Vào thứ Ba
23/6/2015, Đài truyền hình Việt Nam phóng lên internet một bộ phim năm tập với
tựa đề “Biển đảo Việt Nam – Nguồn cội tự bao đời”. Đây là lần đầu tiên bốn chữ
‘Trung Qu ốc xâm
lược’ mới xuất hiện một cách chính thức thay chữ ‘nước lạ’ trên truyền thông
Đảng CSVN với nhiều dữ liệu lịch sử quí giá khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là
của Việt Nam.
Có người buột miệng
chửi thề: “#%@*!:-+… Sao bây giờ mới dám nói !? Sao chưa trả tự do cho những
người từng viết HS.TS.VN đi !? Sao chưa chính thức kiện Trung C ộng ra toà án quốc tế
v.v… ”
Tôi muốn nhắc đến
những hàng chữ mờ mờ “HS.TS.VN” trên bờ tường ngày xưa bằng câu nói của nhà văn
Tolkien: “Ngay cả những người nhỏ bé nhất cũng có thể thay
đổi thế giới.”
Tolkien đã xác tín
niềm tin và giúp chàng sinh viên 25 tuổi khoa sinh vật học, Srdja Popovic, cùng
các bạn của anh – những sinh viên trẻ, các nhà hoạt động dân chủ huyền thoại
của phong trào Otpor – đánh sập được chế độ độc tài hung bạo của lãnh tụ
Slobodan Milosevic.
Tôi nghĩ đến Srdja
Popovic và Otpor khi xem bộ phim của đài truyền hình Việt Nam, và khi blogger
Người Buôn Gió nhắc về phong trào kẻ chữ HS.TS.VN năm 2010. Trước đó
khoảng mười năm tại Serbia, đêm đêm trên khắp các hang cùng ngõ hẻm, các sinh
viên của phong trào trẻ này đã miệt mài thả tờ rơi và vẽ những khẩu hiệu đơn
giản nhắm vào nhà độc tài Milosevic như “hắn đã hết thời” hoặc “Otpor – vì tôi
yêu Serbia”. Và cũng như các bạn trẻ Việt Nam khi kẻ dòng chữ HS.TS.VN,
các sinh viên của Otpor đã bị bắt. Tuy nhiên, họ cũng hỏi ngược lại lực lượng
cảnh sát rằng tại sao lại bắt họ vì dòng chữ đó, ai cũng có quyền yêu tổ quốc
Serbia mà!
Điều lý thú là để
chống lại lực lượng quân đội và xe tăng của chính quyền, vũ khí đấu tranh của
Otpor chỉ đơn thuần là các buổi chơi nhạc rock, là internet, email và các khẩu
hiệu phun sơn. Và để thu hút được đám đông, họ cho dẫn đầu các cuộc tuần hành
ôn hoà là những sinh viên tươi trẻ, xinh đẹp, tràn đầy sinh lực ở tuổi đôi
mươi. Trí tuệ của tuổi trẻ là nguồn lực không bao giờ cạn; các phương pháp đấu
tranh của Otpor luôn luôn đổi mới và đa dạng. Họ tiến hành và tuân thủ tuyệt
đối kỷ luật đấu tranh bất bạo động. Tuy nhiên, Otpor vẫn bị chính quyền độc tài
Milosevic tô vẽ như một tổ chức khủng bố, tội ác và bạo loạn.
Điều đáng nói hơn cả
là thái độ của những thành viên của phong trào. Dường như họ luôn luôn sẵn sàng
để bị bắt cầm tù. Người ta có cảm tưởng Otpor đã khiến những nhà hoạt động này
cảm thấy tự hào khi bị bắt. Và điều này đã khiến nhiều người cho rằng bí quyết
thành công của Otpor là Sẵn Sàng
Đối Mặt với Cường Quyền và Chiến Thắng nó.
Nếu như ngày hôm nay
chúng ta nhìn thấy thái độ vững vàng, sẵn sàng đối đầu của các nhà hoạt động
trẻ qua một số phong trào – dù vẫn còn thưa thớt trên đường phố – như Vì Một Hà
Nội Xanh hay Tôi Không Thích ĐCSVN, We Are One… hãy nhớ và biết ơn những người
trước đó đã âm thầm, đêm đêm miệt mài đi kẻ chữ HS.TS.VN trong những
con hẻm tối tăm.
Vào khoảng đầu năm
2010, người ta bắt đầu thấy xuất hiện những tờ rơi kêu gọi bảo vệ hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa. Để đối phó lại với sự truy bức gắt gao của lãnh đạo CS,
người dân Việt Nam tìm cách biểu lộ nhanh hơn, kín đáo hơn. Những chữ viết
tắt HS.TS.VN ban đầu chỉ xuất hiện ở những nơi hoang vắng ít người
qua lại: trên một bờ tường, bên một vệ đường, nơi góc cột đèn vắng vẻ…
Dần dần HS.TS.VN xuất
hiện ở khắp nơi, công khai nơi cổng trường học, bên góc phố, trên bến xe, nơi
tấp nập đông người qua lại. Thoạt đầu ở Bình Dương, rồi Củ Chi, Hà Nội, Hải
Phòng, Đồng Hới, Quảng Bình, Thanh Hoá, Nam Định, Phan Thiết , Ban Mê Thuộc,
Sài Gòn v.v…
HS.TS.VN thay
ngàn lời, nói lên cái quyết tâm của mọi người dân Việt Nam đối với đất nước.
Mặc dù lúc ấy nó đến từ đôi tay run rẩy vì sợ, từ trái tim đập hụt nhịp, từ
giòng lệ nóng của người cựu bộ đội, từ đôi mắt dáo dác của những sinh viên trẻ,
nhưng sau đó nó đã lan toả rất nhanh.
Tôi còn nhớ cảnh
công an vây bắt một số bà con dân oan ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng chỉ vì
họ mặc những chiếc áo phông màu xanh mang dòng chữ HS.TS.VN. Tôi còn nhớ
cả cái cảm xúc khi nghe một chị dân oan cãi lại công an bằng giọng nói miền Nam
chân chất của chị: “Tại sao lại bắt tôi cởi áo, tôi thấy áo này có hàng chữ
“dziết tắc” là Học sinh Tiến sĩ Dziệt Nam thì tôi mặc, tôi thấy đẹp thì tôi
mặc…” Lúc ấy người ta còn chưa dám công khai nói lên cái quyền bảo vệ Hoàng Sa,
Trường Sa của mình. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, hình ảnh những chữ
viết tắt HS.TS.VN đã tràn lan trên mạng. Người ta không những viết mà
còn chụp hình gởi đi khắp nơi, kèm
theo nó là tâm trạng sợ hãi, lo lắng, hồi hộp của những người thực hiện.
Hãy nghe tâm sự của
một bạn trẻ:
…Trên quốc lộ 22,
hướng đi Củ Chi, là con đường mà chúng tôi chọn. Hồi hộp lắm khi
ngắm nhìn lại các kết quả mà cả nhóm đã dán. Sau khi trải qua những giây
phút hồi hộp và lo lắng, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được góp một
phần sức lực nhỏ bé của mình. Thực sự đây sẽ là những kỷ niệm rất
khó quên đối với từng người trong nhóm chúng tôi…
Của bác Mão tại quận
Thanh Xuân người đã dám viết những chữ HS.TS.VN đầu tiên tại thủ đô
Hà Nội:
“Có ai biết để có Hà
Nội bây giờ, bao nhiêu đời ông cố ông kỵ chúng ta đã đổ biết bao xương máu ra
mới bảo vệ được cái nước này, cái thủ đô này suốt một nghìn năm qua? Thế mà bây
giờ, giặc vào chiếm đảo, chiếm đất, chiếm biển, chiếm rừng thì ta lại chẳng dám
đụng đến cả cái tên của chúng nữa. Chỉ rón rén gọi là ‘nước lạ, tàu lạ.’ Thế
thì ta có đáng đứng trên cái đất thủ đô này không.”
Của các sinh viên ở
Quảng Ninh trong ngày quốc khánh:
…Rạng sáng 2-9,
chúng tôi đã bắt đầu hành trình đưa 6 chữ “HS.TS.VN” thiêng liêng đến mọi con
đường, ngõ xóm của tỉnh Quảng Ninh – quê hương vàng đen của Tổ Quốc. Hy vọng
mọi người sẽ nhận ra rằng: Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, dù khó khăn hay ngặt
nghèo đến mấy, những đứa con của đất mẹ Việt Nam vẫn sẽ can đảm đứng lên, khẳng
định, bảo vệ Hoàng Sa & Trường Sa mãi mãi là khúc ruột của Việt Nam. Trong
buổi sáng trọng đại này, khi nhà nhà phấp phới cờ hoa chào mừng ngày Quốc
khánh, còn gì ý nghĩa hơn khi phố phường tràn ngập những dòng chữ đỏ khẳng định
“Hoàng Sa & Trường Sa là của Việt Nam”.
Và của một người vô
danh như hàng ngàn những con người bình thường vô danh khác ở khắp các nẻo
đường đất nước: “…Tôi tuy vẫn sợ,
nhưng vẫn muốn tiếp tục làm. Tôi xin gởi Ban Biên tập mấy tấm hình chụp hành
động yêu nước lén lút của tôi trong hơn 2 tuần qua. Viết tới đây, tôi muốn
khóc. Yêu nước mà lại lén lút sao trời? Nhưng đành vậy chứ sao, vì tôi biết nếu
mình có bị gì, thì sẽ không ai giúp được. Thôi đành nuốt hận yêu nước lén lút
vậy.”
Và rồi những hành
động công khai cần thiết: từ vụ phát mũ áo mang dòng chữ HS.TS.VN giữa
ban ngày ở đền Ngọc Sơn ngay giữa thủ đô Hà Nội hay vụ căng biểu ngữ, đọc lời
kêu gọi cảnh giác với Bắc Triều ngay trong ngày đại lễ ngàn năm Thăng Long. Một
số người trẻ hải ngoại đã vượt thắng nỗi sợ cá nhân để cùng góp mặt, tiếp sức
với bạn trẻ quốc nội trong nỗ lực đánh thức lòng yêu nước của quần chúng. Đây
là một bước chuyển, đột phá từ hành động viết chữ lén lút ở những nơi xa xôi
vào ban đêm sang hành động công khai giữa ban ngày ngay tại trung tâm Hà Nội.
Đã có rất nhiều
những nỗ lực như thế để HS.TS.VN trở thành những biểu ngữ lớn được
viết nguyên chữ – Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam – dẫn đầu các cuộc biểu
tình liên tiếp vào tháng sáu năm 2011. Và đã có nhiều người chấp nhận hy sinh:
Bà Đặng Ngọc Minh và con gái Nguyễn Đặng Minh Mẫn là một trường hợp điển hình,
họ cùng bị bắt giam bởi điều 79 Bộ Luật Hình Sự, bởi những hoạt động như đã
viết hàng chữ HS.TS.VN rồi chụp ảnh phát tán trên mạng; blogger
Nguyễn Ngọc Già, người đầu tiên đã viết bài ủng hộ cho phong trào này cũng đã
bị bắt, hiện giờ không ai biết anh bị giam giữ nơi đâu?
Điều làm người ta
không quên Nguyễn Ngọc Già là tấm lòng anh giải bày trong một bài viết: “Trong đau thương, đọa đày người ta cần nhiều lắm
sự nương tựa lẫn nhau, phải không các bạn? Chúng ta đang nương tựa vào nhau để
mỗi người góp một tay làm một chút gì đó, dù nhỏ cũng được, những mong cho Quê
hương này, Dân tộc này mãi trường tồn.”
Để chống lại chế độ
độc tài Slobodan Milosevic, phong trào Otpor khởi đầu đi chỉ có 10 sinh viên
tham gia. Nhưng chỉ trong vòng 9 tháng của năm 2000 đã có đến hơn 2400 các nhà
hoạt động Otpor đã bị bắt và hàng trăm thành viên khác sẵn sàng chịu bị bắt. Để
chuyển đổi một đất nước tụt hậu, tang thương, tham nhũng, đói nghèo, bất công,
lệ thuộc trở thành một đất nước của chính mình đầy sinh lực và hứa hẹn mỗi
người dân Việt Nam đều phải góp mặt. “Đảng
CSVN đã hết thời” lãnh đạo CS không thể nào giải quyết được các
vấn nạn xã hội và bảo vệ được đất nước; chỉ người dân Việt Nam mới làm được
điều đó. Hãy liên kết, hãy tham gia bất cứ tổ chức nào, hãy trở thành một thành
viên của các tổ chức xã hội dân sự; và hãy đeo biểu ngữ này trước ngực, trong
tim, sẵn sàng đối đầu với tập đoàn lãnh đạo nhu nhược và chiến thắng họ.
Srdjan Milivojevic,
một lãnh đạo khác của Otpor tâm sự rằng: “Cái đáng sợ nhất cho chính quyền là
chúng tôi đã dùng biện pháp phi bạo lực trong cuộc đấu tranh của mình”. Với
phương pháp đã trở thành “hàng hiệu” trên thế giới này Otpor đã hướng dẫn và đã
khiến cho người dân Serbia nhận biết ra một điều – chính bản thân họ có thể
thay đổi chế độ.
Ngày xưa, với phương
pháp Đấu Tranh Bất Bạo Động Gandhi đã lật đổ được chế độ thực dân Anh trong
vòng 30 năm; Serbia mất đến 10 năm; Tunisia chỉ mất một tháng rưỡi, và Ai Cập
mất 19 ngày. Việt Nam phải mất bao lâu còn tuỳ vào quyết tâm của mỗi chúng ta.
Hãy nhớ đến Nguyễn
Ngọc Già và là nơi nương tựa cho anh, cho Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Tạ Phong Tần,
Trần Huỳnh Duy Thức…và cho chính tâm hồn mình. Vào cuộc đấu tranh không súng
đạn này, những người lính của phong trào đấu tranh bất bạo động hôm nay là
những người vô cùng dũng cảm và tôi cũng tin như nhà văn Tolkien, tác giả của
tác phẩm nổi tiếng “Lord of the Ring” – ngay cả những người nhỏ bé nhất cũng có
thể thay đổi thế giới.
HS.TS.VN đã
giúp người ta vượt thắng được sự sợ hãi triền miên, đã tạo nhiều cảm xúc và
hạnh phúc cho biết bao nhiêu người, nó còn là sợi dây nối kết bền chặt nhất của
dân tộc. Có thể nói dòng chữHS.TS.VN đã là chiếc đinh đầu tiên, chắc chắn
nó cũng sẽ là chiếc đinh cuối cùng trên cỗ quan tài của một chế độ tàn ác và
nhu nhược trên mảnh đất đầy huyền sử này./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét