Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Cây bút bất đồng chính kiến VN qua đời

              

Một cây bút bất đồng chính kiến và nhà hoạt động vì dân chủ được biết đến ở Việt Nam, ông Hoàng Tiến, vừa qua đời tại Hà Nội, ở tuổi 80.

Nhà văn Hoàng Tiến, một thành viên của phong trào dân chủ, khối 8406, cựu chiến binh từ thời kỳ 'kháng chiến chống Pháp' ở Việt Nam, qua đời hôm thứ Hai, 28/1/2013 sau thời gian lâm bệnh nặng.

Hôm 30/1, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, một nhà bất đồng chính kiến từng quen biết ông Hoàng Tiến, nói với BBC, đám tang của nhà văn, dự kiến tổ chức vào ngày thứ Sáu tại một nhà tang lễ bệnh viên quân đội, có thể chịu sự 'theo dõi' chặt chẽ của lực lượng an ninh.

Ông nói: "Đám tang hôm này, chắc chắn công an, họ sẽ theo dõi một cách dày đặc, và những người đi dự đám tang chắc chắn sẽ lọt vào trong tầm ngắm của công an.

"Nhưng còn việc có xảy ra xô xát, hay xảy ra cái gì không, thì còn tùy thuộc vào tình hình cụ thể," ông dự đoán.

Nhìn lại 'quá trình hoạt động' suốt cuộc đời của ông Hoàng Tiến, Tiến sỹ Thanh Giang cho biết cây bút bất đồng chính kiến từng 'tham gia những năm đầu của cách mạng,' khi ông là thiếu sinh quân.

'Tấm gương đấu tranh'

Tiến sỹ Giang cho rằng ông Tiến là một tấm gương cho các thế hệ bất đồng chính kiến ở trong nước. Ông nói:

"Ông là một trong những người phát biểu những ý kiến bất đồng chính kiến vào loại sớm ở trong nước. Và ông cũng là người đã đứng ra bênh vực nhà sinh vật học Hà Sỹ Phu, khi ông Hà Sỹ Phu bị nhà cầm quyền đem ra xử một cách không đúng."

"Từ đó, ông đã cùng với cụ Hoàng Minh Chính, sát cánh với một số anh em trong lứa cùng với Hà Sỹ Phu, Bùi Minh Quốc..., đấu tranh cho dân chủ hóa ở Việt Nam."

"Ông là một con người khảng khái, không chịu khuất phục và nêu tấm gương cho nhiều thế hệ sau này, sẵn sàng đấu tranh cho dân chủ, tự do cho xã hội Việt Nam."

Được biết, sau thời gian tham gia quân ngũ, nhà văn Hoàng Tiến làm giảng viên Trường Đại học Sân Khấu và Điện ảnh ở Hà Nội. Ông có nhiều bài viết, phát biểu về chủ đề dân chủ, nhân quyền, dân chủ hóa, cải cách chính trị, thể chế ở trong nước.

Ông từng công khai yêu cầu nhà nước và đảng cộng sản tiến hành 'trưng cầu dân ý' về vị thế của đảng, yêu cầu thay Hiến pháp trên tinh thần do người dân soạn thảo, phúc quyết.

Ông cũng ký tên, tham dự vào nhiều thư, kiến nghị, đề xuất công khai của các nhóm trí thức, nhân sỹ và quần chúng, đề nghị nhà nước có các biện pháp mạnh mẽ và cụ thể nhằm 'bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ' trước các nguy cơ xâm phạm của nước ngoài.

Nhà văn cũng từng cho truyền thông mạng trong nước và hải ngoại hay về việc bản thân bị 'xách nhiễu và đàn áp' do tiếp tục hoạt động và lên tiếng đòi 'dân chủ, nhân quyền.'


Nguồn :BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét