Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Đài Tiếng nói Việt Nam yêu cầu giải thích vụ công an hành hung phóng viên trong vụ cưỡng chế Văn Giang . Và lời kể của nhà báo VOV bị đánh: May mà chúng tôi đội mũ bảo hiểm.

Thứ tư 09 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 09 Tháng Năm 2012

Đài Tiếng nói Việt Nam yêu cầu giải thích vụ công an hành hung phóng viên


Nhà báo VOV bị công an  hành hung trong vụ Văn Giang. Ảnh từ video clip trên YouTube
Nhà báo VOV bị công an hành hung trong vụ Văn Giang. Ảnh từ video clip trên YouTube
@you tube



Nhà báo Năm xác nhận mình chính là nhân vật bị đánh (áo trắng MBH trắng) trong clip

Thụy My
 

Hãng tin AFP dẫn thông tin từ báo chí Việt Nam hôm nay 09/05/2012 cho biết, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đang yêu cầu có lời giải trình chính thức về việc hai phóng viên của đài bị công an đánh đập khi đang hành nghề trong vụ cưỡng chế đất tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm 24/4.

Theo báo Tuổi Trẻ, hai phóng viên bị « hành hung dã man » là các ông Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long, đã làm đơn gởi đảng Cộng sản và các viên chức địa phương đề nghị làm rõ trách nhiệm những người nào đã ra lệnh đánh đập và bắt giữ họ.
Bà Nguyễn Lan Hương, trưởng ban thư ký biên tập và thính giả của VOV nói rằng nhà báo Phi Long khi đến chụp ảnh đã bị hành hung một cách dã man. Nhà báo Ngọc Năm can thiệp thì bị một nhóm người trong đó có cả công an mặc cảnh phục « tấn công » và còng tay lôi đi, tạm giam trong vài giờ. Công an cũng tịch thu thẻ nhà báo, thẻ Đảng và tra hỏi ông Ngọc Năm, sau đó có xin lỗi và thả ông ra.
Tờ Tuổi Trẻ cho biết Đài Tiếng nói Việt Nam đã gởi văn bản báo cáo cho Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, khẳng định hai phóng viên trên do lãnh đạo Đài cử đi, và có điện thoại cho công an tỉnh Hưng Yên về việc này, nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời.

Một video clip trên YouTube cho thấy hai nhà báo này bị một nhóm cảnh sát mặc cảnh phục và an ninh mặc thường phục đánh đập kể cả bằng gậy gộc, trong vụ cưỡng chế đất tại Văn Giang hôm 24/4. Xin nhắc lại, hôm đó khoảng 700 nông dân đã phải đối mặt với hàng ngàn cảnh sát cơ động vũ trang tiến vào cưỡng chế, sử dụng cả hơi cay và bắn đạn thật chỉ thiên.

Khoảng 20 nông dân đã bị bắt.
Nông dân huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên phản đối việc công ty tư nhân Việt Hưng được giao 500 hecta đất cho dự án EcoPark, được quảng cáo là « khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc », nhưng không thương lượng với người dân để đền bù thỏa đáng, trong khi đất đai là nguồn sống chính của họ.

Các vụ tranh chấp đất với chính quyền địa phương tại Việt Nam ngày càng nhiều, vì đất đai được xem là thuộc « sở hữu toàn dân », và các quy định về quyền sử dụng đất đai không rõ ràng, cũng như không được tôn trọng.
+++++

Thứ năm, ngày 10 tháng năm năm 2012

CUỐI CÙNG THÌ ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM CŨNG PHẢI LÊN TIẾNG 

VOV yêu cầu làm rõ, xử lý nghiêm vụ 2 nhà báo bị hành hung tại Văn Giang

(VOV) - Đài TNVN đã gửi công văn chính thức đến Ban Tuyên giáo TW, Bộ TT- TT, Hội nhà báo VN, UBND tỉnh Hưng Yên, đề nghị cùng phối hợp làm rõ và xử lý minh bạch, dứt điểm, thông báo công khai kết quả với công luận.
Ngày 24/4/2012, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cử ông Nguyễn Ngọc Năm, Trưởng phòng phóng viên Thời sự Chính trị, Kinh tế (Trung tâm tin) và phóng viên Hán Phi Long về xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để nắm thông tin về vụ cưỡng chế thu hồi đất đối với 166 hộ dân, phục vụ dự án xây dựng khu đô thị Ecopark, sau đó báo cáo lãnh đạo Đài để có hướng thông tin phù hợp.
Tại khu vực nhà văn hóa thôn 1, xã Xuân Quan, hai phóng viên của VOV bị một nhóm người thuộc lực lượng cưỡng chế hành hung, mặc dù đã trình bày là phóng viên đi làm nhiệm vụ. Ông Nguyễn Ngọc Năm bị còng tay, áp giải về trụ sở Viện kiểm sát huyện Văn Giang, tạm giữ, lấy lời khai và viết tường trình từ 9h45 đến 17h15 ngày 24/4/2012. Sau khi bị đánh gây thương tích, phóng viên Hán Phi Long cũng đến trụ sở Công an huyện Văn Giang tường trình vụ việc

 

Ngay trong ngày bị hành hung (24/4/2012), sau khi hoàn thành việc lấy lời khai tại trụ sở Công an huyện Văn Giang, hai phóng viên đã có đơn đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên giải quyết.







Nhà báo Năm xác nhận mình chính là nhân vật bị đánh (áo trắng MBH trắng) trong clip




Đài TNVN đã chỉ đạo Trung tâm tin (đơn vị trực tiếp quản lý hai phóng viên bị hành hung) và các đơn vị liên quan phải làm rõ vụ việc này, trên tinh thần hợp tác, xây dựng, đảm bảo đúng pháp luật, bảo vệ danh dự, nhân phẩm công dân và quyền tác nghiệp hợp pháp của nhà báo.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đài TNVN, Giám đốc Trung tâm tin đã gửi công văn tới Công an tỉnh Hưng Yên yêu cầu làm rõ sự việc, xử lý nghiêm hành vi coi thường tính mạng, sức khỏe công dân, coi thường pháp luật, nhất là với nhà báo đi làm nhiệm vụ.

Tuy vậy, cho đến nay, Trung tâm tin và hai phóng viên vẫn chưa nhận được hồi âm chính thức của Công an tỉnh Hưng Yên.

Đài TNVN cũng đã gửi công văn chính thức đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam, UBND tỉnh Hưng Yên, đề nghị cùng phối hợp làm rõ và xử lý minh bạch, dứt điểm, thông báo công khai kết quả với công luận./.

+++++

 09/05/2012 | 06:06

Lời kể của nhà báo VOV bị đánh: May mà chúng tôi đội mũ bảo hiểm

-Hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long trong buổi trao đổi với phóng viên báo NTNN. – Lời kể của nhà báo VOV bị đánh: May mà chúng tôi đội mũ bảo hiểm (DV).
(Dân Việt) - "May mà lúc đó chúng tôi đội mũ bảo hiểm... cả hai liên tiếp nhận những cú đánh bằng dùi cui chí tử nhắm vào đầu từ những người xưng là lực lượng cưỡng chế của huyện Văn Giang và tỉnh Hưng Yên".

->> Người phát ngôn tỉnh Hưng Yên: Đang chỉ đạo làm rõ vụ đánh người
>> VOV lên tiếng về vụ 2 nhà báo bị hành hung
Trao đổi với phóng viên NTNN chiều 8.5, 2 nhà báo Ngọc Năm, Phi Long - nhân vật trong clip được tung trên mạng xác nhận: “Clip đó phản ánh đúng sự thật, hoàn toàn đúng như những gì đã xảy ra với chúng tôi vào buổi sáng 24.4, không có sự dàn dựng hay giả tạo nào trong đó cả”.
Trước đó, ngay sau khi vụ cưỡng chế tại xã Xuân Quan, Văn Giang (Hưng Yên) diễn ra hôm 24.4, trên mạng Internet lan truyền một clip về cảnh 2 thanh niên mặc áo sơ mi, đội mũ bảo hiểm bị những người mặc thường phục đeo băng đỏ và cả những người sắc phục công an đánh, đấm, đá liên tiếp.
2 người bị đánh trong clip này chính là nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đang tác nghiệp, là anh Nguyễn Ngọc Năm - Trưởng phòng Phóng viên Trung tâm tin VOV và anh Hán Phi Long – phóng viên của phòng.
Nhà báo Hán Phi Long - người bị hành hung trước tiên và chịu hậu quả nặng nề hơn, kể lại về buổi sáng kinh hoàng đó: Khi tôi được người dân đưa về trạm xá, máu đang chảy đầy mặt. Nhân viên y tế xác định tôi bị rách môi ngoài, giập môi trong, vùng mặt phù nề với kích thước 4x4cm, ngực phải đau tức.
Bị đánh dã man
“May mà lúc đó cả hai chúng tôi đều đội mũ bảo hiểm, nếu không không biết hậu quả sẽ ra sao khi cả hai đều phải liên tiếp nhận những cú đánh bằng dùi cui chí tử nhắm vào đầu từ những người xưng là lực lượng cưỡng chế của huyện Văn Giang và tỉnh Hưng Yên”.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cho biết: “Sáng 24.4, tôi và nhà báo Phi Long được cử đến hiện trường nắm bắt thông tin, tuyên truyền đúng định hướng. Cả hai tới Nhà văn hóa thôn 1, xã Xuân Quan khoảng 9 giờ sáng.
Đang đứng tại hành lang nhà văn hóa thôn 1, tôi bỗng thấy một nhóm cảnh sát và người mặc thường phục đeo băng đỏ đi vào nghĩa trang liệt sĩ và nhảy qua hàng rào nghĩa trang để sang khu vực Nhà văn hóa thôn. Lúc đó tôi nhìn thấy phóng viên Hán Phi Long đội mũ bảo hiểm đang đứng trên bờ móng Nhà văn hóa thôn, tay cầm máy ảnh”.
“Hội Nhà báo vừa nhận được công văn của Liên chi Hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam và của hai nhà báo về vụ việc này. Với tư cách là cơ quan bảo vệ quyền lợi của các hội viên, Hội Nhà báo sẽ gửi công văn tới các cơ quan chức năng liên quan yêu cầu điều tra xác minh làm rõ nội dung tường trình của hai nhà báo trên”.
Theo nhà báo Ngọc Năm: “Đi đầu nhóm cưỡng chế là 2 công an. Họ đến bên nhà báo Phi Long hỏi gì đó, rồi ngay lập tức xốc nách Long về sát chân tường nghĩa trang liệt sĩ. Liền đó, một người đeo băng đỏ giật máy ảnh của Long; khoảng gần chục người dùng dùi cui, gậy vụt vào người; liên tiếp đấm đá anh Long rất mạnh.
Thấy vậy, tôi đứng trong hành lang Nhà văn hóa thôn, dùng điện thoại để quay làm bằng chứng. Nhưng chỉ được khoảng 10 giây, tôi thấy Long ôm bụng gục xuống. Theo phản xạ tự nhiên, tôi chạy lại phía lực lượng cưỡng chế và hét lên nhiều lần:
“Chúng tôi là nhà báo, sao các anh lại đánh chúng tôi? Chúng tôi là nhà báo đang làm nhiệm vụ, không được đánh”. Nhưng họ không những không nghe, mà còn vặn 2 tay tôi về phía sau, dùng gậy, dùi cui đánh vào người, đấm đá vào mặt, vào ngực tôi.
Lúc đó tôi lại tiếp tục hét lên nhiều lần: “Tôi là nhà báo, sao lại đánh tôi?”. Tôi bị mấy người vặn tay về phía sau, dẫn giải về trước cửa nghĩa trang liệt sĩ và tiếp tục đánh hội đồng. Một công an nói lớn: “Đừng đánh vào mặt nó”… rồi tôi bị còng tay số 8, mũ bảo hiểm rơi mất lúc nào không biết…
Còng tay tôi xong, một trung úy (cao, béo) và một thiếu úy (thấp, gầy) áp giải tôi đi theo hướng cánh đồng đang bị cưỡng chế, chờ xe thùng tới chở về trụ sở công an huyện… Sau này tôi được biết, Phi Long bị đánh đau, được mấy người can và khi tôi xuất hiện thì họ bỏ Long lại để tấn công tôi, nên Phi Long chạy thoát vào một nhà vệ sinh gần đấy với nhiều vết sưng tím trên mặt và vệt máu loang cả ra quần áo. Tôi nhờ một phụ nữ lấy điện thoại ra và nói cho Long biết: “Anh bị bắt về Công an huyện Văn Giang. Em về đây đi”.
Nửa tháng, chưa hồi âm
Sau khi về tới trụ sở Công an huyện, khi nhận ra 2 anh là nhà báo đang tác nghiệp, lực lượng chức năng của huyện Văn Giang đã lấy lời khai ban đầu của hai anh, cho anh Long kiểm tra thương tích, lập biên bản kiểm thể và sau đó cho cả hai về.
“Tại trụ sở Công an huyện Văn Giang, tôi đã viết một đơn tường trình sự việc gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên. Tôi đã gửi trực tiếp đơn này cho cán bộ công an lấy lời khai của tôi là thiếu tá Tiến (Đội trưởng Đội trọng án – Công an tỉnh Hưng Yên).
Tuy nhiên, đến 26.4, tôi gọi điện cho đại tá Trần Huy Ngạn – Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên thì ông Ngạn cho biết vẫn chưa nhận được đơn của chúng tôi. Ngày 2.5, tôi lại viết tiếp một đơn khác, gửi theo đường chuyển phát nhanh cho ông Ngạn.
Ngày 3.5, lãnh đạo VOV cũng làm công văn gửi cho ông Ngạn để yêu cầu trả lời vụ việc. Nhưng, cho tới thời điểm này (8.5), đã nửa tháng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ phía công an cũng như lãnh đạo tỉnh Hưng Yên” - nhà báo Ngọc Năm bức xúc.
Hải Phong - Hữu Danh

ttngbt.blogspot.com/2012/05/chang-con-chi-nua-au-em.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét