Ngày trước, "thi bá" Tố Hữu qua bài "Bà Má Hậu Giang" mô tả cảnh giặc "mắt xanh mũi lõ" cùng "lũ tớ" đàn áp dân lành:
Mắt mèo hoang, mũi chó, râu dê
Súng trường nhọn hoắt lưỡi lê
Khét nồng khí chết, tanh dề máu oan!
Chúng rảo bước. Lính quan nện gót
Mắt nhìn quanh lục mót dạng người"
Ngày nay, khi xảy ra nhiều vụ đàn áp dân oan khốc liệt như ở Văn Giang, Vụ Bản, Tiên Lãng, Cần Thơ…, cảnh "tán quỷ rần rần rộ rộ", "khét nồng khí chết" – như lời ông Tố Hữu mô tả năm xưa – vừa tái diễn ở xã Dương Nội thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội, khi giới cầm quyền tung ra "hơn 200 lính đủ các binh chủng hợp thành như công an, dân phòng, đầu gấu, thanh tra giao thông với vũ khí nóng, lạnh hiện đại" nhằm ra sức cưỡng chiếm đất ruộng giữa lúc bà con Dương Nội phản công quyết liệt, đánh sáp lá cà, sử dụng trống kẻng, hoả công… – một cuộc đấu tranh "ít ai cầm được nước mắt". Một dân oan Dương Nội, chị Cấn Thị Thêu, cho biết:
Dạ, ruộng đấy bị họ ủi phá thu hồi vào tháng 3 năm 2010. Khi mà họ ủi phá cánh đồng lúa thì họ ủi phá cả mồ mả của cha ông bà con lên. Trong suốt mấy năm trời chị em khiếu kiện từ cấp quận cho đến cấp thành phố, cấp trung ương nhưng đến bây giờ thì họ lại dự kiến thu hồi…
Lần này nếu chính quyền không bảo vệ quyền làm chủ ruộng đất cho nhân dân mà để cho cá nhân hay tổ chức nào xâm phạm một cách bất hợp pháp vào đất đai của nhân dân thì nhân dân coi đó là quân cướp đất. Nếu họ cố tình thực hiện như quân ăn cướp thì nhân dân sẽ xử sự với họ như đối với quân kẻ cướp. Bà con cũng nói rõ trong đơn là lần này "ai có súng dùng súng, ai không có súng thì dùng gươm dáo, cuốc xẻng, gậy gộc để vùng lên chiến đấu với quân cướp đất.
Nếu họ cố tình thực hiện như quân ăn cướp thì nhân dân sẽ xử sự với họ như đối với quân kẻ cướp.
Chị Cấn Thị Thêu
Biến cố Dương Nội khiến blogger Quê Choa "thấy buồn nẫu ruột", và than rằng " sao ra nông nỗi này hở trời !".
Trên blog Quê Choa, blogger Mai Xuân Dũng có bài tựa đề "Ở đồn Mang Cá thích hơn ở nhà", mở đầu rằng đã lâu lắm rồi, chợt hôm nay trên cánh đồng Dương Nội lại nghe nông dân "nhại thơ" Tố Hữu rằng "Ở đồn Mang Cá thích hơn ở nhà". Rồi tác giả nêu lên câu hỏi rằng cánh đồng Dương Nội với mấy cái lều giữ đất, giữ mồ mả tổ tiên sao lại có đồn Mang Cá, nơi quân lính Triều Đình Huế do Tôn Thất Thuyết chỉ huy tập kích quân Pháp ngày nào ? Và "Chiến tranh dẫu chưa phai mờ trong ký ức hàng triệu người, Đất nước dẫu đã im tiếng súng, im tiếng gào rú của bom đạn thì hà cớ gì lại có cái 'đồn Mang Cá' ở giữa vùng đất bờ xôi ruộng mật, giữa nơi mồ mả tổ tiên của người nông dân trong cái thành phố Hà nội vì Hòa bình này?". Nhưng quả có hình thức đồn Mang Cá tại cánh đồng dân oan Dương Nội, như blogger Mai Xuân Dũng nhận xét:
Quả thật khi nhìn thấy quang cảnh khu ruộng xã Dương nội la liệt khẩu hiệu màu máu trên nền vải gai tang trắng: "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, Nhân dân Dương nội thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất đất không chịu thất nghiệp đói nghèo, Quyết tử giữ đất cho con cháu sau này, Đốt chết quân cướp đất…", khắp nơi la liệt bùi nhùi, chai xăng…để tự vệ thì mới thấy bà con ví cái lều canh giữ mồ mả là "đồn mang cá" ngày Huế đổ máu năm xưa không có gì quá đáng.
Nhưng đồn Mang Cá đổ máu năm xưa không được như cánh đồng dân oan Dương Nội bây giờ là cánh đồng oan khuất này có bài vị hương án và hình nhân thế mạng lặng câm bên bờ ruộng – một dấu hiệu quá rõ ràng của " sự thất vọng vô bờ bến khi công lý đã chết và người nông dân phải viện đến cả cõi âm để giữ đất trước các chủ dự án tham lam được bảo kê bởi chính quyền địa phương". Và bà con dân oan Dương Nội còn trương lên các tấm vải gai tang viết chữ đỏ ngầu những lời kêu cứu và cả dòng chữ "Giết quân cướp đất" một cách hận thù, cho thấy – nói theo lời blogger Mai Xuân Dũng – " rõ ràng người nông dân đã bị dồn đến bờ tuyệt vọng và buộc phải chọn giải pháp cuối cùng: Chiến đấu để tồn tại. Nông dân không có ai bảo vệ, luật pháp không phải là thứ để bảo vệ họ".
Dân chấp nhận đổ máu
Qua bài "Giỡn mặt nhân dân", blogger Huỳnh Ngọc Chênh có đoạn lưu ý rằng:
Việc cưỡng đoạt đất đai, phá hoại nhà cửa và cướp đoạt tài sản của người dân lành ở trên đất nước nầy hay ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và ở vào bất kỳ thời đại nào đều bị liệt vào loại tội ác nghiêm trọng. Kẻ gây ra tội ác ấy phải bị trừng trị đích đáng vì đích thị chúng là bọn cướp. Vì phản ứng lại tội ác tày đình đó mà nạn nhân mới tìm cách chống trả tự vệ. Đạo lý muôn đời và nền pháp luật công minh luôn đứng về phía nạn nhân trong trường hợp nầy.
Blog Bauxite VN cách nay chưa lâu phổ biến một bản tuyên bố, lưu ý rằng hành động cưỡng chế giải toả đất đai bằng võ lực "gây xúc động mạnh mẽ tất cả những người VN có lương tri, dấy lên nỗi lo lắng chưa từng có trong mọi người dân Việt biết suy tư về vận mệnh đất nước". GS Nguyễn Huệ Chi, người phụ trách trang mạng Bauxite VN, giải thích:
Chúng tôi làm bản tuyên bố này vì quá phẫn uất trước một hiện tượng một đội ngũ cơ quan chức năng vũ trang đến tận răng để đàn áp những người mà mình coi là gốc, đã đi đầu trong cuộc chiến tranh kéo dài nhằm giành lại độc lập cho tổ quốc.
GS Nguyễn Huệ Chi
Chúng tôi làm bản tuyên bố này vì quá phẫn uất trước một hiện tượng một đội ngũ cơ quan chức năng vũ trang đến tận răng để đàn áp những người mà mình coi là gốc, là lực lượng cơ bản, đã đi đầu trong cuộc cách mạng và cuộc chiến tranh kéo dài nhằm giành lại độc lập cho tổ quốc. Bây giờ họ bị bỏ rơi một cách thê thảm và có thể nói là với sự đối xử bằng tất cả những thủ đoạn như là đối với kẻ thù thì đó là tội ác trời không dung, đất không tha.
Theo luật gia Lê Hiếu Đằng thì tình hình nghiêm trọng nhất hiện nay là trong lãnh vực đất đai khi "nhà nước đã dung túng cho các chính quyền địa phương giải tỏa, đền bù đất đai của dân với giá rẻ mạt, hay nói thẳng ra là làm tay sai cho các chủ đầu tư, bọn làm giàu bất chính cướp đất của dân".
Chính quyền coi dân như thù địch
Trước cảnh nhiễu nhương cưỡng chiếm đất dân oan để "phát triển kinh tế, xã hội", blogger Nguyễn Hữu Vinh lưu ý rằng quan chức Hà Nội nói riêng và quan chức VN nói chung luôn quy trách mọi chuyện phức tạp đều do dân, hay nói cụ thể hơn là do "thế lực thù địch" từ dân mà ra, trong khi các quan chức thì lúc nào cũng "tuyệt vời", ngoại trừ "một bộ phận không nhỏ" biến chất, hư hỏng khiến thành "cả bầy sâu" đục khoét, tước đoạt đất đai của dân. Blogger Nguyễn Hữu Vinh lưu ý:
Nếu như dân cứ im lặng, nhà nước muốn lấy bao nhiêu đất, dù là đất hương hỏa ngàn đời, mồ mả cha ông, dù là mảnh ruộng cày cuối cùng nuôi đàn con dại, dù là nơi an nghỉ cuối cùng của người chết hay đất nhà thờ, tu viện, nơi thờ tự… dân cứ thế câm miệng mà chấp nhận. Nếu nhà nước hô hào góp vàng, góp bạc, góp cửa nhà hay mạng sống, cứ thế mà góp, đừng một lời kêu ca, đói ráng chịu, khổ đừng kêu… thì đâu có những chuyện biểu tình, làm "xấu hình ảnh thủ đô". Tiếc rằng, dân cũng là con người, cũng cần sống, cần ăn, cần ở, cũng cần nuôi con cái. Cũng chính vì dân là con người, nên mới có thể làm lụng, chắt chiu, chịu thương chịu khó đổ mồi hôi sôi nước mắt làm nên của cải vật chất nuôi một "bầy sâu không nhỏ". Chính vì vậy mà họ có nhận thức, họ biết phân biệt đúng, sai, ân, oán và họ hiểu được ai vì họ và ai đang nô lệ hóa cuộc đời họ. Và chính cũng vì vậy, từ chỗ được coi là liên minh của giai cấp tiên tiến, là cha mẹ của quan chức, nuôi nấng quan chức, người nông dân bỗng nhiên được chuyển đổi thành thế lực thù địch rất nhanh chóng và bị đối xử như thù địch.
Từ chỗ được coi là liên minh của giai cấp tiên tiến, là cha mẹ của quan chức, nuôi nấng quan chức, người nông dân bỗng nhiên được chuyển đổi thành thế lực thù địch rất nhanh chóng và bị đối xử như thù địch.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh
Theo blogger Đoan Trang thì trong các biến cố đất đai, điều mà giới cầm quyền ngại nhất chính là luật pháp. Blogger Đoan Trang dẫn chứng rằng lâu nay họ đâu bao giờ làm theo luật mà chỉ dùng phương cách khủng bố, đàn áp qua việc huy động hệ thống công an, an ninh, dân phòng và cả bộ máy truyền thông cùng nhau đưa dân oan vào "bước đường cùng" – thậm chí bị mất mạng, như trường hợp cụ bà Hà Thị Nhung. Vẫn theo blogger này thì "họ làm vậy bởi vì, và để che đậy một điều, rằng điểm yếu của họ, cái khiến họ khó đấu lại được với xã hội, là luật pháp".
Tác giả Phạm Đình Trọng báo động "Đất Gọi", qua đó "cả nước đang sôi sục, nóng bỏng, đang ầm ầm dậy sóng những đoàn người khiếu kiện và đang cuồn cuộn những con sóng ngầm phẫn nộ trong lòng người vì đất đai". Tác giả Phạm Đình Trọng lưu ý:
Đất đai là nơi chỉ ra rõ nhất bản chất một nhà nước. Nhà nước ứng xử với đất đai như ở Tiên Lãng, Hải Phòng, như ở Văn Giang, Hưng Yên (và bây giờ là Dương Nội) mà tự nhận là nhà nước của dân, do dân, vì dân thì đó là sự giả dối. Đất đai đã làm băng hoại đạo đức xã hội, phá nát kỷ cương phép nước. Vì đất đai, quyền lực ngang nhiên chà đạp lên pháp luật, vất bỏ đạo đức làm người, coi thường cả đạo lý xã hội. Đất đai gây đổ vỡ trong lòng người; đất đai làm rối loạn xã hội; vì đất đai, quyền lực thản nhiên chà đạp lên pháp luật…"
Nguồn :RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét