Bà Đoàn Thị Lý (vợ ông Toàn) kể lại sự việc với phóng viên.
Dân Việt - Trong khi công an cho gia đình biết nạn nhân bị chết do sốc thuốc (sốc ma túy) thì gia đình bức xúc cho rằng cái chết này có nhiều khuất tất, yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, làm sáng tỏ.
Nạn nhân trong trong vụ việc này tên là Trần Đình Toàn (54 tuổi; trú tại phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định).
Theo người nhà ông Toàn kể lại, thì vào trưa 11.6, sau khi ăn cơm, nghỉ ngơi xong, ông Toàn có nhận được điện thoại bảo ra ngoài chở khách. Theo người nhà ông Toàn, trước khi rời khỏi nhà, sức khỏe của ông Toàn vẫn bình thường.
“Đến hồi 13h15 cùng ngày, có 1 cán bộ CA cùng ông tổ trưởng dân phố đến hỏi lý lịch và nghề nghiệp của gia đình em trai tôi, từ vợ con đến các anh chị em ruột, mà không hỏi han gì đến em trai tôi” - ông Trần Đăng Ninh (anh trai ông Toàn) viết trong đơn đề nghị gửi các cơ quan CA đề nghị làm rõ vụ việc.
Đơn kể tiếp: Đến 16h30 cùng ngày, một cán bộ CA đến gia đình thông báo ông Toàn chết do sốc thuốc và báo gia đình xuống nhận xác.
“Gia đình chúng tôi và họ hàng, làng xóm rất bất ngờ và sửng sốt khi nghe tin này, vì thực tế em tôi chưa từng nghiện. Vào lúc 17h, chúng tôi xuống nhà xác bệnh viện tỉnh nhưng công an không cho gia đình vào gặp em tôi. Đến tận 19 giờ mới cho gia đình vào nhận xác.
Khi thay quần áo cho em tôi, gia đình phát hiện vết bầm tím trên ngực. Gia đình có thắc mắc thì các anh công an có trả lời: “Nếu gia đình có ý kiến gì thì sẽ khám nghiệm tử thi”.
Vết thâm trên ngực ông Toàn. Ảnh do người nhà chụp lại sau khi nhận xác ông Toàn.
Nhưng lúc đó em trai giáp tôi là ông Trần Đình Khang cùng vợ ông Toàn là bà Lý quá bối rối nên không quyết định được việc mổ tử thi và đưa em trai tôi về. Nhưng lúc này công an có bảo bà Lý ghi theo lời đọc của các anh công an là em tôi bị mắc các bệnh về tim, gan và các bệnh mãn tính khác và bảo em dâu tôi ký vào” - đơn đề nghị kể tiếp sự việc. Ông Trần Đình Khang (anh trai ông Toàn) thì kể lại: Bên phía CA cho biết: vào khoảng hơn 12 giờ ngày 11.6, CA phường Hạ Long thấy ông Toàn chở một người đi trên xe, nghi ngờ ông Toàn có ma túy trong người, nhưng kiểm tra không phát hiện ra. “Sau đó, CA có đưa em tôi về đồn. Họ bảo lúc này em tôi có biểu hiện mệt mỏi, ho khạc nên đã gọi taxi đưa em tôi vào bệnh viện” - ông Khang kể.
Chết vì nguyên nhân gì?
Gia đình và họ hàng ông Toàn không tin rằng ông Toàn chết do sốc thuốc (sốc ma túy). Gia đình ông Toàn cho biết, tuy ông Toàn đã phải bị giam 2 năm vì tàng trữ chất ma túy, nhưng ông Toàn không phải là người nghiện ma túy.
Đám ma ông Trần Đình Toàn diễn ra trong chiều 12.6.
Khi đưa xác ông Toàn về vào tối 11.6, cả gia đình, họ hàng ông Toàn rất bất bình đã lên CA phường Hạ Long để chất vấn tại sao ông Toàn chết.
“Đồn CA phường Hạ Long và anh Toán (phó CA thành phố Nam Định) có trả lời cho gia đình biết là ông Toàn bị bắt lúc 12h30 ngày 11.6. Trong lúc hỏi cung thì ông Toàn lên cơn khó thở và đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu và đến 15 giờ cùng ngày thì ông Toàn tử vong”- ông Trần Đăng Ninh cho biết. Một người nhà của nạn nhân bức xúc: “CA nói là ông Toàn chết do sốc thuốc, nhưng trong khi họ kiểm tra ông Toàn thì ông đi xe máy, nếu sốc thuốc thì làm sao điều khiển được xe máy. Chẳng nhẽ ông Toàn sốc thuốc ngay trong trụ sở Công an phường, trước mặt các anh CA được hay sao?”.
Như vậy, chưa biết cụ thể nguyên nhân cái chết của ông Toàn là do sao, nhưng có rất nhiều câu hỏi trong vụ việc này:
- Tại sao CA không thông báo ngay cho gia đình ông Toàn tình trạng của ông Toàn, mà chỉ cử cán bộ CA xuống hỏi han thông tin về gia đình ông Toàn?
- Tại sao lại ngăn cản, không cho gia đình ông Toàn vào ngay trong nhà xác để nhận mặt ông Toàn?
- Tại sao CA nói đưa nạn nhân vào cấp cứu, nhưng khi người nhà nạn nhân vào bệnh viện hỏi thì bệnh viện cho biết là không có ai như vậy vào cấp cứu?...
Tất cả những điều trên khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ cái chết của ông Toàn có sự khuất tất, mờ ám? Để làm rõ thông tin về vụ việc, chiều 12.6, nhóm phóng viên đã tìm đến trụ sở CA phường Hạ Long. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Đô- trưởng CA phường- đã từ chối làm việc với các phóng viên với lý do phải có ý kiến cho phép làm việc của CA thành phố.
Một phóng viên trong nhóm đã gọi điện để liên hệ công việc tới ông Trần Phú Hà - Trưởng CA thành phố Nam Định - nhưng ông Hà không bắt máy.
Phóng viên này đã nhắn tin nêu nội dung vụ việc đề nghị CA thành phố làm việc để cung cấp thông tin, nhưng sau đó cũng không nhận được phản hồi của ông Hà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét