Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

36 năm cuộc chiến biên giới phía bắc

000_ARP2093992.jpg
Cư dân tại các huyện biên giới phía bắc rời bỏ nhà cửa chạy giặc vì Trung Quốc tấn công từ biên giới Lạng Sơn hôm 17/2/1979. Ảnh chụp hôm 23/2/1979.
AFP photo
Ngày 17 tháng 2 năm 1979 bùng nổ cuộc chiến tranh trên biên giới phía bắc của Việt Nam do Trung Quốc tiến hành. Vào năm ngoái, thiếu tướng Lê Duy Mật, Nguyên Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân khu 2 và Tư lệnh Mặt trận 1979-1984 (Hà Giang) thay mặt một số đảng viên có kiến nghị gửi cho các cấp lãnh đạo trung ương Đảng nêu thắc mắc vì sao cho đến nay vẫn không có tổng kết nào về cuộc chiến đó, cũng như chính sách đối với những chiến sĩ tham gia vẫn chưa được giải quyết.
Nhân dịp kỷ niệm ngày 17 tháng 2 năm nay, Gia Minh có cuộc nói chuyện ngắn với thiếu tướng Lê Duy Mật như sau.
Gia Minh: Hôm nay chúng tôi gọi điện cho ông để hỏi về cuộc chiến tranh biên giới phía bắc.
Thiếu tướng Lê Duy Mật: Đúng rồi, tháng 2 nằm 1979.
Gia Minh: Trong năm rồi, ông có thư cho các cấp lãnh đạo nói về chính sách đối với các liệt sỹ, thương binh cuộc chiến tranh biên giới phía bắc, vậy ông nhận được hồi đáp thế nào rồi?
Thiếu tướng Lê Duy Mật: Bây giờ họ còn khất, chưa phúc đáp gì đâu.
Gia Minh: Họ khất và nói với ông thế nào khi không trả lời?
Thiếu tướng Lê Duy Mật: Họ chỉ nói vấn đề đó để giải quyết sau, không biết thế nào được. Bây giờ mình người ít; người ta cả tập thể nên người ta nói như thế thì mình biết thế thôi, mình cãi sao được!
Gia Minh: Chưa giải quyết thì thiệt thòi đối với những thương binh, liệt sỹ trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc đã 36 năm rồi theo ông ra sao?
Thiếu tướng Lê Duy Mật: Những gì Nhà nước cần làm còn nợ nhân dân, nợ liệt sỹ, nợ chính sách, nợ nhân dân biên giới.
Gia Minh: Đã 36 năm rồi, nợ đó có quá lâu không?
Thiếu tướng Lê Duy Mật: Người ta nói mới nêu ra thì vẫn là mới. Điều đó cứ biết như thế đã, cứ theo dõi, sau tết rồi hẳn hay.
Gia Minh: So với thương binh, liệt sỹ ở những chiến trường khác, ông thấy thế nào?
Thiếu tướng Lê Duy Mật: Bây giờ vấn đề đó người ta chưa làm thì phải chịu thế thôi. Còn nghĩa trang trên Hà Giang tôi làm, ông Trương Tấn Sang có đến thăm, cùng với anh em ‘356’. Chuyện này cứ gác lại sau tết.
Gia Minh: Trước tình hình đất nước, trong những ngày giáp tết ông có những suy nghĩ, trăn trở gì?
Thiếu tướng Lê Duy Mật: Có nhiều trăn trở về Biển Đông, về Trung Quốc. Nhưng thôi sau rồi giải quyết. Giờ tôi không ‘giải quyết’ gì đâu.
Gia Minh: Ngoài ra ông còn có những tâm tư gì muốn chia sẽ với mọi người?
Thiếu tướng Lê Duy Mật: Muốn nhưng phải có chuẩn bị những điều kiện, yếu tố. Và nội dung thế nào nói cho đúng với người lớn, với đảng, với nhân dân; chứ còn không cẩn thận thì ‘phiền’ lắm. Phải chú ý!
Gia Minh: Những cán bộ lão thành như ông vào dịp cuối năm có gặp gỡ nhau thế nào không?
Thiếu tướng Lê Duy Mật: Tôi què rồi, ‘liệt’ rồi không đi được nên quân ủy có cho quà, quân khu 2 cho quà, đảng cho quà vì tôi là lão thành tiền khởi nghĩa nên có tí quà đó thôi. Còn con cháu, anh em cũng có thương tình cho quà cáp. Còn tôi không đi được đâu hết, ‘tàn phế’ rồi, sắp chết rồi.
Gia Minh: Những đồng đội của ông có ai còn đủ sức để đến thăm nhau không?
Thiếu tướng Lê Duy Mật: Nhiều người, tướng tá đến thăm. Quân ủy thì cho Ba Đình đưa tiền đến đây, quân khu 2, rồi anh em bạn chiến đấu người ta thấy mình sắp chết rồi cũng đến, có quà thôi. Hà Nội thì chưa có.
Giờ tôi què rồi, hết đường ngang- dọc rồi nên tôi cũng phải đành chịu như thế thôi.
Sau tết thì tính toán anh em gặp nhau thế nào thôi, thông cảm với nhau.
Gia Minh: Ông muốn chúc cho bà con điều gì trong năm mới Ất Mùi này?
Thiếu tướng Lê Duy Mật: Tôi chỉ là hạt cát trên bãi sa mạc; nên những bà con mà tôi quí trọng thành ra một lực lượng của quốc gia. Còn tôi không dám nói gì đối với nhân dân cả. Đối với anh em thì tôi là người bị bệnh vì chất độc hóa học nên không còn nói gì cả. Tôi chỉ nói các anh đến đây thì nói chuyện. Tôi gặp bạn bè thì chúc gia đình sang năm mới có những điều tốt đẹp, hạnh phúc và khang ang thôi; chứ tôi không có tập thể nào để tôi dám đưa cá nhân của tôi vào trong chúc tết cả. Phải khiêm tốn để thấy rằng mình là con người cùng với nhân dân, với cán bộ phải có suy nghĩ, phải có sự khiêm tốn của mình, không ‘chơi’ gì trịch thượng cả.
Gia Minh: Cám ơn ông, mong ông khỏe và một mùa xuân nhiều niềm vui.

RFA Việt Ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét