Người dân: Sống trong sợ hãi!
Theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, trong hơn một năm qua có đến 58 trận động đất xảy ra xung quanh khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2. Riêng ngày 3 - 6/9 đã xảy ra 12 trận động đất, trong đó, trận động đất đêm 3/9 có cường độ 4,2 richter. Những rung chấn vừa qua có độ sâu chấn tiêu 10 - 15 km, có khả năng xảy ra trên đới đứt gãy Trà Bồng hoặc Hưng Nhượng - Tà Vi cách tuyến đập Sông Tranh 2 khoảng 3 km.
Trước đó, trong tháng 4/2012, khảo sát tình hình địa chất khu vực thủy điện Sông Tranh (Quảng Nam), các nhà khoa học cho rằng công trình này xây trên điểm xung yếu của vỏ trái đất, động đất mạnh nhất có thể đạt 6,1 độ richter. Kết luận này được Hội khoa học kỹ thuật địa vật lý Việt Nam đưa ra sau 6 ngày khảo sát dọc theo đới đứt gãy từ huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) ra huyện Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam). Các chuyên gia đều có chung nhận định, hệ thống đứt gãy tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 có biểu hiện phức tạp.
GS Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu nhận định, động đất mạnh nhất có thể xuất hiện tại khu vực hồ Sông Tranh 2 đạt xấp xỉ 5,5 - 6,1 độ richter. Nếu động đất mạnh xảy ra trong lòng hồ thì nguy cơ tạo nên cột sóng lớn (sóng thần) tác động trực tiếp vào thân đập có nguy cơ gây vỡ đập. Do hoạt động động đất thường xuyên, độ sâu chấn tiêu nông có thể gây nên biến đổi môi trường của đới đứt gãy đã có trước, làm tăng nguy cơ hoạt động của các tai biến địa chất khác như: trượt, lở, nứt, sụt đất, lũ quét.
Trước tình hình động đất liên tục xảy ra liên tiếp trong vòng bốn ngày qua, GS Triều đề xuất, cần thiết lập khoảng 5 trạm địa chấn cố định xung quanh khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 nhằm theo dõi được đầy đủ động đất từ 1 độ richter trở lên; hạn chế tối đa sự biến động nhanh của mực nước hồ (độ cao mực nước hồ tăng nhanh hoặc giảm nhanh).
Chủ đầu tư: Đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn
Trong khi đó, sáng 4/9, tại cuộc họp với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cùng các cơ quan chức năng, đại diện BQL dự án Thủy điện 3 khẳng định rung chấn những ngày qua không ảnh hưởng đến an toàn của thủy điện Sông Tranh 2.
Đại diện Tư vấn điện 1 cũng kết luận sau khi xử lý thấm, đập thủy điện Sông Tranh 2 hiện đã đảm bảo an toàn. Do được thiết kế cường độ kháng nén lớn hơn yêu cầu thực tế nên đập có thể chịu được động đất đến 5,5 độ Richter.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng khẳng định việc chống thấm tại thủy điện Sông Tranh 2 đã hoàn thành, mức độ nước thấm qua đập giảm 80-90%, lượng nước thấm đo được là 3 m3/giây nằm trong giới hạn cho phép. Theo đó trong thời gian tới, đập Thủy điện sẽ tiến hành tích nước trở lại (nước trong lòng hồ vẫn ở dưới mực nước chết).
Tuy nhiên GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi VN cho rằng: Quảng Nam đã bắt đầu mùa mưa lại kèm theo những trận động đất lớn quanh thân đập Sông Tranh 2 nên cần đề phòng. Bởi vai phải thân đập (nhìn từ thượng lưu) đã bị “há”. Trong khi đó, việc khắc phục chỉ mới dừng lại ở việc dán ở 10 khe nhiệt mặt thượng lưu, còn toàn đập thì chưa. Do đó khi có lũ lớn kèm theo động đất sẽ rất nguy hiểm. Trước đó tại đập Sông Tranh đã diễn ra tình trạng các vết rò rỉ nước ở thân đập. Nếu lũ về quá nhanh và mạnh (trong ngày lên 3-4 mét) thì nguy cơ vỡ đập là rất cao, ngay lập tức phía hạ lưu phải sơ tán dân.
Liên quan đến mức độ an toàn của thủy điện Sông Tranh 2, ông Đặng Phong – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết hiện huyện vẫn chưa thể nắm rõ mức độ an toàn đến đâu, dù đã nhận được thông báo. “Họp báo ở Hà Nội rồi nói an toàn, trong khi ở đây vẫn động đất, mưa lũ đang cận kề, làm sao dân an tâm cho được. Cần tổ chức họp báo ngay tại Bắc Trà My, với sự có mặt của các bộ ban ngành, BQL dự án, các nhà khoa học trực tiếp nói với người dân về độ an toàn của đập, các thông số về khắc phục đập Sông Tranh 2” - ông Phong kiến nghị.
Chia đều trách nhiệm
Trước mùa mưa bão năm 2012, các chủ hồ chứa lớn ở miền Trung đã rà soát, kiểm tra lại độ an toàn và quy trình vận hành liên hồ chứa để khắc phục tình trạng xả lũ bất thường, gây chồng lũ như những năm trước. Song, với người dân vùng hạ du vẫn chưa thật sự yên tâm. Khu vực này hiện có hơn
6.000 công trình hồ chứa, đập dâng lớn nhỏ, 22 nhà máy thủy điện có công suất từ 20 đến 220MW, chủ yếu là trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) và sông Ba (Phú Yên, Bình Định).
Theo ông Văn Phú Chính - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều, kiêm Phó Văn phòng, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương - hiện nay, việc phân cấp quản lý hồ đập còn nhiều bất cập, chồng chéo. Các hồ thủy điện thì thuộc Bộ Công thương, hồ thủy lợi thuộc Bộ NNPTNT, các lưu vực sông thuộc Bộ TNMT, các hồ đập nhỏ lại thuộc chính quyền các tỉnh... Công năng mỗi hồ chứa nước sử dụng với các mục đích khác nhau, song, bản chất là những “túi nước” khổng lồ treo trên thượng nguồn, với người dân hạ du thì lo ngại chính là có an toàn hay không mà thôi.
Cũng chính việc phân cấp quản lý “rối ren” như hiện nay, dẫn đến việc phối hợp thực hiện điều tiết, cắt lũ hay duy tu bảo dưỡng... đều bất lợi. Ở địa phương nào chính quyền làm tốt vai trò “nhạc trưởng” thì tình hình khả quan và ngược lại. Để có một quy trình vận hành liên hồ hợp lý, đảm bảo an toàn cho hạ du, hiện nay vẫn trong quá trình xây dựng, hoàn chỉnh. Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN đề xuất Chính phủ rà soát lại quy hoạch thủy lợi thủy điện, sớm thành lập tổ chức quản lý tài nguyên nước...
N.HUY
GS.TS NGUYỄN ĐÌNH XUYÊN (NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN VẬT LÝ ĐịA CẦU): Chỉ căn cứ trên những đánh giá về hoạt động đứt gãy và hiện tượng động đất xảy ra ở thủy điện Sông Tranh 2 mà không có số liệu quan trắc phù hợp thì chưa thể có những đánh giá xác đáng. Dù muộn còn hơn không, hãy xây dựng hệ thống quan trắc động đất ở đây càng sớm càng tốt vì động đất vẫn đang xảy ra, còn người dự báo không có số liệu nên không thể nhắm mắt mà dự báo.
TS TRẦN CHỦNG (TRƯỞNG BAN CHẤT LƯỢNG TỔNG HỘI XÂY DỰNG VN, NGUYÊN CỤC TRƯỞNG CỤC GIÁM ĐịNH CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG, BỘ XÂY DỰNG): Không thể coi thường hiện tượng động đất được, các nhà địa chất học phải theo dõi liên tục để xem động đất phát triển ra sao, cường độ, tần suất thế nào, hình thành do đâu để có những biện pháp phòng tránh phù hợp. Hiện ở đập Sông Tranh 2 có những vị trí sạt trượt nhưng không phải do động đất mà do bạt núi, đào núi không gia cố nên trượt, đắp đất không đầm nén chặt gặp mưa cũng sụt. Đập thiết kế có khả năng chịu động đất trên 5,5 độ Richter thì kết cấu thực tế phải hoàn toàn tốt như thiết kế. Nếu thi công không đạt yêu cầu thì cũng có khả năng không chịu được nên phải theo dõi xem có dấu hiệu bất thường hay không.
TS HỒ NGỌC PHÚ (NGUYÊN GIÁM ĐỐC SỞ THỦY LỢI THỪA THIÊN - HUẾ):Tình hình động đất diễn biến sắp tới thế nào còn chưa rõ, phức tạp, trong lúc chất lượng đập Sông Tranh 2 không tốt, tôi đề nghị không tích nước để phát điện. Chỉ sau khi kiểm tra chất lượng công trình xong và nếu tốt cộng với tình hình diễn biến của động đất được rõ ràng mới quyết định cho tích nước hay không.
ÔNG TRẦN ANH TUẤN (PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN BẮC TRÀ MY):Mong mỏi nhất của chính quyền huyện và người dân là các nhà khoa học khảo sát động đất cũng như kiểm tra công trình đập có kết luận thật khoa học và chính xác. Làm chậm cũng được nhưng phải chắc, đoán đúng bệnh để người dân có hướng xử lý.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét