AFP photo
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-10-18
Vụ án Tiên Lãng đã bước sang tháng thứ 10 nhưng vẫn dậm chân tại chỗ chưa có một tiến triển gì về mặt công tố.
Tuy nhiên, các cán bộ vi phạm đã được phục chức, phục quyền đã như một vết thương bị khóet sâu thêm nữa trong lòng nạn nhân cũng như những nguời theo dõi và quan tâm câu chuyện.
Dồn dân vào bước đường cùng
Sáng ngày 5 tháng 1 năm 2012, UBND huyện Tiên Lãng đã mang một lực lượng đông đảo hơn 100 người bao gồm công an và quân đội tiến hành cưỡng chế khu đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Cống Rộc, Tiên Lãng sau khi gia đình ông nhiều lần khiếu nại việc ra lệnh thu hồi mảnh đất mà gia đình thuê và bỏ công sức đầu tư làm đầm nuôi thủy sản.
Sau nhiều giờ đối đầu dùng mìn tự chế và đạn hoa cải bắn trả vào lực lưỡng cưỡng chế, hậu quả là 4 công an và 2 người thuộc quân đội bị thương. Ba người em của ông Đoàn Văn Vươn bỏ chạy và bị bắt sau đó. Ông Vươn cũng bị bắt mặc dù lúc ấy vắng mặt vì bận lên Viện Kiểm sát nhân dân Hải Phòng kháng cáo.
Sau hơn một tháng, ngày 10 tháng 2, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức lên tiếng chỉ đạo chính quyền địa phương thi hành các thủ tục cho phép gia đình ông Vươn tiếp tục được sử dụng đất đã giao và các cơ quan tòa án, viện kiểm sát phải nhanh chóng xem xét trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn và các người em của ông trong vụ án "giết người, chống người thi hành công vụ".
Đúng tám tháng sau ngày Thủ tướng lên tiếng, báo Tuổi Trẻ cho biết hầu như toàn bộ những vụ việc tại Tiên Lãng đều dậm chân tại chỗ. Căn nhà bị phá của gia đình ông Đoàn Văn Vươn vẫn không truy ra thủ phạm mặc dù hai người cho thuê xe ủi đến phá nhà của ông Vươn xác nhận họ đã cho UBND huyện Tiên Lãng thuê. Hồ sơ vụ án vẫn nằm một chỗ, nhân vật tiếng tăm là đại tá Đỗ Hữu Ca người có mặt tại hiện trường hôm ấy nay cũng là người chỉ đạo cuộc điều tra.
Hơn mười tháng từ ngày nhà bị phá, chồng bị bắt, bà Nguyễn Thị Thương vợ của ông Đoàn Văn Vươn hiện đang sống trên khu đất mà căn nhà đã bị san phẳng cho biết tình trạng hiện nay của hai gia đình bà và người em dâu:
Có thể coi sự phản kháng của Đoàn Văn Vươn báo động nấc cao nhất người dân có thể làm gì và sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.
Ông Nguyễn Trung
Chúng em không được biết một thông tin gì cả, từ ngày ấy đến giờ bọn em chưa được gặp các anh ấy. Bọn em vẫn canh tác trong khu đầm ấy chủ yếu tập trung hoa mầu chứ còn về đánh bắt với thả cá thì bọn em cũng chưa làm được. Bây giờ chưa có một văn bản quyết định nào cứ làm như vậy thôi chứ họ cũng không có ý kiến gì cả. Bọn em có hai gia đình, nhà em và nhà chú Quý gồm hai chị em em và bốn đứa cháu. Những người lái xe phá nhà em họ vẫn bình thường chứ chưa có điều gì xảy ra cả.
Nói chuyện với dân bằng vũ lực
Cuộc sống cho thấy một chế độ chính trị dù là ở quốc gia nào, một khi để cho nội tình đất nước diễn biến tới mức chỉ còn nói chuyện được với nhau bằng vũ lực, dù là từ phía người dân hay từ phía chính quyền, chế độ ấy đang hướng tới giờ cáo chung.
Câu nói nổi tiếng của ông Đại tá công an Đỗ Hữu Ca khi tường thuật với báo chí có nội dung: "hiệp đồng cực kỳ hay, một trận đánh đẹp, có thể viết thành sách"đã làm lòng dân rách buốt. Người dân như gia đình anh Đòan Văn Vươn trở thành kẻ thù dưới mắt công an và câu nói này đã mặc nhiên thành tấm bia ghi lại chi tiết lịch sử của vụ án Tiên Lãng.
Ông Nguyễn Trung trong bài viết vừa nói, nhận xét "Câu nói này toát lên hơi hướng hay linh hồn của toàn bộ công vụ cưỡng chế theo luật ở Cống Rộc – Tiên Lãng. Riêng một câu nói này, cùng với sự chấp nhận, hưởng ứng, tán thành hay biện minh, bao che… của các cộng sự, còn cho thấy mức độ sa đọa nghiêm trọng về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức và văn hóa của những cán bộ, đảng viên có chức có quyền đã chỉ đạo hay đã nhân danh pháp luật trực tiếp thực thi công vụ này. Sự phấn khích bột phát ra từ câu nói này thật ghê sợ và đáng ngẫm nghĩ."
Thật trớ trêu là ông đại tá ấy vẫn bình chân như vại, bất kể sự kết án của dư luận công khai hay xầm xì, ông vẫn là trưởng ban điều tra vụ án Đoàn Văn Vươn, có nghĩa là số phận của gia đình này đã được định đọat ngay từ những tờ khai đầu tiên của người thi hành án với tư cách nhân chứng.
Phục chức cán bộ
Nhà báo Phạm Thành, cũng là chủ nhân trang blog Bà Đầm Xòe có nhiều bài viết về Tiên Lãng đã nhận xét việc trả lại chức vụ cho các nhân vật có sai phạm trong vụ án này:
Tất nhiên nó vừa đúng vừa không. Nó đúng là với lũ sâu mọt của chúng nó, tức là đúng với tổ chức của đảng, với dường lối của đảng, với sự bảo vệ cán bộ của đảng tức là trong hệ thống đảng. Nếu chúng ta nhìn lại đại hội 6 vừa rồi của đảng Cộng sản Việt Nam thì chẳng xử lý kỷ luật ai. Ngay cả quan chức Bộ chính trị đã quyết định nhận khuyết điểm quyết định xử lý nhưng họ cuối cùng cũng chẳng xử lý ai cả.
Việc phục chức cho các quan chức trong vụ Tiên Lãng nó là một logic đang tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam, đấy là một ý. Ý thứ hai, đương nhiên nhân dân sẽ không đồng tình, sẽ không tán thành đó là điều chắc chắn, nhưng nó là cái logic đang tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam tức là tiếp tục bao che và giữ gìn đội ngũ của họ. Có lẽ nói như thế cũng đã đủ, vâng, vì từ vụ trung ương 6 vừa rồi thì việc phục chức là một logic.
Cái logic mà nhà báo Phạm Thành chia sẻ cũng là logic dẫn gia đình anh Vươn và người dân cả nước đến chỗ mất trắng niềm tin. Lần đầu tiên chị Thương cho biết không còn tin vào chỉ thị cũng như lời hứa của Thủ tướng.
Việc phục chức cho các quan chức trong vụ Tiên Lãng nó là một logic đang tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam, tức là tiếp tục bao che và giữ gìn đội ngũ của họ.
Nhà báo Phạm Thành
-Em không thấy một tí công bằng nào. Trước đây bọn em còn bảo, thôi thì thất vọng với chính quyền Huyện, chính quyền thành phố thì còn hy vọng vào trung ương. Chứ đến bây giờ thì không còn hy vọng gì vào cấp trên nữa rồi. Chán nản hết rồi bởi vì chỉ thị thị chỉ để đấy thôi chứ còn không có giám sát gì cả. Đã chín mười tháng nay rồi thủ tướng thì chỉ thị như thế nhưng mà cấp dưới không làm thì dường như là thủ tướng cũng bỏ qua luôn. Ngay cả lời của thủ tướng bây giờ bọn em cũng không tin được nữa
Khi niềm tin của cả nuớc hoàn toàn bị phá sản do một thiểu số cầm quyền tại Hải Phòng lũng đoạn, cũng là lúc Tiên Lãng chính thức đi vào lịch sử như câu chuyện Nọc Nạn ngày nào. Nhưng đáng buồn là Nọc Nạn trả lại sự công bằng cho người dân dưới một tòa án Pháp thuộc, trong khi đó Tiên Lãng tuy chưa có tòa án nào được lập ra nhưng chính quyền của nó đã cho thấy một bản án "thích hợp" đã được công bố trước khi xét xử.
Nguồn :RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét