Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

Bà Bùi Hằng ‘tuyệt thực trong trại’

Bà Bùi Thị Minh Hằng
Bà Bùi Hằng được biết đến sau các cuộc biểu tình chống Trung Quốc

Gần ba tháng sau ngày bà Bùi Thị Minh Hằng bị đưa vào cơ sở giáo Thanh Hà, tin cho hay bà đã nhiều lần tuyệt thực ngắn ngày để phản đối việc mình bị ‘phân biệt đối xử’.

Hôm 28/11, bà Hằng bị đưa vào trại giáo dục Thanh Hà theo quyết định của Ủy ban Nhân dân Hà Nội, nhưng không được mang ra xét xử.

Nói chuyện với BBC, Bùi Trung Nhân – con trai bà Hằng, cho biết bà Hằng đã tuyệt thực hai lần để “phản đối việc mọi người trong đó hành xử phân biệt” đối với bà.

Theo anh Nhân, việc liên lạc giữa bà Hằng với người thân và bạn bè cũng bị nhiều cản trở.

“Thư của bạn mẹ tôi gửi vào thì họ nói là thư của đồng bọn nên họ không cho đọc.”

Trong 15 ngày đầu, bà Hằng đã tuyệt thực để phản đối việc bắt giữ theo quyết định của Ủy ban Nhân dân Hà Nội là “không đúng pháp luật”.

Anh Nhân cho biết sức khoẻ của bà Hằng không được tốt vì bị mắc các chứng bệnh ngoài da và về thận.

“Mẹ tôi bị một số bệnh ngoài da và đã yêu cầu được họ cho sử dụng thuốc nhưng họ lại tiêm thuốc … mà không cho biết tên và tác dụng,” anh Nhân nói.

“Mẹ tôi coi đây là hành động phân biệt đối xử, nên bà đã tuyệt thực khoảng ba ngày nữa.”

“Những thư từ, đồ dùng gửi vào bị kiểm tra rất mạnh tay như khi gửi thực phẩm vào cho mẹ tôi, họ xé từng gói mì ăn liền ra để kiểm tra.”
Bà Bùi Thị Minh Hằng lần đầu tiên được biết đến qua việc tham gia tích cực các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội mùa hè năm 2011.

Bà cũng là một nhân vật gây tranh cãi và bị một số người chỉ trích là có hành vi “thiếu lịch sự” nơi công cộng.

Một số nguồn tin có liên quan tới giới chức nói ‘thái độ gay gắt và chống đối công khai nhiều lần’ là một trong các nguyên nhân khiến bà phải vào trại.

Giáo dục công dân

Trung tâm Thanh Hà được biết đến là nơi ‘giáo dục pháp luật giáo dục trách nhiệm công dân, dạy nghề, dạy văn hóa nhằm phục thiện cho những người lầm lỗi’, trong đó trại viên thuộc nhiều thành phần bị cho là tệ nạn xã hội, bao gồm cả những người nghiện ma túy.

Anh Nhân kể lại: “Khoảng thời gian đầu, mẹ tôi rất lo lắng vì bà ở chung với nhiều thành phần trại viên, trong đó có một số người bị nhiễm HIV thời kỳ giai đoạn 2, 3”.

Bùi Trung Nhân là người thân duy nhất được phép vào thăm bà Hằng.
“Cơ sở quy định một tháng tôi được gặp mẹ tôi hai lần, và không bị giới hạn về khoảng cách thời gian.”

“Mẹ tôi xác nhận bây giờ bà đang lao động trong đó, còn vấn đề học tập thì tôi chưa có thông tin gì.”

Tháng 11/2011, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Hà Nội đã ra quyết định 5225 nêu hành vi vi phạm của bà Hằng là Gây rối trật tự công cộng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bà cũng bị coi là người “không có nơi cư trú nhất định”.

Luật sư Hà Huy Sơn, người được ủy quyền đại diện cho bà Hằng, đã làm đơn khiếu nại ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội hồi tháng 12/2011 nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

BBC
http://danlentieng.wordpress.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét