Việc Trung Quốc xây trái phép một hòn đảo nhân tạo tại bãi đá Gạc Ma (thuộc chủ quyền của Việt Nam), đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh của Việt Nam, Đài Loan và quân đội Mỹ tại châu Á
Theo tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review của Cananda, Trung Quốc đang tiến hành xây dựng một hòn đảo nhân tạo tại bãi đá Gạc Ma, một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), với chiều dài 5.000 m và rộng 400 m.
Kanwa nhấn mạnh hành động xây một hòn đảo nhân tạo tại Gạc Ma sẽ không chỉ giúp Trung Quốc củng cố các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông mà còn hỗ trợ đắc lực cho Bắc Kinh giám sát mọi động thái của lực lượng Hải quân Mỹ làm nhiệm vụ trong khu vực. Theo đó, quân đội Trung Quốc sẽ biến hòn đảo nhân tạo này thành một trạm radar hoặc trung tâm nghe lén cũng như căn cứ hoạt động cho Hải quân nước này.
Hòn đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên bãi đá Gạc Ma thuộc chủ quyền Việt Nam. |
Tạp chí Canada cho biết, Trung Quốc hiện đang xây một đường băng dài 2.000 m trên bãi đá Gạc Ma nhằm hỗ trợ cho các chiến đấu cơ tối tân của Không quân nước này như Su-30, J-11 và J-10 triển khai ra Biển Đông.
Ngoài ra, hòn đảo nhân tạo trên bãi đá Gạc Ma còn giúp Bắc Kinh tổ chức các cuộc không kích trên eo biển Malacca, đe dọa tới an ninh của Việt Nam và các quốc gia tuyên bố chủ quyền tại khu vực này. Do bãi đá Gạc Ma cũng chỉ cách Ba Bình, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa, khoảng 72 km, Đài Loan cũng sẽ không thoát khỏi tầm ngắm tấn công của Trung Quốc.
Kanwa cho biết kể từ hồi tháng Hai năm nay, Trung Quốc đã liên tục cử các đội xây dựng tới nhiều bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, khu vực mà cả Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei cùng tuyên bố chủ quyền.
Một số nguồn tin cho hay 6 bãi đá gồm Gạc Ma, Gaven, Châu Viên, Chữ Thập, Tư Nghĩa và Én Đất đã được Trung Quốc chuyển đổi thành các hòn đảo nhỏ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tạp chí Kanwa Information Center (Trung tâm Thông tin Kanwa), được xuất bản lần đầu tiên tại Toronto vào năm 1993. Tạp chí này có ấn phẩm tiếng Trung "Kanwa Defense Review" và ấn phẩm tiếng Anh "Kanwa Asian Defence".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét