Việt Nam sau 1/4 thế kỷ đổi mới về kinh tế nhưng không cải cách chính trị đã phát sinh nhiều hệ lụy. Nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN duy trì những lãnh vực đặc quyền rất lớn cho Tập đoàn Tổng công ty Nhà nước, dẫn tới một biến thái là hình thành những nhóm lợi ích, mưu lợi riêng khuynh loát nền kinh tế và trong nhiều trường hợp gây ra những tác hại khôn lường như vụ Vinashin, Vinalines.
Thao túng nền kinh tế Việt Nam
Ngày 20/8/2013, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu: “Vận động hành lang ‘lobby’ chính sách thì qua dư luận thấy có hiện tượng, còn xác định là có hay không thì chưa dám kết luận.” Tin này được các báo VnEconomy, Vietnam Net, Đại Đoàn Kết đưa lên mạng.
Vận động hành lang, lobby chính sách được Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội giải thích trong một dịp trả lời Đài Á Châu Tự Do:
“Lợi ích nhóm là khi thông qua việc tạo dựng những cơ chế, chính sách; người ta lồng những ý đồ cá nhân của họ vào. Để đặt chính sách đó phục vụ cho lợi ích của họ, nhằm thu được những lợi tương đối là bất chính, không chính đáng.”
Trên Trang mạng Đài ACTD, TS Phạm Chí Dũng, một chuyên gia nghiên cứu ở TP.HCM phân loại các nhóm đầu cơ mang tên nhóm lợi ích liên quan tới tài chính ngân hàng, vàng, bất động sản; kế tiếp là nhóm lợi ích độc quyền như xăng, dầu, điện, nước; sau hết là nhóm lợi ích các Tập đoàn, Tổng Công ty Doanh nghiệp Nhà nước tuy không được bao cấp nhưng được hưởng lợi lớn từ hệ thống chính sách nhà nước. TS Phạm Chí Dũng nhấn mạnh:
“Trong thời gian qua, các tập đoàn và nhóm lợi ích đã lũng đoạn và thao túng nền kinh tế và khiến cho các doanh nghiệp hết sức khốn đốn, lâm vào tình trạng phá sản và đời sống dân sinh trở nên kiệt quệ. Người ta cũng nói đời sống dân sinh và nền kinh tế là con tin của các nhóm lợi ích. Từ đó dẫn đến khoảng cách lớn về phân hóa thu nhập trong xã hội.”
Trong thời gian qua, các tập đoàn và nhóm lợi ích đã lũng đoạn và thao túng nền kinh tế và khiến cho các doanh nghiệp hết sức khốn đốn, lâm vào tình trạng phá sản và đời sống dân sinh trở nên kiệt quệ.
- TS Phạm Chí Dũng
VnEconomy tường thuật phiên họp 20/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó Đại biểu Trần Xuân vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường là đã phát hiện được bao nhiêu văn bản có việc lobby (vận động hành lang) các bộ ngành liên quan, để có lợi cho mình và gây hại cho cái chung? Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời rằng, lobby chính sách với các nước thì phổ biến, Việt Nam thì hãn hữu và khó, vì chỉ có một đảng lãnh đạo thôi, pháp luật là thể chế quan điểm của Đảng, lobby thì không phù hợp.
Quan điểm của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường không được các chuyên gia độc lập chia sẻ. TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Phát triển IDS, một tổ chức nghiên cứu độc lập đã tự giải thể, từng nhận định về vấn đề nhóm lợi ích cản trở tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế:
“Về nhóm lợi ích ở Việt Nam, ý người ta muốn nói đến các nhóm lợi ích có ảnh hưởng đến chính sách, đường hướng phát triển của đất nước. Trong đó nhóm mạnh nhất và lớn nhất là nhóm của lãnh đạo. Bên trong hệ thống ấy mỗi bộ có những quyền lợi khác nhau, mỗi địa phương thậm chí nhóm doanh nghiệp nhà nước họ cũng là một thế lực rất mạnh.”
Tại các nước theo kinh tế thị trường và có nền dân chủ pháp trị, tam quyền phân lập, vận động hành lang là một hoạt động được pháp luật qui định. Có hẳn những nhóm, những công ty chuyên trách hoạt động theo hình thức không vụ lợi hoặc thu phí dịch vụ. Việc vận động chính sách ở các nước dân chủ rất đa dạng, từ phục vụ lợi ích một cộng đồng dân cư nào đó cho tới phục vụ lợi ích của các tập đoàn lớn thí dụ về dược phẩm chẳng hạn. Chính vì vấn đề này rất phức tạp, nên cần có pháp luật công minh để kiểm soát, chưa kể cơ chế giám sát lẫn nhau giữa Hành pháp, Tư pháp và Lập pháp.
Đâu là giải pháp
Nhân viên một cây xăng của Petrolimex đang đổ xăng cho khách. AFP photo
Việt Nam không ở trong trường hợp vừa nêu, một nền kinh tế thị trường nửa vời và thể chế chính trị một đảng cai trị, dẫn tới việc hình thành những nhóm quyền lợi phức tạp dễ dàng khuynh loát nền kinh tế làm hại quốc kế dân sinh. Tuy vậy vẫn có những giải pháp khả thi, để kiểm soát vấn đề lợi ích nhóm trong nền kinh tế, vốn dĩ đang trong tiến trình tái cơ cấu. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh ở Hà Nội nhận định:
"Động tác đầu tiên rất quan trọng là cần phải thực hiện công khai minh bạch các quá trình quyết định. Công khai minh bạch các quá trình phân bổ vốn. Công khai minh bạch việc đấu thầu cũng như việc giao các dự án đầu tư của Nhà nước cho các doanh nghiệp nào. Những mối quan hệ của những người có liên quan rất cần được công bố công khai ra. Trên cơ sở đó thì giới truyền thông mới có thể đóng góp vào việc đưa ra ánh sáng những góc khuất mà chúng ta đang muốn kiềm chế và kiểm soát.”
Trở lại phiên họp ngày 20/8 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang quanh co và bối rối khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan vi phạm luật pháp. Theo VnEconomy, chứng kiến ông Bộ trưởng trả lời không thỏa đáng các câu hỏi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sốt ruột phê bình Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang là có vấn đề vì đã nói tham nhũng phải hỏi địa phương mới biết. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cấp phép thế này thì chết rồi. Hơn 900 giấy phép mà quá nửa là vi phạm, tham nhũng cũng ở đây. Vậy thanh tra ở đâu, kiểm tra giám sát ở đâu? Sai phạm như thế mà chưa xử lý được ai.
Liên quan đến vấn đề đất đai, Đại biểu La Ngọc Thoáng đơn vị Cao Bằng nêu vấn đề giá đất đền bù còn nhiều bất cập, giá chỉ bằng 30-60% giá thị trường dẫn tới khiếu kiện, bức xúc trong dân. Theo Vn Economy, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận đây là vấn đề nan giải.
Động tác đầu tiên rất quan trọng là cần phải thực hiện công khai minh bạch các quá trình quyết định; các quá trình phân bổ vốn; việc đấu thầu cũng như việc giao các dự án đầu tư của Nhà nước cho các doanh nghiệp.
CGKT Lê Đăng Doanh
Được biết Quốc hội đã hoãn thông qua Luật Đất đai sửa đổi mà chờ khi nào thông qua Hiến pháp sửa đổi mới quyết định. Việt Nam vẫn vướng qui định cốt lõi về quyền sở hữu đất đai, vấn đề này gây ra nhiều hệ lụy trong đời sống xã hội và phát triển kinh tế. Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Hiến pháp hiện nay nói rõ đất đai là sở hữu toàn dân. Ông nhấn mạnh đây là một khái niệm không rõ ràng, cũng như qui định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Vậy thì Nhà nước được đại diện bởi ai và thẩm quyền như thế nào. TS Lê Đăng Doanh phân tích:
“Hiến pháp 1992 qui định Nhà nước có quyền thu hồi đất để phục vụ mục tiêu quốc phòng an ninh và lợi ích công cộng (chấm). Nhưng Luật Đất đai lại bổ xung thêm ‘và phát triển kinh tế xã hội’. Thế phát triển kinh tế xã hội là gì, là một nhà máy hay một khu nghỉ dưỡng hay là một khách sạn lớn. Điều này quá rộng và không xác định rõ, cho nên dẫn đến việc thu hồi đất của nông dân và đền bù với một giá rất thấp rồi chuyển giao cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước và ăn chênh lệch giá đó, giá đất thì thường xuyên được đẩy lên rất cao cho nên làm cho giá bất động sản của Việt Nam tăng lên cao hơn rất nhiều lần so với thu nhập trung bình của xã hội.”
Phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/8/2013 để chất vấn một số Bộ trưởng trong chính phủ, được ví von là hành động “xả xú báp” thời sự. Cũng là một cơ hội cho các Đại biểu Quốc hội gióng thêm một hồi chuông cảnh báo chế độ về thực tế các nhóm lợi ích đang khuynh loát nền kinh tế Việt Nam.