10.07.2014
Hai tàu chiến Trung Quốc hôm 9/7 đã chạy với tốc độ thật nhanh về hướng các tàu Việt Nam quanh giàn khoan 981, theo Cục Kiểm Ngư Việt Nam.
Báo chí Việt Nam hôm nay nói rằng trong hai ngày 8 tháng 7 và 9 tháng 7, 2 tàu chiến Trung Quốc, pháo hạm số hiệu 787 và tàu tên lửa số 756, di chuyển liên tục và áp sát tàu cảnh sát biển Việt Nam số 4003, và gây áp lực để đẩy đội hình của tàu Việt Nam ra xa giàn khoan 981.
Cục Kiểm Ngư chiều 9 tháng 7 cho biết Trung Quốc đã đưa thêm tàu hải cảnh và tàu vận tải ra khu vực các tàu cá Việt Nam để ngăn cản các tàu đang cố tìm cách bám biển và tiếp tục hành nghề tại ngư trường truyền thống này.
Tin tức cho biết quanh giàn khoan Hải Dương 981 hiện nay, Trung Quốc vẫn duy trì từ 103 tới 110 tàu, trong đó có khoảng 40 tàu hải cảnh và 2 tàu vận tải, trong khi tàu kiểm ngư Việt Nam vẫn tiếp tục bám trụ để bảo đảm an toàn cho tàu cá và ngư dân Việt Nam.
Mặt khác, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay công bố những tài liệu mà Hà nội đã gửi cho Liên Hiệp Quốc hôm 8 tháng 7, tuyên bố lập trường chính thức của Việt Nam về chủ quyền tại Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, và về hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Toàn văn của tuyên bố lập trường chính thức của Việt Nam đã được đăng trên trang mạng Vietnamnet và Báo Đầu Tư hôm nay, phản bác các tài liệu mà Trung Quốc đã gửi cho Liên Hiệp Quốc, và khẳng định rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển này là 'không có cơ sở pháp lý và lịch sử'.
Tài liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam trưng dẫn các hội nghị quốc tế sau hai trận đại thế chiến, đề cập tới vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, chưa hề giao quần đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc.
Tuyên bố Cairo năm 1943, sau Thế chiến thứ Nhất, có sự tham gia của Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Tưởng Giới Thạch không đề cập tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi trao trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc tất cả các vùng lãnh thổ từng bị Nhật Bản chiếm đóng từ Thế Chiến thứ Nhất.
Việt Nam lập luận rằng vì Trung Quốc vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa và sử dụng vũ lực nên không thể thiết lập chủ quyền đối với Hoàng Sa, viện dẫn một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là 'xâm lược không thể sinh ra chủ quyền' đối với một lãnh thổ.
Hà nội khẳng định không có nước nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa, và Việt Nam cũng chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo này.
Về công hàm Phạm văn Đồng năm 1958, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng Trung Quốc đã xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lạc tinh thần của văn thư này, nói rằng tài liệu này chỉ liên quan tới các vùng biển, không giải quyết các vấn đề lãnh thổ, và không hề nhắc tới chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong khi đó, các cộng đồng người Việt ở nước ngoài tiếp tục biểu tình chống Trung Quốc về những hành động đòi chủ quyền hung hăng trên Biển Đông gần đây. Mới đây nhất là người Việt ở Angola, và ở New Zealand.
Tin của Thanh Niên nói rằng cộng đồng người Việt ở Angola đã quyên góp 58,000 đôla trong cuộc biểu tình mới đây để phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong các vùng biển Việt Nam. Số tiền này sẽ được gửi cho các lực lượng tuần duyên và kiểm ngư Việt Nam đang gìn giữ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông.
Tại New Zealand hôm 7 tháng 7, một nhóm người Việt Nam cũng tụ tập ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Wellington, và tuần hành ngang tòa nhà Quốc hội để đòi Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam ngay lập tức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét