TRỞ LẠI VỤ UBND TP HÀ NỘI "XỬ LÝ" BÀ BÙI THỊ MINH HẰNG
UBND CẤP TỈNH KHÔNG CÓ QUYỀN HẠN XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Thông qua các phương tiện truyền thông, mọi người đều biết, ngày 08 tháng 11 năm 2011 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5225/QĐ-UBND về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với chị Bùi Thị Minh Hằng.
Tôi cũng đã thảo bức thư gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu thả chị Bùi Thị Minh Hằng mà chưa kịp gửi thì đọc trên blog Nguyễn Xuân Diện biết được đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền thả chị.
Sau khi chị Hằng ra trại vài ngày tôi có gọi điện hỏi thăm thì được biết chị được thả ra trong trường hợp “miễn chấp hành phần thời gian còn lại” được quy định tại điều 90 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sữa đổi, bổ sung năm 2008. Đối chiếu các điều kiện để được “miễn chấp hành phần thời gian còn lại” tại điều 90 nói trên với trường hợp của chị Hằng thì thấy chị Hằng không thuộc diện được “miễn chấp hành phần thời gian còn lại”.
Dù vì lý do gì thì việc làm nói trên cũng là một việc sữa sai đáng hoan nghênh cho dù mới sữa sai được một phần.
Tuy nhiên theo tôi, UBND TP Hà Nội nói riêng và UBND cấp tỉnh nói chung không có quyền đưa người vi phạm hành chính vào cơ sở giáo dục.
Thật vậy:
Quyết định 5225 nói trên có viện dẫn Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003 để làm căn cứ pháp lý, tuy nhiên nhiệm vụ và quyền hạn của UBND cấp tỉnh và TP thuộc trung ương (sau đây gọi là UBND) được quy định từ điều 82 đến điều 96 hoàn toàn không có câu nào quy định UBND có nhiệm vụ, quyền hạn xử lý vi phạm hành chính nói chung và áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục nói riêng đối với người vi phạm hành chính.. Mặc dù PLXLVPHC có quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với người vi phạm hành chính nhưng Luật tổ chức HĐND và UBND không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND về vấn đề này thì đương nhiên PLXLVPHC không có giá trị thi hành (đối với vấn đề này).
Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định như sau:
Nguyên văn điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008:
“Điều 83. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.
4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.”
Rõ ràng Luật tổ chức HĐND và UBND có giá trị pháp lý cao hơn PLXLVPHC; Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội không phải cùng một cơ quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ là cơ quan thường trực của Quốc hội, thuộc Quốc hội. Do đó thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với người vi phạm hành chính của chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định trong PLXLVPHC không có giá trị thi hành. Chẳng lẻ UBND lại thi hành một việc không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình?
Những gì tôi đã trình bày trên đây đã chứng minh rất rỏ ràng, việc UBND TP Hà Nội đưa chị Bùi Thị Minh Hằng vào cơ sở giáo dục là hoàn toàn trái pháp luật.
Rất mong nhận được phản biện của mọi độc giả, đặc biệt là các luật gia, luật sư, giới trí thức và những người khác am hiểu pháp luật.
Khánh Hòa, ngày 05 tháng 5 năm 2012
Hồ Quang Huy
ĐT 0905029813
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét