hành đất nước, có quyền quyết định tương lai của chính chúng ta và con cháu mai sau.
Cụ thể là chúng ta đấu tranh để thực hiện cho bằng được những mục tiêu sau:
- Cơ chế: Bầu cử, ứng cử tự do.
- Thiết chế: Tam quyền phân lập.
- Các xã hội dân sự hoạt động độc lập, kể cả đệ tứ quyền (tự do báo chí, tự do internet, truyền hình, xuất bản...)
- Những Nhân quyền căn bản của người dân phải được tôn trọng và... bảo đảm theo đúng Hiến Chương Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mà chính các bạn tham gia thảo luận trong buổi dã ngoại ngày hôm nay.

                                                                                Bs Nguyễn Đan Quế
                                                                                 5-5-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét