Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Các nhà hoạt động VN tới Mỹ vận động cho tự do báo chí

Blogger Nguyễn Đình Hà (mặc áo trắng, thứ 2 từ bên phải) trong lần đi vận động cho điều luật 258 trước đây Ảnh: Mạng lưới blogger Việt Nam.
Blogger Nguyễn Đình Hà (mặc áo trắng, thứ 2 từ bên phải) trong lần đi vận động cho điều luật 258 trước đây Ảnh: Mạng lưới blogger Việt Nam.
CỠ CHỮ 
Các nhà hoạt động VN tới Mỹ vận động cho tự do báo chí

Một nhóm các nhà hoạt động mạng bao gồm ký giả và blogger từ Việt Nam tới Hoa Kỳ vận động cho tự do báo chí trong nước nhân Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới 3/5.

Đáp lời mời của một số dân biểu và các tổ chức cổ súy cho tự do thông tin tại Hoa Kỳ, chiều tối nay 18/4 blogger Nguyễn Đình Hà, Hồ Nhật Đăng, và nghệ sĩ ưu tú-diễn viên điện ảnh Kim Chi sẽ có mặt tại thủ đô Washington DC để tham gia một loạt các sự kiện đánh động sự quan tâm của quốc tế và kêu gọi thúc đẩy cải thiện tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

Nghệ sĩ Kim Chi từng góp mặt trong nhiều phim lớn của điện ảnh Việt Nam. Đầu năm ngoái, bà gây chú ý công luận khi đăng bài công khai từ chối đề nghị khen thưởng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì cho rằng ông “đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân”.

Blogger Đình Hà và Nhật Đăng được biết đến qua các hoạt động vận động cho quyền tự do thông tin tại Việt Nam, trong đó có chiến dịch quốc tế vận phản đối điều luật 258 của Việt Nam do Mạng lưới Blogger Việt Nam phát động.

3 thành viên còn lại trong phái đoàn đã bị Hà Nội ngăn không cho xuất cảnh tham dự cuộc vận động này bao gồm 2 nhà hoạt động xã hội dân sự là ông Phạm Chí Dũng và ông Nguyễn Lân Thắng và phóng viên truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế, cô Huyền Trang.

Ký giả Huyền Trang bị chặn tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm 13/4. Nhà báo tự do Chí Dũng bị tịch thu hộ chiếu vào tháng 2 khi định sang Thụy Sĩ dự cuộc Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ phổ quát của Việt Nam đến nay vẫn chưa được nhà cầm quyền trả lại. Blogger Lân Thắng bị ngăn không cho xuất cảnh tại sân bay Nội Bài ngày 5/4.
  
Blogger Nguyễn Lân ThắngBlogger Nguyễn Lân Thắng

Blogger Nguyễn Lân Thắng cho biết thêm:

“Ngày 5/4, tôi có một chuyến đi nước ngoài trước chuyến đi Mỹ cơ. Khi ra sân bay, tôi mới được biết họ đưa tôi vào danh sách cấm xuất cảnh theo yêu cầu của công an thành phố Hà Nội. Việc họ ngăn chặn tôi là chuyện tôi cũng không lạ gì và tôi cũng đã lường trước. Việc ngăn chặn những tiếng nói của những người đưa ra các ý kiến phản biện độc lập diễn ra phổ biến ở Việt Nam. Tôi chỉ là một trong hàng trăm trường hợp bị ngăn xuất cảnh. Họ chặn như vậy là minh chứng rõ nhất cho việc họ ngăn cản quyền tự do ngôn luận và tự do đi lại của công dân.”

Trong chuyến vận động này, phái đoàn sẽ tham gia nhiều sinh hoạt, hội thảo, bàn về những thử thách và đề nghị góp phần tạo dựng một nền báo chí độc lập tại Việt Nam.

Ban tổ chức cho biết phái đoàn dự kiến sẽ có các cuộc gặp gỡ các dân biểu Mỹ, các viên chức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc, trao đổi với các tổ chức nhân quyền và các công ty cung cấp internet danh tiếng như Google. Ngoài ra, họ cũng sẽ tham dự khóa huấn luyện về truyền thông và an ninh trên mạng.

Blogger Thắng nói chuyến đi vận động cho quyền tự do báo chí lần này là cơ hội tốt để các ngòi bút độc lập tại Việt Nam giao lưu với giới ký giả quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm thực tế ở Việt Nam trong việc truyền tải thông tin cho cộng đồng thông qua mạng truyền thông xã hội.

Blogger Thắng tiếp lời:

“Cuộc vận động quốc tế có sự tham gia của các tổ chức nhân quyền và các công ty cung cấp dịch vụ internet và dịch vụ mạng xã hội là một điều rất tốt cho tiến trình phát triển công cuộc đấu tranh cho tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam. Có sự giao lưu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm và đòi hỏi của giới blogger đối với các tổ chức nhân quyền, các công ty cung cấp dịch vụ internet thì lúc đó sẽ có nhiều sự thay đổi về phương pháp hoạt động và thúc đẩy mạnh hơn các phong trào ở Việt Nam.”

Các sinh hoạt chính của chuyến đi bao gồm một buổi điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 29/4 với sự chủ tọa của các thành viên chủ chốt trong Nhóm Hoạt động tại Quốc hội Mỹ về các vấn đề Việt Nam (Vietnam Caucus) như dân biểu Loretta Sanchez và Zoe Lofgren.

Tại buổi hội thảo về tự do báo chí sau đó vào ngày 1/5 ở đài Á Châu Tự Do, các nhà hoạt động xã hội dân sự đến từ Việt Nam sẽ chia sẻ những ghi nhận thực tế về tình hình tự do báo chí Việt Nam bên cạnh phần trình bày của đại diện các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền-tự do báo chí và đại diện đại công ty internet Google về tầm quan trọng của quyền tự do bày tỏ chính kiến và một nền báo chí độc lập.

Khách mời tham dự sự kiện này dự kiến có ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách dân chủ, nhân quyền, và lao động. 

Ngày 3/5 được Đại Hội đồng Liên hiệp quốc chọn làm “Ngày Tự do Báo chí thế giới" để nâng cao nhận thức về tự do báo chí và nhắc nhở chính phủ các nước phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Trong Ngày Tự do Báo chí Thế giới năm 2012, blogger Điếu Cày đang bị Hà Nội cầm tù được đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh vì sự đóng góp cho nền tự do báo chí tại Việt Nam bất chấp những hiểm nguy.

Tại buổi Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tháng 2 vừa qua, Hà Nội tuyên bố quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận không ngừng được bảo vệ và thăng tiến tại Việt Nam.

Sau khi tham dự sự kiện này trở về Việt Nam, một số blogger tố cáo bị cấm xuất cảnh và bị lực lượng công quyền nhắm mục tiêu sách nhiễu, hành hung.

http://www.voatiengviet.com/content/c%C3%A1c-nha-hoat-%C4%91ong-viet-nam-toi-my-van-dong-cho-tu-do-bao-chi/1896211.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét