Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước:Ngộp trong “núi” nợ!

Khoản nợ rất lớn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đặt ra hàng loạt câu hỏi nghiêm túc về trách nhiệm giải trình, quy chế công khai minh bạch, trách nhiệm quản lý vốn của chủ sở hữu, quy chế bổ nhiệm...

Báo cáo số 336/BC-CP của Chính phủ ngày 16-11-2012 trình Quốc hội về tình hình làm ăn của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) Nhà nước cho thấy tình trạng tài chính không mấy khả quan, đang “ôm” một “núi” nợ phải trả rất lớn.
Báo cáo cho biết: “Năm 2011, tổng số nợ phải trả của TĐ, TCT là 1.292.400 tỉ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. Xét từng TĐ, TCT, có 30 TĐ, TCT tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, trong đó có 8 TĐ, TCT trên 10 lần.
Cơ cấu nợ phải trả của các TĐ như sau:
Điều có thể dễ dàng nhận thấy là tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu quá cao, có 8 TĐ, TCT có hệ số trên 10 lần. Trong khi đó, tình trạng lỗ của các TĐ, TCT rất đáng lo ngại. Báo cáo cho biết: “Lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất của 13 TĐ, TCT đến ngày 31-12-2011 là 48.988 tỉ đồng, trong đó lớn nhất là TĐ Điện lực Việt Nam số lỗ lũy kế là 38.104 tỉ đồng (lỗ do sản xuất kinh doanh điện 11.437 tỉ đồng; lỗ do chênh lệch tỉ giá 26.667 tỉ đồng); TCT Hàng hải Việt Nam 5.738 tỉ đồng; TĐ Xăng dầu Việt Nam 2.390 tỉ đồng; TCT Xăng dầu Quân đội 566 tỉ đồng; TĐ Sông Đà 625 tỉ đồng; TCT Dâu tằm tơ 321 tỉ đồng; TCT Cà phê Việt Nam 209 tỉ đồng; TCT Trường Sơn 66 tỉ đồng; TCT Xây dựng đường thủy 871 tỉ đồng; TCT Xây dựng Công trình Giao thông 1: 35 tỉ đồng; TCT Chè Việt Nam 27 tỉ đồng; TCT Xây dựng Công trình Giao thông 6: 27 tỉ đồng; TCT Văn hóa Sài Gòn 3,4 tỉ đồng...”.

Cơ cấu nợ trong nợ phải trả (Số liệu báo cáo hợp nhất của tập đoàn, tổng công ty năm 2011)
Tình hình nợ cao và lỗ lũy kế như vậy rõ ràng là không bình thường, khả năng hoàn trả vốn và lãi hoàn toàn không khả quan. Trong một công ty hoạt động theo cơ chế thị trường, chắc chắn các chủ sở hữu sẽ không thể chấp nhận tình trạng tài chính nguy kịch như vậy và đòi hỏi phải có thay đổi.
Thứ nhất, ai đã phê duyệt cho các TĐ, TCT vay số vốn khổng lồ đó từ các ngân hàng của Nhà nước, đã bảo lãnh cho các TĐ vay nước ngoài trong khi tình trạng nợ nần và lỗ lũy kế cao như vậy? Lý trí và hiểu biết bình thường của kinh tế thị trường không thể chấp nhận các khoản tín dụng như thế vì khả năng sinh lời và hoàn trả quá thấp. Động cơ nào đã thúc đẩy các phi vụ tín dụng bất bình thường này?
Thứ hai, vay rồi thì đầu tư vào đâu và hiệu quả thế nào? Báo cáo cho thấy đã có không ít vốn được đầu tư ra ngoài ngành, vào những lĩnh vực có rủi ro cao. “Tính đến ngày 31-12-2011, các công ty mẹ đã đầu tư vào các lĩnh vực: Chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản là 23.744 tỉ đồng, tăng 3.056 tỉ đồng (15%) so với năm 2010” - trích báo cáo. Báo cáo không cho biết hiệu quả đầu tư của các TĐ ra sao nhưng từ các nghiên cứu khác chúng ta biết hiệu quả đầu tư rất thấp, các TĐ thường cần gấp hai, ba lần tiền vốn đầu tư để tạo ra một sản phẩm đầu ra so với kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Như vậy, trách nhiệm chủ sở hữu Nhà nước về hiệu quả sử dụng đồng vốn đó đến đâu? Có ai chịu trách nhiệm về những đầu tư của Vinashin và Vinalines hay không? Người dân đặt câu hỏi không có “Vina-cho” thì làm gì có được “Vina-xin” và “Vina-chia” là ai, ở đâu vậy...! Lợi ích nhóm là những ai và ở đâu?
Rõ ràng là “núi” nợ của các TĐ, TCT Nhà nước đang đặt ra những vấn đề rất nghiêm túc về trách nhiệm giải trình, quy chế công khai minh bạch, trách nhiệm quản lý vốn của chủ sở hữu, quy chế bổ nhiệm cán bộ của TĐ và TCT. Trên thế giới, lãnh đạo TĐ, TCT được bổ nhiệm có thời hạn theo hợp đồng trách nhiệm, trong đó người được bổ nhiệm cam kết phải đạt được những kết quả gì của TĐ, TCT.
Chẳng hạn, sau khi ông Phạm Thanh Bình bị bắt giam thì ông Trần Quang Vũ được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Vinashin, 3 tuần sau ông Trần Quang Vũ... cũng bị bắt. Chắc chắn, đây không phải là ưu điểm trong chính sách cán bộ lãnh đạo các TĐ và cần phải rút kinh nghiệm nghiêm túc.
Những khoản nợ lớn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là đáng báo động. Rất mong Quốc hội sớm có nghị quyết cần thiết để cải cách thể chế quản lý về tập đoàn, tổng công ty để không thể trường diễn mãi tấn bi hài kịch quá đắt giá này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét