Ảnh: Bà Minh trong chặng dừng chân ở Áo
Phan Nguyễn Việt Đăng (Dân Luận) - Mùa xuân năm nay đánh dấu một chuyến đi dài khắp Châu Âu của bà Trần Thị Ngọc Minh nhằm vận động kêu cứu cho đứa con gái của bà là Đỗ Thị Minh Hạnh, khôi nguyên giải Nhân Quyền Việt Nam 2011, hiện đang bị cầm tù tại Việt Nam cùng các đồng sự của cô là Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.
Trong một chuyến đi đầy gian truân và kịch tính, bà Minh đã âm thầm đi ra khỏi Việt Nam vào cuối năm 2011, qua sự giúp đỡ của những người bạn. Bỏ lại tất cả mọi thứ sau lưng, tay trắng ra đi, hành trang quan trọng nhất của bà Minh là những chứng cứ vô tội của Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, cùng những lá đơn viết bằng tiếng Việt và Anh để gửi đến tất cả những nơi mà bà hy vọng rằng có thể cứu thoát con gái bà ra khỏi ngục tù.
Bà Minh kể rằng trong những ngày còn ở Việt Nam, sau khi bà tìm cách gặp gỡ những người đồng chính kiến với con gái bà, dấu hiệu nguy hiểm bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt sau khi bà gặp hòa thượng Thích Không Tánh ở chùa Liên Trì (Saigon), nhóm Thái Độ Việt Nam (Bình Dương) v.v…, một công an viên đã tìm gặp bà và hăm dọa rằng nếu bà còn muốn sống an toàn để thăm nuôi Hạnh thì phải ngừng mọi cuộc tiếp xúc. Lúc đó, bà Hạnh hiểu rằng ngay cả một người đàn bà đon chiếc như bà, cũng có thể không tránh khỏi sự truy diệt của chế độ công an CSVN.
Hơn hết, bà Minh tin rằng có một kế hoạch muốn giết chết Minh Hạnh, trước khi mãn hạn tù. Đã hơn một lần, công an xếp đặt cho Hạnh bị nhốt trong một nơi có bồn nước khổng lồ, đêm đó, nước và bồn đổ ập xuống một cách kỳ quái, nhưng may mắn là Hạnh đã sống sót. Sau đó, Minh Hạnh bị xếp vào phòng giam đầy tù hình sự và người mang bệnh AIDS với những kịch bản gây hấn. Nhưng tính cách mạnh mẽ và lối sống đầy chan hòa của Hạnh đã cảm hóa được tất cả khiến cho nhiều cán bộ quản giáo tức giận.
Tuy nhiên, cuộc sống tù đày hà khắc một cách chủ ý với Minh Hạnh đã khiến cho cô điếc một bên tai, đi lại hết sức khó khăn. Các bạn của cô là Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng thì cũng bị đánh đập, ngược đãi hết sức nặng nề trong trại. Chị Tường Mạnh, vợ của anh Đoàn Huy Chương cũng bị công an đe dọa rằng nếu kể cho bên ngoài biết những đòn tra tấn anh Đoàn Huy Chương trong trại, thì sẽ không cho thăm nuôi nữa.
Cũng cần nhắc lại, Tòa án CSVN tại Trà Vinh ngày 18-3-2011, đã xử Đỗ Thị Minh Hạnh và anh Đoàn Huy Chương 7 năm tù giam, và 9 năm tù cho anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng vì những người này đã cùng nông dân và công nhân đấu tranh chống lại áp bức và bất công.
21 tháng 8 năm 2012, tổ chức Freedom Now, một tổ chức đấu tranh cho nạn nhân bạo quyền, tổ chức sáng danh hai lãnh tụ tinh thần là Tổng Giám Mục Desmond Tutu và Vaclav Havel, tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc thôi Cộng sản, đã chính thức nhận lời thỉnh cầu bà Minh để đại diện phát động chiến dịch vận động cho Đỗ Thị Minh Hạnh và những người đồng sự của cô.
Tháng 9 năm 2012, thông qua sự yểm trợ của nhóm Thái Độ Việt Nam, với các thành viên ở Hoa Kỳ, thư kêu cứu cho Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, đứng tên của bà Minh, đã được yêu cầu gửi đến văn phòng của Nghị sĩ Frank Wolf và Gerry Connolly tại Washington. Thư cũng được chuyển đến văn phòng của bà Hilary Clinton với tiêu đề Plea for Help Do Thi Minh Hanh, Doan Huy Chuong and Nguyen Hoang Quoc Hung.
Không ngừng ở đó, mùa xuân năm nay, bà Minh sẽ tiếp tục hành trình tìm công lư cho Hạnh và các bạn ở khắp các nghị trường Châu Âu. Từ một bà mẹ quê mùa chất phác ở Di Linh, Lâm Đồng, bà Minh đă bị đẩy vào một cuộc đấu tranh không tiền khoáng hậu, giữa một bà mẹ yêu tự do và công bằng với một nhà nước hùng hậu mật vụ và các âm mưu thâm độc.
Được biết, hiện tại bà Minh đang tạm dừng ở Áo. Trong những chặng đi, bà phải đi làm thêm nhiều nơi để chi tiêu cho chuyến đi của mình. Tuy nhiên, ngay vào lúc này, bà Minh cũng cho biết rằng mật vụ CSVN ở quốc ngoại cũng đă bắt đầu chú ý và tìm cách chụp hình, quay hình lén lút những nơi bà lui tới. Trao đổi qua điện thoại, bà Minh nói rằng “một người trẻ như Hạnh, như Chương, như Hùng có thể hy sinh, thì tại sao một người già như tôi không thể hy sinh?”. Nhắc tới Hạnh và các bạn, bà Minh lại khóc.
Những trường hợp như Đỗ Thị Minh Hạnh và các bạn hay trường hợp của 19 thanh niên Công giáo, Tin Lành, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, dân oan Trần Thị Hài, nhà nông Đoàn Văn Vươn… sẽ không bao giờ bị quên lăng nếu chỉ cần có những con người luôn nghĩ đến họ, đứng về phía họ trong cuộc đấu tranh giành lại nhân quyền với chế độ CSVN hung tàn.
Phan Nguyễn Việt Đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét