Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Bàn cờ đấu đá nội bộ đảng với xe Dũng, mã Ngọ


Con xe Dương Chí Dũng từ bàn cờ Hội nghị TW 6 

Sáng ngày 5 tháng 10 năm 2012, sau khi Hội nghị TW 6 - Khóa XI khai mạc được 4 ngày, Dương Chí Dũng bị Bộ Công an dẫn giải từ Sài Gòn về Hà Nội. Sự xuất hiện của Dương Chí Dũng đã giải thích cho nụ cười nửa miệng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong những ngày đầu hội nghị, mặc dù trước đó ai cũng cho rằng Nguyễn Tấn Dũng đang ở trong tình trạng bi đát với những đòn tấn công nặng nề của phe Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang. 

Dương Chí Dũng là nước cờ chiếu tướng bằng "xe" đầu tiên của Nguyễn Tấn Dũng mà một số người gọi đó là quả bom nổ trong Hội nghị TW6. Điều gì đã xảy ra?

Tại trại giam của công an Lạng Sơn, trong một bản tự khai, qua đó chúng ta biết trước đó, khi còn bị tạm giam tại B34 Sài Gòn, Dương Chí Dũng đã khai nhiều điều, trong đó đã có chuyện hối lộ Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ để tẩu thoát. (Xin xem lại bài "Vụ Phạm Quý Ngọ: Đại tá công an Nguyễn Như Phong muốn "cứu" hay "giết" Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang?". (1

Dương Chí Dũng từng là Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Ủy viên Thường vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp TW Đảng. Chừng đó "bề dày cách mạng" trong "mạng nhện tham nhũng", Dương Chí Dũng là "hủ mắm" mà Nguyễn Tấn Dũng nắm được và nếu khui ra thì vô số những quan lớn trong TW đảng đã "trót" nhúng chàm sẽ bị lộ.

Do đó điều kiện đã được bắn ra: Nguyễn Tấn Dũng sẽ giải quyết nguy cơ bị lộ của nhiều đồng chí TW đảng nếu phủ quyết đề nghị kỷ luật đồng chí... X đã và đang được vận động ráo riết bởi Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang trước thềm Hội nghị TW6. 

Kết quả là Nguyễn Tấn Dũng cười tươi, Nguyễn Phú Trọng mếu máo, Trương Tấn Sang trầm ngâm và Nguyễn Bá Thanh ngẩn ngơ chào buồn chiếc ghế Ủy viên Bộ Chính Trị. 

Thành quả này có được cũng phải nhờ đến "công lao" của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang lúc đó đang nắm quyền sinh sát Dương Chí Dũng tại trại tù của Bộ Công an. 

Sau Hội nghị TW 6, Nguyễn Tấn Dũng thực hiện lời hứa, giải quyết những nỗi âu lo bị lộ và lộ dây chuyền, lộ hàng loạt nếu Dương Chí Dũng bắt đầu xì ra. Lời hứa được thực hiện bằng cách vô hiệu hóa những lời khai trước đây của Dương Chí Dũng bằng chính lời khai... lại của đương sự: 

Ngày 17 tháng 10 năm 2012, tức là chỉ 2 ngày sau khi Hội nghị 6 bế mạc, tại trại tù Công an Yên Thạch, Lạng Sơn, Dương Chí Dũng ngồi viết bản tự khai, tự phủ nhận những lời khai "sai sự thật do lẫn và hoang tưởng" trước đó (1). Đây là kết quả của một thương lượng, mở đầu cho một tiến trình dàn xếp nhiều bước để mãi đến hơn một năm sau, vào tháng 12 năm 2013, Dũng "em" ra tòa với nụ cười khinh khỉnh không kém gì nụ cười nữa miệng của Dũng "anh" tại Hội Nghị TW 6. 

Liên minh Trọng-Thanh 

Sau Hội nghị Trung ương 6, Nguyễn Tấn Dũng thắng lớn. TBT Nguyễn Phú Trọng đăng đàn mếu máo "không kỷ luật được một đồng chí trong Bộ Chính Trị". Nguyễn Bá Thanh ê ẩm mình mẩy vì bị té ra khỏi ghế Bộ Chính Trị mà trước đó tưởng chắc sẽ được an tọa. Thua keo này bày keo khác, cuối năm 2012 Nguyễn Phú Trọng thành công trong việc vận động BCT thành lập Ban Nội chính Trung ương Đảng và cho Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũngcủa Nguyễn Tấn Dũng ra rìa. 

Nguyễn Phú Trọng bổ nhiệm Nguyễn Bá Thanh vào chức vụ Trưởng ban Nội chính và chúa trùm Đà Nẵng dời về Hà Nội bắt đầu sự nghiệp hốt, hốt liền, hốt hết. Nhiệm vụ chiến lược của chương trình hốt này là hốt Dương Chí Dũng vào tù và sau đó cho dựa cột. 

Tuy nhiên, bộ phận Nội chính trung ương chưa đủ tầm để đối phó với phe Nguyễn Tấn Dũng đang nắm trong tay các bộ phận của nhà nước với vây cánh chằng chịt của nhiều thành phần lợi ích. Nếu không có thêm "công lực" khó mà Nội chính TW có thể hoàn thành sứ mạng chỉnh và đốn nhau. 

Phiên tòa Dương Chí Dũng 

Ngày 12 tháng 12 năm 2013, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm Dương Chí Dũng. Hình ảnh tươi cười của Dương Chí Dũng, theo lời luật sư - sức khỏe và tinh thần của rất tốt và bị cáo đã sẵn sàng chuẩn bị tinh thần để tham gia phiên tòa, cho thấy Dương Chí Dũng đang an tâm với những lời hứa hẹn của phe Nguyễn Tấn Dũng / Trần Đại Quang trong nhà tù công an Lạng Sơn. 

Ngày 14 tháng 12 năm 2013, Trưởng ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh bất ngờ xuất hiện tại phiên tòa xét xử. Buổi chiều cùng ngày, Dương Chí Dũng đứng trước tòa ngạo nghễ đọc thơ: "28 năm qua lại trở về, Những người hàng hải nặng thề năm xưa, Dưới cờ Đảng nguyện cùng đưa, Con tàu hàng hải đến bờ vinh quang..." 

Xe Dũng sang sông, bàn cờ nghiên về phía nhóm lợi ích. Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Bá Thanh phải đi tìm gậy chống. Gậy ấy nằm ở Bắc Kinh. 

Hai ngày sau khi thi sĩ Dũng ngâm thơ, chiều ngày 16 tháng 12 năm 2013, cùng một lúc tại 2 nơi xảy ra 2 sự kiện: 

- Tại Hà Nội, TAND tuyên án tử hình Dương Chí Dũng. 

- Tại Bắc Kinh, Nguyễn Bá Thanh hội kiến với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Mạnh Kiến Trụ. Đây là cuộc gặp gỡ được tuyên bố. Những buổi họp khác nếu có, với ai khác đều không được thông tin. 

Ngày 16 tháng 12, bàn cờ đấu đá nội bộ đảng đảo ngược tại phiên tòa. Phe Trọng Thanh tấn mã sang sông. Mã này không phải là Mã Ngọ mà là mã từ bên Tàu. Mã Viện. Và Mã Viện chắc hẵn đã gửi thông điệp, bật đèn xanh trước đó và chuyến đi Bắc Kinh của Nguyễn Bá Thanh chỉ để báo cáo tình hình và nhận lời... khuyên mới.

Dương Chí Dũng đối diện với hai điều kiện để có cơ hội để thoát án tử hình: 

Điều kiện 1: Khai báo những nhân vật liên hệ thuộc phe Nguyễn Tấn Dũng để được xem xét giảm nhẹ bản án theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Hình sự. 

Điều kiện 2: Căn cứ theo quy định tại Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: nếu bị cáo hoặc gia đình bị cáo “Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt; Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa)” thì HĐXX có thể không xử phạt tử hình. 

Điều kiện 2 thì không đương nhiên mà "tùy" vào nhận xét của HĐXX cho cái gọi là có thểkhông xử phạt tử hình”. Và từ đó "tùy" vào phía Trọng, Thanh - phe nhóm đã thành công trong việc "hướng" tòa án móc túi ra bản án tử hình. 

Điều kiện 2 chỉ may ra được xảy đến nếu Dương Chí Dũng "làm cái gì đó" để thỏa mãn điều kiện 1. 

Làm cái gì đó:

Ngày 7 tháng 1, năm 2014, Dương Chí Dũng ra trước tòa công khai tên tuổi Phạm Quý Ngọ nhận hối lộ 20 tỷ, tiền từ Trương Mỹ Lan và có báo cáo với Trần Đại Quang. Lời khai lần thứ 3 này ngược với lời khai lần 2 của Dũng trong trại tù Lạng Sơn sau Hội nghị TW 6 phủ nhận lời khai lần 1 trước đó trong trại tù B34 của công an Hồ Chí Minh. (1

Kết quả thắng lợi lọt vào tay của Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Bá Thanh: Ngày 8 tháng 1, 2013 Chủ tọa Trương Việt Toàn thay mặt Hội đồng xét xử công bố quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước đối với Phạm Quý Ngọ. 

Ngày 18 tháng 1 năm 2014, buổi lễ thắp nến tri ân các "liệt sĩ Hoàng Sa" bị thông báo hủy bỏ sau khi có cuộc điện đàm "đường dây nóng" giữa Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình. Ngày 16 tháng 2 năm 2014, nhiều công dân yêu nước cùng nhau tổ chức Lễ Tưởng niệm 35 Chiến tranh Biên giới chống xâm lược. Cán bộ đảng kéo đến chiếm khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, thay nhau nhảy nhót ăn mừng với bản nhạc Tàu "Trung Quốc Chính Nghĩa", được Hồ Quang Hiếu đặt lời Việt là "Con bướm xuân".

Ơn đền cho cây gậy Trung Quốc sau khi oán trong nhà được thanh toán.

Ngày 18 tháng 2 năm 2014 Phạm Quý Ngọ chết. 

Nếu vào tháng 10, 2012 phe Nguyễn Tấn Dũng với Trần Đại Quang "khai tử" lời khai của Dương Chí Dũng bằng chính bản tự khai "lại" của Dương Chí Dũng thì tháng 2 năm 2014, những lời "chưa khai" của Phạm Quý Ngọ đã được "khai tử" bằng... chính lá gan của Phạm Quý Ngọ.

Trước khi Phạm Quý Ngọ chết - lúc 19h58', Đại tá công an Nguyễn Như Phong đăng tin trên tờ PetroTimes thông báo ông Ngọ chết vào lúc 21h20. PetroTimes là tờ báo của Tập đoàn Dầu khí, một thành phần của Tập đoàn... lợi ích, nơi có những người biết ông Ngọ chết trước khi ông ta chết. Đây cũng là nơi duy nhất được tiếp tế cho bản văn tự khai số 2 của Dương Chí Dũng tại nhà tù Yên Trạch vào tháng 2 năm 2012 (1)

Ngày 23 tháng 2 năm 2014, Bộ Công an tổ chức tang lễ cho Phạm Quý Ngọ. Thành phần lãnh đạo thưa thớt, nhưng đặc biệt là sự có mặt của Bộ trưởng Trần Đại Quang, người được "hưởng lợi" nhiều nhất trong vụ chết không còn nói được của Phạm Quý Ngọ. (2)

Bàn cờ mất mã còn xe. Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Bá Thanh không dại gì để cho Dương Chí Dũng dựa cột theo kiểu Ngọ chết là hết. Điều gì sẽ xảy ra cho con xe Dương Chí Dũng trong thời gian trước mắt sẽ cho chúng ta thấy những nước cờ đốn nhau của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét