Một số các nhà hoạt động, đấu tranh tại Sài Gòn vào ngày hôm nay 25 tháng 7 bị lực lượng an ninh theo dõi một cách gắt gao hay bị buộc không được ra khỏi nhà. Nguyên nhân vì sao?
Theo dõi, ngăn chặn
Hôm nay, tại Sài Gòn những nhà đấu tranh hoạt động có tiếng như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, tiến sĩ Phạm Chí Dũng, bà Dương Thị Tân- vợ tù nhân lương tâm Điếu Cáy Nguyễn Văn Hải, cựu tù nhân chính trị Phạm Bá Hải, bị lực lượng an ninh canh chừng, theo dõi hay cấm ra khỏi nhà.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cho biết:
“Ngày hôm nay 25 tháng 7 năm 2014, theo như những nguồn tin mà tôi có được là ông Heiner Biederfeldt, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền bay từ Hà Nội vào Sài Gòn mà theo tin mới nhất là khoảng từ 12 giờ ông đến.
Có lẽ họ cẩn thận, hoặc sợ hãi hoặc nghi điều gì đó thì tôi không biết; ngay từ tối hôm qua họ đặt hai chốt, mỗi chốt 3 người ngồi ngay hai chỗ đầu nhà tôi. Sáng nay độ khỏng 4 giờ, 4 giờ 30 gì đó, tôi đi ra khỏi nhà để tập thể thao, nhưng có 3 người đi 2 xe gắn máy đứng chắn ở cửa nhà tôi không cho tôi đi ra, mặt mày dữ dằn. Họ khoảng hai mấy, ba chục tuổi tay cầm điện thoại, mặt mày dữ dằn, rõ ràng cương quyết không cho tôi ra. Nhưng tôi cứ mở cửa tôi ra để xem họ làm gì. Tôi lách họ tôi đi, thì họ liền theo dõi mỗi người một bên, và một người đi theo sau. Tôi đạp xe một vòng để xem sao thì họ lẵng nhẵng như vậy. Tôi ra đến chỗ vườn hoa gần nhà tập thể dục nhịp điệu thì họ ngồi đối diện, canh. Tập được nửa giờ, tôi ra lấy xe đi đến hồ bơi, họ cũng đi theo. Bơi xong đến bảy giờ tôi lên lấy xe về nhà thì họ cũng đi theo. Về đến nhà, chốt còn nguyên và những người đi theo bàn giao cho hai chốt đó. Hiện chốt vẫn còn để không cho tôi ra khỏi nhà.
Có lẽ họ cẩn thận, hoặc sợ hãi hoặc nghi điều gì đó thì tôi không biết; ngay từ tối hôm qua họ đặt hai chốt, mỗi chốt 3 người ngồi ngay hai chỗ đầu nhà tôi.
-BS Nguyễn Đan Quế
Rất là bất thường, vì tôi không bị quản chế và ngày hôm nay họ lại đối xử với một công dân bằng những mánh khóe côn đồ, hạn chế quyền tự do đi lại của một người công dân bình thường.”
Bà Dương Thị Tân cũng cho biết việc bị lực lượng công an không cho ra khỏi nhà trong ngày 25 tháng 7 như sau:
“Cũng như mọi khi thôi, tôi từ trên nhà chung cư đi xuống dưới sân thì lập tức có 4 người mặc thường phục và một người mặc cảnh phục yêu cầu tôi không được ra khỏi nhà. Tôi nói căn cứ vào điều nào mà các anh chặn tôi như vậy. Tôi yêu cầu nếu không cho tôi ra khỏi nhà, không cho tôi có quyền tự do đi lại như vậy thì cho tôi giấy có lệnh gì đó mà cấm tôi như vậy. Lập tức có một cậu chỉ vào mặt tôi chửi rất bậy và đưa tay định đấm vào mặt tôi, khi chưa kịp đấm thì cậu mặc cảnh phục đẩy cậu đó ra. Và rồi cứ thế họ chửi. Tôi không nghĩ được họ có sự giáo dục mà đối xử với người dân (như thế).”
Về trường hợp cựu tù nhân chính trị Phạm Bá Hải, bác sĩ Nguyễn Đan Quế cho biết ông này gọi điện báo lúc 11 giờ trưa ngày 25 tháng 7, công an vào nhà và đọc lệnh không cho ông Hải ra khỏi nhà cho đến ngày thứ ba tuần tới.
Hành xử bất nhất
Trong thời gian qua dư luận tỏ vẻ hân hoan sau khi có một số tù nhân lương tâm được nhà cầm quyền Hà Nội trả tự do trước thời hạn như ông Nguyễn Hữu Cầu, tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, rồi nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh. Tuy nhiên theo những người bị sách nhiễu mới nhất vào ngày 25 tháng 7 thì hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam bất nhất, nói không đi với làm. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế đánh giá:
“Tôi là người hoạt động thường xuyên trong cuộc đấu tranh này thì tôi thấy với việc canh gác như thế này, chính quyền Hà Nội về vấn đề nhân quyền, tôn giáo, chính trị có hai mặt. Một mặt vuốt ve những chỉ trích của thế giới. Nhất là qua Hội đồng Nhân quyền mà Hà Mội mới được vào đó nhưng bị chỉ trích. Hà Nội vuốt ve để mưu cầu những chuyện như giảm áp lực, rồi xin gia nhập Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương…
Còn mặt khác tôi thấy rất rõ ràng: về mặt bên trong những gì mà quốc tế chưa biết thì ( Hà Nội) thẳng tay để giữ trật tự, sợ xáo trộn, sợ quần chúng. Nói thẳng ra là (Hà Nội) sợ sức mạnh quần chúng đang rất bất mãn, sợ nổi dậy.
Theo tôi bây giờ nội tình bên trong đảng cộng sản Việt Nam rất bối rối, nhất là sau vụ giàn khoan của Trung Quốc. Một mặt họ rất muốn được quốc tế ủng hộ nhất là Hoa Kỳ, để thoát khỏi những khó khăn về kinh tế, áp lực về chính trị, về nhân quyền.
Riêng về mặt nhân quyền, họ muốn thế giới nhìn họ như người hành xử chính đáng khi gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc; thế nhưng bên trong những gì chưa được biết, những gì truyền thông đại chúng chưa được biết thì họ thẳng tay. Chuyện lời nói không đi với việc làm, bất nhất hoặc là nói trước rồi làm ngược lại sau, theo tôi đó là bản chất của những người cộng sản.”
Hoạt động quốc tế
Khi chúng tôi tràn lên cần đòi hỏi sự hỗ trợ của quốc tế, trong đó có những kênh đối thoại về nhân quyền của Mỹ, của Liên minh Châu Âu, của Úc, của Canada.
-BS Nguyễn Đan Quế
Thông tin cho biết báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tôn giáo, tín ngưỡng- ông Heiner Biederfeldt vào ngày 25 tháng 7 đến Sài Gòn trong khuôn khổ chuyến làm việc tại Việt Nam trong 10 ngày từ ngày 21 đến 31 tháng 7.
Và cũng theo kế hoạch thì vào ngày chủ nhật 28 tháng 7 này tại Hà Nội sẽ diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 11 giữa Việt Nam và Australia.
Về việc nhà cầm quyền Hà Nội có những hoạt động như đối thoại nhân quyền với các quốc gia hay khối nước khác, bác sĩ Nguyễn Đan Quế có ý kiến:
“Khi chúng tôi tràn lên cần đòi hỏi sự hỗ trợ của quốc tế, trong đó có những kênh đối thoại về nhân quyền của Mỹ, của Liên minh Châu Âu, của Úc, của Canada. Chúng tôi hoan nghênh những đối thoại đó, chúng tôi cần những đối thoại đó, nhưng cái chính yếu trong nước chúng tôi đang cố gắng là huy động để đưa sức mạnh quần chúng lên theo hướng tự do dân chủ để bắt buộc chế độ này phải thay đổi, và thay đổi gốc rễ theo nền có tự do dân chủ, nhân quyền thì mới có thể phát triển được đất nước.”
Như những người trong cuộc nhận xét, mọi cam kết mà nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra với quốc tế trong những cuộc gặp gỡ hay qua những công ước được phê chuẩn vẫn chưa được thực thi một cách chân thành. Tất cả hầu như chỉ là đối phó và những tiếng nói đối lập vẫn tiếp tục bị cố tình bóp nghẹt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét