Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

“Hãy chuẩn bị cho ngày Trung Quốc sụp đổ”

Những ngày qua, cái tên Trung Quốc đã gần như thu hút mọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Người ta nói về sức mạnh của Trung Quốc, dự đoán khi nào Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới… Nhưng người ta đã không để ý rằng, những dấu hiệu “diệt vong” đang xuất hiện lại khá nhiều ở Trung Quốc.
Không thể phủ nhận sự trỗi dậy quá mạnh mẽ của Trung Quốc trong những năm qua đã khiến không ít quốc gia phải lo ngại và thậm chí là gióng lên những hồi chuông báo động ở những cường quốc mạnh nhất thế giới. Tại Diễn đàn An ninh quốc tế vừa diễn ra hồi tuần trước tại Halifax (Canada), cái tên Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của mọi cuộc thảo luận. Ở đó, các đại biểu đặt câu hỏi liệu ông Obama có bị hút theo vị tân lãnh đạo Tập Cận Bình của Trung Quốc hay không? Liệu nước Mỹ sẽ làm gì với những cuộc tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc với Nhật Bản hay ASEAN? Liệu Tokyo và New Delhi có bỏ Washington để chạy về phía Bắc Kinh hay không?... Từng đó câu hỏi đã cho thấy sức ảnh hưởng của Trung Quốc giờ đây đã lớn đến thế nào.
Nhưng cũng có nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, thực tế những dấu hiệu diệt vong giống như những gì đã có ở Liên bang Xô viết trước kia giờ đây đang xuất hiện trở lại khá nhiều ở Trung Quốc và rất có thể Trung Quốc sẽ sụp đổ trước khi kịp vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, cách đây 2 thập kỷ, cả chính phủ Mỹ và CIA đã khá bối rối khi bất ngờ nhận ra rằng đối trọng của mình đã sụp đổ quá nhanh chóng đến như vậy và giờ đây, đã đến lúc nước Mỹ cần phải lắng nghe lời kêu gọi: “Hãy chuẩn bị cho ngày Trung Quốc sụp đổ”.
Nhưng những dấu hiệu đó là gì? Các chuyên gia đã chỉ ra ít nhất 5 yếu tố cho thấy lịch sử đang chuẩn bị lặp lại.

Nếu có một vụ Bạc Hy Lai thứ 2 vỡ lở dưới thời ông Tập Cận Bình, hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc sẽ bị chia rẽ sâu sắc hơn nữa và sự bất mãn dẫn đến bất ổn nghiêm trọng trong xã hội cũng bùng nổ.
1. Hàng ngũ lãnh đạo bị chia rẽ và bê bối
Trong năm 2012, vụ bê bối của chính trị gia thuộc nhóm “ngôi sao đang lên” Bạc Hy Lai đã trở thành vết nhơ lớn nhất trong vòng 40 năm qua của chính trường Trung Quốc. Nhưng theo bình luận của tờ The Diplomat (Nhà Ngoại giao) vụ bê bối này cũng cho thấy những cuộc đấu tranh giành quyền lực tại Trung Nam Hải đang diễn ra gay gắt và vấn nạn tham nhũng đã “leo cao, chui sâu” đến mức nào trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc.
Đại hội 18 của Đảng cộng sản vừa kết thúc nên những cú sóng dồn mới chỉ đang ở mức độ bắt đầu đối với ông Tập Cận Bình và 7 Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Không ai dám chắc, một vụ scandal tương tự vụ Bạc Hy Lai sẽ không xảy ra trong nhiệm kỳ của ông Tập và nếu có, nó sẽ khiến cho sự chia rẽ và rạn nứt trong nội bộ ban lãnh đạo Trung Quốc trở nên sâu sắc hơn nữa đồng thời sẽ gây ra những sự bất mãn dẫn đến bất ổn nghiêm trọng trong xã hội Trung Quốc.
Trong thời gian vừa qua, các nhà phân tích còn nhắc đến vấn đề “phe quân đội” cũng đang trỗi dậy ngày một mạnh mẽ và “nếu ông Tập không vững tay lái, rất có thể con dao sắc này sẽ khiến ông đứt tay”, The Diplomat nói.
2. Tăng trưởng kinh tế chậm lại
Trong suốt 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế cho cả thế giới. Sau gần 30 năm liên tục tăng trưởng với tốc độ trên 10%, bước sang năm 2012, kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc khá nhanh. Quý trước, tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ đạt 7,4% do kinh tế Mỹ và châu Âu khủng hoảng. Sự “thất tốc” đột ngột này đã trở thành một đòn giáng mạnh vào toàn bộ lực lượng lao động Trung Quốc và đã bắt đầu phát sinh những bất ổn, đặc biệt là sự giận dữ của hàng triệu người dân ở nông thôn hay công nhân trong các nhà máy khi phải nhìn thấy thu nhập của mình giảm nhanh chóng.
Chỉ tính riêng trong năm 2010, nền kinh tế yếu đã khiến Trung Quốc phải gánh chịu khoảng 180.000 cuộc đình công, biểu tình hay thậm chí là bạo loạn và điều này đã trở thành gánh nặng khó chịu cho toàn xã hội cũng như hệ thống chính trị Trung Quốc.
Kinh tế khó khăn khiến làn sóng di cư trong nước và sang cả các nước châu Á khác tăng mạnh. Những cuộc đụng độ nảy lửa giữa người bản xứ và dân di cư cũng bùng nổ thường xuyên hơn, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Chưa hết, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với vấn đề nợ của các chính quyền địa phương cũng như bong bóng bất động sản đang ngày một phình to ở những đô thị lớn. Chỉ cần 1 trong 2 quả bong bóng này phát nổ, những hệ lụy kinh tế đối với cả nước trở nên vô cùng khó lường.
Cuối cùng, tác động của chính sách một con kéo dài đã đẩy Trung Quốc vào một vấn đề rất khó giải quyết: lực lượng lao động ngày một mỏng đi khiến các kế hoạch phát triển kinh tế trong tương lai trở nên ít khả thi hơn rất nhiều.
3. Những vụ tranh chấp chủ quyền không lối thoát
Trong gần một thập kỷ, chính sách “ngoại giao nụ cười” đã giúp Trung Quốc có được khá nhiều bạn bè cũng như thiện cảm của thế giới. Đã có lúc người ta coi Bắc Kinh là đối tác dễ chịu và sáng tạo hơn tất cả các quốc gia khác, kể cả Mỹ và Nhật Bản. Cùng với đó, các dự án viện trợ hào phóng cũng giúp cho Trung Quốc gây dựng được sự hiện diện ở khắp thế giới. Nhưng tất cả những thành tựu này đang có nguy cơ tan thành mây khói bởi tuyên bố đòi chủ quyền tại các vùng biển Hoa Đông với Nhật Bản và Biển Đông với các nước ASEAN. Để lấy chỗ dựa, Trung Quốc buộc phải kích động chủ nghĩa dân tộc trong nội bộ nước mình nhưng có điều đó là con dao 2 lưỡi vì chính quyền sẽ không thể kiểm soát được ngọn lửa này. Kết quả là các nước nhỏ hơn sẽ liên kết với nhau để đối phó với Trung Quốc. Châu Á – Thái Bình Dương trở nên bất ổn sẽ tác động ngược trở lại nền kinh tế Trung Quốc, gây ra những khó khăn mới đồng thời trong con mắt cộng đồng quốc tế, Trung Quốc trở thành kẻ hiếu chiến, xấu xa và sẽ bị cô lập dần dần.
4. Những thảm họa môi trường đang chực chờ
Đã đến lúc Trung Quốc phải trả giá đắt cho việc chỉ chú tâm phát triển kinh tế mà bỏ qua yếu tố môi trường. Trong những năm gần đây, các nguồn nước có thể uống được đã giảm đi nhanh chóng, hạn hán tại các vùng Tây Bắc trở thành vấn nạn thường xuyên hơn do lượng mưa ngày một giảm trong khi nhiệt độ lại cứ tăng đều đều. Tại các thành phố lớn của Trung Quốc, tình trạng ô nhiễm không khí đã ở mức báo động cực kỳ nguy hiểm đồng thời tình trạng mất an toàn thực phẩm cũng tiếp diễn với chiều hướng ngày một xấu hơn.


Để giải quyết vấn nạn môi trường, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ còn một cách duy nhất: Hy sinh tăng trưởng kinh tế để đầu tư vào cải tạo môi trường. Nhưng cũng chính từ đây, các bất ổn xã hội sẽ được dịp bùng phát mạnh hơn nữa.
5. Không có ý tưởng mới
Có lẽ một trong những mối lo ngại lớn nhất của ông Tập Cận Bình và 6 thành viên khác trong Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc là họ không có một ý tưởng thực sự “hay ho” nào để thúc đẩy cải cách. Thực tế, những cá nhân có ý tưởng và tài năng để cải cách ở Trung Quốc không thiếu nhưng có điều ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc sẽ không thể mạo hiểm hy sinh những chức vụ quan trọng hàng đầu để trao nó vào tay những cá nhân này.  Trong lúc này, ông Tập lại phải đối mặt với sức ép từ giới thượng lưu, nhà giàu đòi hỏi chính phủ phải có những biện pháp để bảo đảm quyền lợi cho họ còn những tầng lớp còn lại thì giận dữ với nạn tham nhũng và tình trạng mức sống suy giảm nghiêm trọng. Đến một lúc nào đó, những sức ép này lớn dần và buộc ban lãnh đạo cấp cao quốc gia phải vội vã tiến hành cải tổ. Kịch bản này có vẻ như khá giống với những gì ông Mikhail Gorbachev đã làm ở Liên Xô 25 năm trước.
Dưới thời của mình, ông Hồ Cẩm Đào đã cố tình giảm nhẹ vai trò của kinh tế tư nhân và chú trọng vào các doanh nghiệp nhà nước nhưng đến nay, các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng đã hết thời. Dưới thời của mình, liệu ông Tập sẽ làm gì để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế đồng thời xoa dịu sự bất mãn của người dân trong bối cảnh các chính quyền địa phương lãnh đạo ngày càng yếu kém?
Câu hỏi đặt ra là: Đâu là tầm nhìn cho Trung Quốc trong vòng 10 hay 25 năm tới?
Các chuyên gia tại Halifax kết luận: Dù đây mới chỉ là những dấu hiệu nhưng diễn biến của nó trong khoảng 10 năm tới vẫn còn khá phức tạp và điều quan trọng là hiện nay, khi các nền kinh tế đã giao thoa với nhau khá sâu sắc, chắc chắn Mỹ và phương Tây cũng sẽ không thể yên ổn nếu Trung Quốc sụp đổ và nhiệm vụ của họ là phải theo dõi rất kỹ những tín hiệu này đồng thời có bước chuẩn bị “thoát thân” cho chính mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét