Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Di chúc Hồ Chí Minh: những nghi vấn đặt ra từ văn bản

Nguyễn Thị Từ Huy
Trước hết, xin quý độc giả lưu ý rằng tôi không đánh giá về Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử. Đánh giá về các nhân vật lịch, về đóng góp và sai lầm của họ, là công việc của các sử gia chân chính.
Ở đây, tôi chỉ làm một việc duy nhất: khảo sát các văn bản di chúc của Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó chỉ ra một số điều mà văn bản cho phép nhìn thấy. Đúng hơn là các văn bản của Hồ Chí Minh cho phép đặt ra một số nghi vấn mà tôi không có câu trả lời. Tôi cũng không có tham vọng trả lời, tôi chỉ làm công việc đặt ra các câu hỏi.

Trong bài này, để tiến hành khảo sát các bản di chúc, tôi sử dụng các bản gốc đánh máy năm 1965 và bản gốc viết tay các năm 1968 - 1969, của Hồ Chí Minh, được công bố trong cuốn « Toàn văn di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh », NXB Trẻ, 1999.
Bản di chúc đầu tiên được đánh máy và ký ngày 15/5/1965, với sự chứng kiến của Lê Duẩn, lúc bấy giờ là Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương, có chữ ký của Lê Duẩn trong văn bản đánh máy.
Bản di chúc thứ hai, được viết tay, bằng mực xanh, vào dịp sinh nhật thứ 78, tức là vào tháng 5 năm 1968, với rất nhiều sửa chữa, gạch xóa bằng mực đỏ, không có chữ ký, không có người chứng kiến.
Bản thứ ba, đề ngày 10/5/1969, chỉ có một trang viết tay, với nội dung là phần mở đầu của di chúc.
Như vậy, có thể thấy, Hồ Chí Minh viết hoặc sửa di chúc vào mỗi dịp sinh nhật. Điều này cũng có thể hiểu được: chính là vào dịp sinh nhật mà người ta nghĩ đến quỹ thời gian còn lại của mình, nhất là đối với những người cao tuổi. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị cho cái chết của mình một cách đầy ý thức, từ nhiều năm trước khi chết.
Bản gốc di chúc thứ nhất và thứ hai đều có ghi quốc hiệu: « Việt Nam dân chủ cộng hòa/ Độc lập, Tự do, Hạnh phúc ». Và đều có ghi chú ở ngay dòng đầu tiên: « Tuyệt đối bí mật ». Đồng thời việc viết và sửa chữa di chúc nhiều lần, việc sửa chữa, thêm bớt từng chữ một, cho thấy rằng, đối với Hồ Chí Minh, di chúc là một văn bản hết sức quan trọng, hết sức có ý nghĩa đối với ông.
Tôi xin xác định rõ: ở đây tôi không đi vào phân tích toàn bộ các văn bản di chúc, không phân tích tư tưởng của Hồ Chí Minh, không đánh giá đúng sai. Có thể tôi sẽ làm việc đó vào một lúc khác nhưng không phải lúc này.
Nhận xét sơ bộ đầu tiên của tôi có thể tóm gọn trong mấy câu hỏi sau đây:
1. Vì sao từ bản di chúc thứ hai ông chọn hình thức viết tay, chứ không đánh máy nữa? Liệu ta có thể nghĩ đến một trong những câu trả lời khả dĩ: « để không ai có thể sửa đổi hay đánh tráo được »? Ta biết rằng đối với một văn bản đánh máy, trừ trang có chữ ký ra, bất kỳ trang nào cũng có thể bị thay thế mà… không để lại dấu vết gì. Dù sao đấy cũng chỉ là một phỏng đoán. Nhưng nếu quả thật Hồ Chí Minh đã có linh cảm và lo ngại rằng di chúc của ông sẽ bị sửa chữa sau khi ông chết thì linh cảm và lo ngại ấy quả là chính xác, vì đó chính là điều mà Bộ Chính trị đã làm.
2. Bản di chúc thứ hai, 1968, không có chữ ký, và không có người chứng kiến. Văn bản được công bố với rất nhiều sửa chữa cho phép phỏng đoán rằng đó có thể là một bản nháp. Câu hỏi là: từ sinh nhật 1968 đến sinh nhật 1969 ông Hồ Chí Minh hoàn toàn có thời gian để chép lại văn bản ngắn ấy thành một văn bản hoàn chỉnh, có chữ ký của ông đàng hoàng, như ông đã làm với văn bản thứ nhất, nhưng tại sao ông không làm điều đó? Tại sao ông mất 5 năm để viết một di chúc, thay đổi, sửa chữa rất nhiều, chứng tỏ nó rất quan trọng đối với ông, mà rốt cuộc ông chỉ để lại một văn bản dang dở và gạch xóa sửa chữa nhằng nhịt như vậy? Liệu có phải ông Hồ đã viết lại sạch sẽ và ký cẩn thận, nhưng văn bản chính thức có chữ ký đó không còn nữa?
3. Văn bản năm 1969 chỉ có một trang viết tay, nội dung cho thấy đó là lời mở đầu di chúc, lặp lại một số nội dung đã từng viết ở phần mở đầu của những di chúc trước. Tuy nhiên trông nó như là bản nháp, vì đầu trang không đề quốc hiệu, cũng không có dòng chữ «Tuyệt đối bí mật », như hai bản trước. Chẳng lẽ Hồ Chí Minh chỉ viết phần mở đầu mà không viết phần nội dung chính? Điều này thật đáng ngạc nhiên. Bởi Hồ Chí Minh hiểu rõ tầm quan trọng của di chúc, hiểu rõ rằng di chúc của ông chính là một văn bản lịch sử. Câu hỏi đặt ra là: Liệu có phải văn bản năm 1969 chỉ có chừng đó không? Liệu có phải Hồ Chí Minh đã viết một bản di chúc thứ ba rất hoàn chỉnh, vào sinh nhật năm 79 tuổi, nhưng chỉ còn lại một trang nháp, và phần chính của nó đã bị thất lạc, hoặc bị hủy bỏ, hoặc không được công bố?
Tại sao có những câu hỏi này?
Lý do như sau: nếu so giữa bản di chúc thứ nhất và bản thứ hai sẽ thấy có những thay đổi rất quan trọng về nội dung. Điều đó cho phép giả định rằng Hồ Chí Minh có thể có những thay đổi còn căn bản và quan trọng hơn nữa trong bản thứ ba. Đồng thời ta cũng biết rằng, bản di chúc được Bộ Chính trị gọi là của Hồ Chí Minh và được Bộ Chính trị công bố sau khi ông chết đã bị sửa đổi so với bản gốc, và bị khôi phục lại những gì mà chính Hồ Chí Minh đã bỏ đi ở trong bản thứ hai. Ngoài ra ngày chết của ông cũng bị Bộ Chính trị tự ý thay đổi, và di nguyện quan trọng của ông về việc chôn cất đã bị Bộ Chính trị phản bội: di nguyện về việc hỏa táng và đem tro chia ra ba miền. Bản « di chúc Hồ Chí Minh » do Bộ Chính trị công bố năm 1969 là một văn bản bị cắt dán, ghép một số đoạn của cả ba văn bản di chúc gốc, đồng thời bị bỏ đi những phần quan trọng nhất liên quan đến việc chôn cất, đến việc miễn thuế cho dân, đến việc chỉnh đốn đảng và những việc cần làm đối với « con người ». Trên thực tế Hồ Chí Minh đã bị phản bội ngay khi vừa nhắm mắt.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra là:
Liệu có thể xảy ra trường hợp: trong bản di chúc viết năm 1969 Hồ Chí Minh đã có những thay đổi khiến cho người ta không muốn lưu giữ văn bản ấy? Liệu có phải bản di chúc cuối cùng, bản di chúc chính thức của Hồ Chí Minh (viết năm 1969, với chữ ký của ông, và là bản mà ông muốn đưa ra trước toàn dân) đã bị biến mất, đã bị hủy bỏ, hoặc đã bị cất giấu, không được công bố?
4. Bản đánh máy đầu tiên với đầy đủ tất cả những nghi thức cần thiết cho thấy rằng ông Hồ Chí Minh hiểu rõ thế nào là một bản di chúc. Vậy tại sao những bản di chúc về sau (được nhà nước công bố) lại ở trong tình trạng của bản nháp, gạch xóa, tẩy sửa, thiếu những nghi thức cần thiết đó?
Và câu hỏi là: bản di chúc nào là bản mà ông Hồ muốn đưa ra trước toàn dân?
Dĩ nhiên, đó không phải là bản viết năm 1965, bởi nó đã bị thay thế bằng các văn bản khác. Từ những gì đã công bố, ít nhất ta biết rằng ông Hồ đã viết lại hoàn toàn di chúc vào sinh nhật năm 1968. Và trong bản gốc viết tay, ông nói rõ lý do, mặc dù sau khi cân nhắc ông gạch bỏ câu này: « Tháng 5/1968, khi tôi xem lại thư này thì tình hình trong nước cũng như tình hình thế giới có rất nhiều thay đổi ». Những thay đổi đó đã khiến cho cách nhìn nhận của ông thay đổi, và ông cảm thấy cần phải viết lại hoàn toàn. Cách đánh số trang của bản viết tay năm 1968 cho thấy rằng đó là một bản hoàn chỉnh, có logic riêng, có cấu trúc riêng, độc lập với văn bản năm 1965. Đó là một văn bản mới hoàn toàn. Việc quốc hiệu được ông Hồ ghi đầu trang cũng là một dấu hiệu xác nhận đó là một văn bản mới. Vậy có nghĩa là văn bản năm 1965 đã bị thay thế bởi văn bản năm 1968. Và phải xem bản viết năm 1965 là không còn hiệu lực?
Và điều quan trọng, xin nhắc lại: Hồ Chí Minh muốn công bố trước toàn dân bản di chúc nào?
Chúng ta thấy rõ rằng ông viết di chúc cho toàn thể nhân dân. Bản viết năm 1968 cho thấy nhân dân là đối tượng chính mà ông nghĩ đến. Và việc chôn cất ông, theo như ông dặn lại trong di chúc, là việc của đồng bào ba miền, chứ không phải là việc của Bộ Chính trị.
Thật đáng ngạc nhiên nếu ông muốn công bố cho toàn dân mấy văn bản gạch xóa, thêm bớt nhằng nhịt đó. Tiến hành viết di chúc trong vòng 5 năm hẳn ông phải có một bản hoàn chỉnh, rõ ràng, sạch sẽ, với chữ ký và người chứng kiến, một văn bản có giá trị pháp lý, như là văn bản đầu tiên? Tại sao không có một văn bản như vậy? Lẽ nào trước khi mất ông không dặn lại là phải công bố bản di chúc nào? Phải chăng ông Hồ đã để lại một bản hoàn chỉnh, đảm bảo các thủ tục pháp lý, nhưng bản đó đã không được công bố?
Những câu hỏi trên đây tôi không trả lời được. Tôi đã đọc rất kỹ cuốn « Bác Hồ viết di chúc » do NXB Sự Thật in năm 1989, được gọi là Hồi ký của Vũ Kỳ, do Thế Kỷ ghi, tuy nhiên tôi không tìm thấy câu trả lời khả dĩ nào cho các nghi vấn trên đây.
Hy vọng giới sử học chân chính một ngày nào đó sẽ làm sáng tỏ.
Trên thực tế chúng ta không biết bản nào là bản di chúc chính thức, chúng ta không biết Hồ Chí Minh muốn công bố bản nào. Hiện tại thì bản cuối cùng tương đối đầy đủ mà chúng ta có là bản thứ hai, bản được viết năm 1968. Và tôi đành phải làm việc trên những gì còn lại và được công bố.
Xin quý độc giả, và nhất là các bạn thanh niên và sinh viên đang bị nhồi nhét và bị tẩy não bởi phong trào « Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh », hãy đọc kỹ các văn bản gốc của Hồ Chí Minh ở phần phụ lục dưới đây. Các bạn hãy đọc kỹ những gì đã bị ông ấy bỏ đi trong bản di chúc thứ hai, và hãy tự phân tích xem vì sao ông ấy không muốn giữ chúng lại, vì sao ông ấy xóa bỏ đi, và vì sao chúng lại được Bộ Chính trị khôi phục trong bản « di chúc» mà họ công bố năm 1969 sau khi ông ấy chết.
Có thể các bạn sẽ cảm nhận được sự dối trá đang đè nặng lên cuộc sống của các bạn như thế nào khi các bạn đối chiếu với những gì mà các bạn đang được rao giảng, qua tài liệu của Ban Tuyên giáo soạn cho các bạn. Có thế các bạn sẽ đặt câu hỏi về việc tại sao Đảng, Nhà nước lại chi tiêu tốn kém như vậy cho cái màn kịch khổng lồ đem diễn trên toàn quốc (nhất là trong các trường học) từ nhiều năm nay về việc « học tập » này.
Có thể các bạn sẽ xác định được vì sao những người cố tình phản bội Hồ Chí Minh lại bắt các bạn phải « học tập » ông ấy. Và có thể các bạn sẽ thấy rằng những thứ họ đang nhồi nhét các bạn lại chính là những thứ mà bản thân Hồ Chí Minh đã từ bỏ, trước khi chết.
Paris, 23/4/2015
Nguyễn Thị Từ Huy

Phụ lục I

VIỆT NAM ZÂN CHỦ CÔNG HOÀ
Độc lập, Tự zo, Hạnh fúc
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Tuyệt đối bí mật Nhân zịp mừng 75 tuổi
Người làm thơ rất nổi tiếng, ở Trung - quốc đời nhà Đường là cụ Đỗ - Fủ có câu thơ rằng “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Ngĩa là: Người thọ 70, xưa nay hiếm.
Nǎm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe. Tuy vậy, tôi cũng đã là lớp người “xưa nay hiếm”.
Ai đoán biết tôi sẽ sống và fục vụ Tổ quốc, fục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa?
Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Fòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê - nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột.
Trước hết nói về ĐẢNG - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một zạ fục vụ zai cấp, fục vụ nhân zân, fục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân zân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của zân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ fải zữ zìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như zữ zìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành zân chủ rộng rãi, thường xuyên và ngiêm chỉnh tự fê bình và fê bình là cách tốt nhất để củng cố và fát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Fải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ fải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Fải zữ zìn Đảng ta thật trong sạch, fải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân zân.
Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hằng hái xung fong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo záo zục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây zựng chủ ngĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".
Bồi zưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
Nhân zân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng zan khổ, bị chế độ phong kiến và thực zân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh.
Tuy vậy, nhân zân ta rất anh hùng, zũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân zân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.
Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để fát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân zân.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể fải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta fải quyết tâm đánh zặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây zựng hơn mười ngày nay!
Zù khó khǎn zan khổ đến mấy, nhân zân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định fải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh zự lớn là một nước nhỏ mà đã anh zũng đánh thắng 2 đế quốc to - là Fáp và Mỹ; và đã góp fần xứng đáng vào fong trào zải fóng zân tộc.
Về fong trào cộng sản thế giới - là một người suốt đời fục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của fong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay zữa các đảng anh em!
Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp fần đắc lực vào việc khôi fục lại khối đoàn kết zữa các đảng anh em trên nền tảng chủ ngĩa Mác - Lênin và chủ ngĩa quốc tế vô sản, có lý có tình.
Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ fải đoàn kết lại.
- - -
Về việc riêng Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng fí ngày zờ và tiền bạc của nhân zân.
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” zần zần sẽ được fổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao zờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.
Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì như hình có nhiều đồi tốt. Trên mộ, nên xây 1 cái nhà zản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ ngỉ ngơi.
Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào fải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho fong cảnh và lợi cho nông nghiệp.
Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam.
Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn zân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.
Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.
Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn zân ta đoàn kết fấn đấu, xây zựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, zân chủ và zàu mạnh, và góp fần xứng đáng vào sự ngiệp cách mạng thế zới.
Hà nội, ngày 15 tháng 5 nǎm 1965
Hồ Chí Minh
Chứng kiến
Bí thư thứ nhất
Ban chấp hành trung ương
Lê Duẩn

Phụ lục II

VIỆT NAM ZÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập, Tự zo, Hạnh fúc
(Tuyệt đối bí mật)
Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp những người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Người ta đến khi tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp. Đó là điều bình thường.
Nhưng không ai đoán biết được tôi sẽ sống và fục vụ Tổ quốc, fục vụ cách mạng mấy tháng, mấy năm nữa?
Vì vậy tôi viết sẵn và để lại mấy lời này, fòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột.
Về việc riêng
Suốt đời tôi hết lòng hết sức fục vụ Tổ quốc, fục vụ cách mạng, fục vụ nhân dân. Nay zù phải từ biệt thế zới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được fục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu fúng linh đình, để khỏi lãng fí thì giờ và tiền bạc của nhân zân.
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được fổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.
Tro thì chia làm 3 fần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.
Đồng bào mỗi miền nên chọn l quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà zản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ ngỉ ngơi.
Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho fong cảnh và lợi cho nông nghiệpViệc săn sóc nên zao fó cho các cụ fụ lão.
Tháng 5 - 1968, khi xem lại thư này tôi thấy cần fải viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết.
Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân zân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn zân ta fải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương ngiêm trọng zo đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược zã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, fức tạp và khó khăn. Chúng ta fải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc cần fải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng,làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng zao fó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân zân. Làm được như vậy, thì zù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi.
Đầu tiên là công việc đối với con người.
Đối với những người đã zũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, zân quân, du kích, thanh niên xung fong.., ), Đảng, Chính fủ và đồng bào fải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời fải mở những lớp zạy ngề thích hợp với mỗi người để họ có thể zần zần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ, mỗi địa fương (thành fố, làng xã) cần xây zựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh zũng của các liệt sĩ, để đời đời záo zục tinh thần yêu nước cho nhân zân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa fương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác nông ngiệp) fải zúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân zân và thanh niên xung fong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra zũng cảm. Đảng và Chính fủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các ngề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật zỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây zựng thăng lợi chủ ngĩa xã hội ở nước ta.
Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp fần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính fủ cần fải có kế hoạch thiết thực để bồi zưỡng, cất nhắc và zúp đỡ để ngày thêm nhiều fụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân fụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.
Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v. v.. thì Nhà nước fải zùng vừa záo zục, vừa fải zùng fáp luật để cải tạo họ, zúp họ trở nên những người lao động lương thiện.
Trong bao năm kháng chiến chống Fáp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông zân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính fủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn zan khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề ngị miễn thuế nông ngiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông ngiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát zạ, mát lòng, thêm niềm fấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.
Ở đây nói về kế hoạch xây zựng lại thành fố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi fục và mở rộng các ngành kinh tế. Fát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ záo zục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân zân, như fát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động. Củng cố quốc fòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc...
Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và fức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để zành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn zân, tổ chức và záo zục toàn zân, zựa vào lực lượng vĩ đại của toàn zân.

Phụ lục III:

10 - 5 - 1969
Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân zân ta zù phải kinh qua zan khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó là một điều chắc chắn.
Tói có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ, và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ fụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.
Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân zân ta thăm và cảm ơn các nước anh em trong fe xã hội chủ ngĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và zúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân zân ta.
Ông Đỗ Fủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc, đời nhà Đường, có câu rằng “nhân sinh thất thập cổ lai hy” ngĩa là “người thọ 70, xưa nay hiếm”.
Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoại 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ.
Nhưng ai mà đoán biết tôi còn fục vụ cách mạng, fục vụ Tổ quốc, fục vụ nhân zân được bao lâu nữa?
Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, fòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét