Vụ án Vinashin được xem là trọng án kinh tế, số tiền thất thoát rất lớn, riêng tiền thi hành án lên đến 1.200 tỉ đồng. Nhưng cay đắng thay, đến nay mới thi hành án được khoảng mấy chục tỉ đồng.
Mấy chục tỉ đồng của 1.200 tỉ đồng quả là quá nhỏ, nhỏ đến mức không đáng kể. Mặc dù phiên tòa kết thúc vào năm 2012, nhưng tiền tham nhũng thất thoát vẫn chưa gom về lại cho khổ chủ là Nhà nước. Biết đến bao giờ mới thu đủ 1.200 tỉ đồng đây! 
Vụ Vinashin chỉ là một trong nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui và xử lý theo pháp luật. Các vụ án khác cũng có chung tình trạng, đó là không thu hồi được tiền tham nhũng. Tòa tuyên phạt ông Phạm Thanh Bình bồi thường 500 tỉ đồng, nhưng ông không nộp một đồng thì quả là chuyện hài hước.
Vụ án Vinashin tuy ồn ào, dữ dội ban đầu, nhưng sẽ không mấy ai còn nhớ đến số tiền phải thu lại là bao nhiêu, nhà nước có thu được không. Rốt cuộc, hàng nghìn tỉ đồng tham nhũng coi như mất gần hết. Những kẻ tham nhũng giấu hết tiền bạc của cải cho vợ con và cho mình, chờ ngày ra tù để hưởng.
Vậy thì ngay cả đối với những vụ án tham nhũng bị phát hiện, người tham nhũng đã bắt và xét xử, thì kết quả của việc chống tham nhũng mới chỉ đạt một nửa.
Chống tham nhũng, bắt được tham nhũng, nhưng không thu được tiền tham nhũng thì rõ ràng là không hiệu quả. Chỉ với vụ Vinashin thôi, sẽ thấy biết bao nhiêu con tàu trở thành đống sắt vụn, nhà nước tay trắng, nhân dân trắng tay.
Cho nên, điều quan trọng nhất chính là thực hiện cho bằng được hoạt động phòng tham nhũng. Ngăn chặn được tham nhũng xảy ra thì mới không bị tổn thất về con người và của cải. Chống tham nhũng cũng như cơ thể bị trọng bệnh, dù thuốc thang điều trị thì cũng đã tổn hao quá nhiều sinh lực.
Phòng tham nhũng không phải bằng tuyên truyền, kêu gọi mà bằng việc thiết lập một thể chế kinh tế không có đất cho tham nhũng, hoặc nếu có thì khả năng xảy ra rất thấp. Còn tồn tại tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước với những chính sách, cơ chế quản lý và điều hành như hiện nay, không thể phòng được tham nhũng.