Anh Lê Trọng Nhân được đưa đi cấp cứu sau khi đã cắt cổ tự sát để phản đối việc bị cán bộ trại cai nghiện thường xuyên đánh đập, ngược đãi - Ảnh: Hoàng Vân (Thanh Niên Online)
CTV Danlambao - Hôm 5/4/2014, một thanh niên 28 tuổi tên Lê Trọng Nhân đã dùng dao lam cắt cổ tự vẫn sau một thời gian bị cưỡng bức đưa vào trại cai nghiện có tên gọi “Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội” - một đơn vị thuộc Sở lao động – thương binh – xã hội tỉnh Sóc Trăng.
Theo báo Thanh Niên Online, nguyên nhân khiến anh Lê Trọng Nhân phải tự sát vì thường xuyên bị các cán bộ trại cai nghiện “ngược đãi, đánh đập, xin thuốc uống không cho và xin về gia đình để chữa bệnh liên quan đến chấn thương sọ não cũng không được chấp nhận.”
Anh Nhân cho biết, do bị di chứng của chấn thương sọ não nên nhiều ngày qua bệnh cũ tái phát hành hạ đau đớn, anh thường xuyên bị đau đầu, căng thẳng thần kinh. Sáng ngày 5/4, anh đến phòng phó giám đốc trại cai nghiện để xin thuốc uống nhưng không được đáp ứng. Do quá bất bình, anh Nhân đã tự dùng dao lam cắt cổ tự sát để phản đối hành vi ngược đãi của các cán bộ trại cai nghiện.
Ngay sau đó, anh Nhân được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng. Rất may vết cắt không gây đứt động mạnh nên bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, không gây nguy hiểm đến tính mạng. Đến ngày 6/4, nạn nhân đã hồi tỉnh và có thể nói chuyện.
Ngược đãi trong trại cai nghiện
Anh Nhân kể lại, trước đó, vào ngày 12/2/2014, anh bị nhiều cán bộ tại trại cai nghiện đánh đập, bắn đạn cao su vào ngực. Sau đó, anh tiếp tục bị cán bộ đạp vào ngực, đánh vào đầu bằng gậy.
Từ đó đến nay, anh Nhân thường xuyên bị nhức đầu, khi xin trại cai nghiện cung cấp thuốc giảm đâu thì lúc được cho, lúc không.
Trong khi đó, một cán bộ trại cai nghiện nói với báo Thanh Niên rằng: nguyên nhân dẫn đến anh Nhân tự tử là do không kiềm chế được bản thân, anh Nhân đang đói “thuốc”
Cũng theo báo Thanh Niên, vợ anh Nhân là chị Dương Bích Ngân cho biết chồng chị bị cán bộ địa phương cưỡng bức đưa vào trại cai nghiện ma túy khoảng gần 1 năm.
Trước đó, hôm 12/2/2014, gia đình nhận được tin anh Nhân bị cán bộ trại đánh đập, bắn đạn cao su vào ngực gây thương tích. Khi gia đình đến trại để thăm gặp thì bị từ chối, cán bộ trại ra điều kiện gia đình không được khiếu nại mới cho gặp.
Khi gặp được chồng, chị Ngân thấy chồng mặt bầm tím, ngực trái bị vết đạn bắn sưng to nên chị đã chụp hình làm bằng chứng. Sau đó, cán bộ trại cai nghiện đã đến tận nhà gia đình để năn nỉ và xin bỏ qua.
Do bệnh cũ tái phát, cộng thêm việc anh Nhân thường xuyên bị cán bộ ngược đãi và đánh đập trong trại, gia đình đã làm đơn bảo lãnh anh Nhân được về nhà chữa bệnh nhưng không được đáp ứng.
Nạn nhân Lê Trọng Nhân đang được điều trị tại bệnh viện sau khi cắt cổ tự sát để phản đối việc bị cán bộ trại cai nghiện thường xuyên đánh đập, ngược đãi. ( Ảnh: Huyền Trinh - Thanh Niên Online)
Cưỡng bức lao động
Các trại cai nghiện ở Việt Nam thường được gọi là “Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội”, là những đơn vị trực thuộc nhà nước, do các cán bộ nhà nước trực tiếp điều hành và quản lý.
Trên thực tế, các trại cai nghiện được lập ra với mục đích chính là cưỡng bức và bóc lột sức lao động đối với những người sử dụng ma túy. Cán bộ trại cai nghiện thường là những người không có chuyên môn, người nghiện không được điều trị cai nghiện đúng cách, thường xuyên bị tra tấn và bạo hành thân thể.
Ước tính có hàng chục ngàn người, gồm trẻ em và người già đang bị giam giữ trong các trại cai nghiện tại Việt Nam. Đây được xem là nguồn lao động khổng lồ và rẻ mạt của chính phủ cộng sản Việt Nam.
Hồi năm 2011, Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (HRW) đã công bố bản báo có có tên “Quần đảo Cai nghiện: Lao động cưỡng bức và các hình thức lạm dụng khác trong các trung tâm cai nghiện ma túy ở miền nam Việt Nam”, ghi lại lời kể của các nhân chứng mô tả những người bị cưỡng bức lao động trong các trại cai nghiện không khác gì nô lệ.
Ông Joe Amon, giám đốc ban Y tế và Nhân quyền của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Hàng chục ngàn người, nam có, nữ có, cả trẻ em nữa, đang bị giam giữ trái ý muốn trong các trung tâm cưỡng bức lao động do nhà nước quản lý ở Việt Nam. Đó không phải là điều trị cai nghiện; cần đóng cửa các trung tâm và trả tự do cho những người đó.”
“Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi chính phủ Việt Nam đóng cửa vĩnh viễn các trung tâm này và tiến hành ngay một cuộc điều tra độc lập, kỹ lưỡng về các hành vi tra tấn, ngược đãi, giam giữ tùy tiện và các hình thức lạm dụng khác trong các trung tâm cai nghiện của nước này”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét