Trong Di chúc của mình, ông Hồ Chí Minh đã bày tỏ nguyện vọng được hỏa táng thi hài sau khi qua đời. Việc này được cho là không chỉ tốt xét ở góc độ văn minh vật chất mà còn rất tốt dưới góc độ tâm linh. Dư luận xã hội đã nói gì về điều này?
Nguyện vọng của nhân dân?
Hồ Chí Minh (1890–1969) là một nhà cách mạng, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những người đặt nền móng cho chế độ hiện tại ở VN.
Ở VN, ông là nhà lãnh đạo được nhiều người dân ngưỡng mộ và tôn sùng, hình ảnh của ông được nhiều người dân treo trong nhà, đặt trên bàn thờ. Không chỉ thế, hiện nay ông được thờ cúng ở một số đền thờ và chùa ở Việt Nam.
Trong Di chúc của mình, phần “Về việc riêng” ông Hồ Chí Minh đã ghi rõ:
“Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành chia cho 3 miền. Đồng bào mỗi miền nên chọn l quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.”
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì công bố rằng thể theo nguyện vọng của toàn dân, nhưng có đưa ra Quốc hội xin ý kiến đâu.
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Tuy nhiên, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III đã tiến hành ướp xác và xây lăng của ông, với lý do "theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân".
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng chủ trương xây Lăng CT Hồ Chí Minh, là việc làm đơn phương của Bộ Chính trị, điều đó không chỉ trái ý nguyện của ông Hồ Chí Minh mà còn trái với tập tục của người VN, với mong muốn được mồ yên, mả đẹp.
Từ Nha trang, nhà báo Võ Văn Tạo nói với chúng tôi:
“Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì công bố rằng thể theo nguyện vọng của toàn dân, nhưng có đưa ra Quốc hội xin ý kiến đâu. Nếu là nguyện vọng của toàn dân thì phải đưa ra Quốc hội xin ý kiến chứ? Lẽ dĩ nhiên khi đó xây Lăng thì tình cảm của đồng bào Miền Bắc thì đa số ủng hộ, vì nhận thức lúc đó của họ là như vậy. Song sau này mới biết việc duy trì cái Lăng này là hết sức tốn kém.”
Nhà báo Mai Xuân Dũng thấy rằng ông Hồ Chí Minh là biểu tượng của Đảng CSVN và là biểu trưng của chế độ, cho nên việc xử lý thi hài của ông Hồ Chí Minh là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Theo ông xây lăng là một việc làm vô nghĩa, vì thực tiễn lịch sử đã chứng minh các vị tiền nhân như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… không cần lưu ướp xác, nhưng tên tuổi của họ đã trở thành bất tử và gắn liền với lịch sử dân tộc VN.
Từ Hà nội, Nhà báo Mai Xuân Dũng nói:
“Tôi nghĩ VN còn là một đất nước quá nghèo, nhân lực tài lực quá yếu kém, rất là khổ. Vậy tại sao ta không nghĩ đến mấy chục triệu người còn đang sống rất khổ? Sao ta phải tốn kém mỗi năm hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ, với một quỹ đất hàng trăm hecta để duy trì cho một cái Lăng như thế?”
Cho rằng việc xây dựng và duy trì Lăng CT Hồ Chí Minh hiện nay, là điều không đúng với di chúc của người đã khuất, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết lý do thực chất của việc duy trì Lăng CT Hồ Chí Minh. Ông nói với chúng tôi:
“Một số người ở cấp lãnh đạo muốn duy trì cái đó, theo tôi đánh giá và người dân nói với tôi. Đấy là cái bình phong để giữ quyền lực cho nhóm có lợi ích chóp bu của thể chế hiện nay, lấy đó để thu hút và lôi kéo nhân dân thôi. Vì bản thân họ cũng chả kính trọng gì Cụ, nếu kính trọng thì đã không làm sai Di chúc của Cụ.”
Cần tạo tiền đề cho việc hòa giải
Khi được hỏi quan điểm cá nhân về việc nên xử lý thi hài CT Hồ Chí Minh thế nào cho phù hợp?
Nhà báo Mai Xuân Dũng thấy rằng chính quyền cần tôn trọng ý nguyện như đã nêu trong Di chúc của ông Hồ Chí Minh. Song quan trọng hơn theo ông việc xử lý thi hài Hồ Chí Minh còn là tạo tiền đề cho việc hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Từ Hà nội, Nhà báo Mai Xuân Dũng nói với chúng tôi:
Thể chế này, chính quyền này nếu thực sự coi trọng Hồ Chí Minh, ai cũng biết rằng ông đã có nguyện vọng được hỏa tang và rắc tro trên 3 miền đất nước. Thì tại sao người ta không làm cái việc đó?
-Nhà báo Mai Xuân Dũng
“Thể chế này, chính quyền này nếu thực sự coi trọng Hồ Chí Minh, ai cũng biết rằng ông đã có nguyện vọng được hỏa tang và rắc tro trên 3 miền đất nước. Thì tại sao người ta không làm cái việc đó? Tại sao người ta không tôn trọng một người có Di chúc như thế?”
Nhà báo Võ Văn Tạo thấy rằng việc duy trì lăng tẩm như hiện nay khiến người ta nghĩ về chế độ phong kiến. Theo ông vẫn còn một bộ phận không nhỏ người VN, đặc biệt là người Miền Bắc vẫn ủng hộ việc duy trì Lăng CT Hồ Chí Minh như hiện tại. Theo ông đó là hệ quả của chính sách tuyên truyền trong một thời gian dài, cũng như lăng Lenin ở nước Nga đã nhiều chục năm cũng chưa giải quyết được.
Nhà báo Võ Văn Tạo nói với chúng tôi:
“Ở Việt nam hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân tin vào chuyện tâm linh, để như vậy nó không được hay, điều đó trái với đời sống tâm linh của dân tộc mình. Tức là không được mồ yên, mả đẹp. Thế thì theo tôi tốt nhất là ta nên làm đúng theo Di chúc, tuy rằng nó đã quá muộn. Những người có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước hiện nay cần thực hiện theo Di chúc và cho hỏa táng. Còn tro rắc ở đâu thì tùy, như thế thì nó thỏa mãn ý nguyện của người đã khuất”.
Hiện nay đã có nhiều ý kiến thấy rằng nên hỏa táng hoặc chôn cất theo đúng nguyện vọng của người đã khuất theo lẽ “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Điều đó sẽ không chỉ tiết kiệm tiền bạc trong việc bảo quản, mà còn phù hợp với vấn đề văn hóa tâm linh.
Nhà báo Huy Đức đã viết trên facebook của mình rằng: “Những ai còn kính yêu Hồ Chí Minh thì nên lắng nghe ý kiến này. Theo tôi, nên bảo tồn Lăng như một di tích không chỉ là di tích về Hồ Chí Minh mà còn là di tích về thời đại Cộng sản. Trong lăng, từ di hài cho đến 4 tiêu binh đứng quanh nên tái hiện bằng sáp (để các cháu túc trực trong nhiệt độ rất thấp như vậy cũng không nên). Hỏa táng hoặc an táng Cụ không chỉ tốt xét ở góc độ văn minh vật chất mà còn rất tốt dưới góc độ tâm linh”.
“Nghĩa tử là nghĩa tận”, đáp ứng nguyện vọng của người đã khuất là điều phù hợp với truyền thống văn hóa, truyền thống tâm linh của người VN. Nó không chỉ là sự kính trọng với người đã khuất, mà còn là hành động phù hợp với một thế giới văn minh của loài người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét