Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế tố cáo Việt Nam khống chế Internet

Anh Vũ (RFI) - Hôm nay, 13/02/2013, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) phối hợp với Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam đã ra báo cáo lên án chính quyền Hà Nội gia tăng trấn áp các Blogger dưới cái cớ “xâm phạm an ninh quốc gia”, đồng thời kêu gọi chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận, trả tự do cho những người viết blog, nhà báo tự do đang bị cầm tù vì đã bày tỏ chính kiến cá nhân. 

Với đề tựa “Blogger và những nhà ly khai trên mạng đằng sau song sắt nhà tù: Sự khống chế của Nhà nước với internet”, bản báo cáo 42 trang nêu lên thực tế từ năm 2010 chính quyền Việt Nam đã gia tăng trấn áp các blogger và những nhà ly khai đấu tranh trên mạng internet. 

Các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và Lê Công Định, trong phiên xử hôm 20/01/2010 (Reuters /VNA) 

Báo cáo của FIDH và Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam nêu con số 32 blogger hiện đang phải thi hành những bản án nặng nề vì lý đã đưa lên mạng internet những bài viết, những ý kiến bị chính quyền đánh giá là có nội dung nhằm mục đích “lật đổ” chế độ. Chính những bài viết trên blog chuyển tải chính kiến ôn hòa về những vấn đề chính trị xã hội của đất nước đã khiến không ít các blogger ở Việt nam phải chịu án tù từ 2 đến 16 năm. 

Trong vòng một năm qua, theo bản báo cáo, tại Việt Nam có 22 người viết blog và ly khai mạng đã bị kết án tống cộng 133 năm tù và 65 năm quản chế vì hình thức đấu tranh bất bạo động trên internet này. Điển hình là ngày 09/01/2013, tòa án tỉnh Nghệ An đã kết án 14 người gần 100 năm tù cộng lại, cũng chỉ vì họ đã bày tỏ chính kiến của một cách tự do. 

Ngoài ra, báo cáo cũng nêu lên 18 trường hợp các nhà đấu tranh ôn hòa đang còn ở trong tù bị kết án theo điều 88 của Bộ Luật Hình sự, một điều luật áp cho tội danh mơ hồ “tuyên truyền chống Nhà nước”, nhưng lại là một công cụ trấn áp đối lập thường xuyên được chính quyền sử dụng. 

Theo báo cáo, hiện tại chính quyền Việt Nam đang chuẩn bị ra một sắc lệnh mới quản lý internet với nhiều điều khoản được biết đến là không phù hợp với chuẩn mực quốc tế về bảo vệ nhân quyền. 

Chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế, ông Souhayr Belhassen nhận định, Việt Nam có môi trường kinh tế phát triển thuận lợi, nhưng lại là “một trong những nước có chế độ trấn áp tự do ngôn luận mạnh mẽ nhất trên thế giới”. Còn tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters sans frontières - RSF) so sánh Việt Nam như là “nhà tù lớn thứ 2 trên thế giới của các công dân mạng, sau Trung Quốc”. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét