Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế Human Rights Watch kêu gọi Australia thúc đẩy Việt Nam chứng tỏ cải thiện nhân quyền nhân cuộc đối thoại song phương sắp diễn ra tại Hà Nội vào ngày 28/7/14.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia nói cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 11 với Việt Nam là cơ chế quan trọng giúp chuyển tải tới Hà Nội các quan ngại về nhân quyền một cách hệ thống và thường xuyên, đồng thời cũng là phương tiện để trao đổi thẳng thắn về những vấn đề nhạy cảm.
Human Rights Watch ngày 25/7 nói Australia cần vận dụng cơ hội này để thúc ép Việt Nam phải thực hiện các bước cải thiện cụ thể, đáp ứng nghĩa vụ quốc tế về tôn trọng nhân quyền.
Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á trong Human Rights Watch nói các lĩnh vực chính cần tập trung lưu ý bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và tự do lập hội.
Ông Phil Robertson cho biết thêm:
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Australia, nhân cuộc đối thoại nhân quyền ở Hà Nội lần này, yêu cầu Việt Nam phải cải thiện 3 vấn đề chính. Thứ nhất là vấn đề giam giữ tù nhân lương tâm. Thứ hai là tình trạng đàn áp quyền tự do tôn giáo. Thứ ba là nạn cưỡng bức lao động trong các trung tâm cai nghiện ma túy. Theo thống kê của chúng tôi, hiện có khoảng trên dưới 200 nhà hoạt động và bloggers đang chịu những án tù dài hạn tại Việt Nam chỉ vì thực thi các quyền căn bản của con người và càng ngày càng có thêm các vụ bắt giữ và đem ra xử án. Đây rõ ràng là một vấn đề tiếp diễn và Australia cần phải mạnh mẽ thúc ép Việt Nam phải thay đổi.”
Vẫn theo lời ông Robertson, Human Rights Watch cũng đặc biệt quan ngại về các trường hợp bắt bớ, giam cầm các tín đồ tôn giáo mà nhiều người trong số này đang bị suy kiệt sức khỏe trầm trọng trong các trại giam.
Ngoài ra, Phó giám đốc theo dõi nhân quyền khu vực Châu Á của Human Rights Watch nói các trung tâm cai nghiện ma túy tại Việt Nam không những giam người không qua xét xử mà còn cưỡng ép lao động, tra tấn, ngược đãi họ và Việt Nam cần phải chấm dứt ngay các vi phạm này.
Ông Robertson cho hay những khuyến nghị vừa nêu Human Rights Watch đã trình bày cặn kẽ trong phúc trình 7 trang gửi tới Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia trước khi Canberra ngồi vào bàn đối thoại nhân quyền với Hà Nội vào đầu tuần sau.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền này cảnh báo nếu Australia nói riêng và quốc tế nói chung ‘dễ dãi’ với Việt Nam trong các cuộc đối thoại nhân quyền thì khó trông thấy những thay đổi đáng kể đối với ‘thói quen đàn áp’ của Việt Nam.
Human Rights Watch nhấn mạnh việc Hà Nội bác các khuyến nghị quan trọng trong phiên Kiểm điểm nhân quyền Định kỳ Phổ quát UPR mấy tháng trước tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc chưa cho thấy Việt Nam có thiện chí cải thiện thành tích nhân quyền của mình.
Human Rights Watch kêu gọi các nước đối thoại nhân quyền với Việt Nam công bố công khai nội dung trao đổi, hiệu quả đối thoại và phản hồi nhận được từ Hà Nội sau các cuộc gặp này để tăng thêm áp lực cần thiết buộc Việt Nam phải cải thiện theo các chuẩn mực quốc tế về tôn trọng quyền con người.
Tại phiên điều trần UPR ở Geneva hồi tháng 2, Hà Nội tuyên bố nhân quyền luôn được tôn trọng và thực thi nghiêm túc tại Việt Nam.
Các chỉ trích nói Việt Nam vi phạm nhân quyền trước nay thường được Hà Nội mô tả là những cáo buộc ‘không có cơ sở’, ‘thiếu khách quan’ của những thế lực ‘thù địch’ ‘thiếu thiện chí’ với Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét