Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Lãnh đạo Cộng sản hiện nay sợ những gì ?!!

hungdungsangtrong
Nhóm lãnh đạo cộng sản hiện nay sợ những gì? Chúng ta cần trao đổi làm cho rõ, để hướng đấu tranh được chính xác, có hiệu quả, khi nỗi sợ chuyển dần từ phía ta sang phía người ta.

Thật là lý thú khi ta thấy nỗi sợ gần đây đã “đổi ngôi”. Trước kia có thể nói người công dân nào cũng sợ cường quyền. Thời phong kiến, thời thuộc Pháp, thời đảng CS cai trị, người dân ai cũng sợ nền cai trị của họ, với phu lít, cảnh sát, quân đội, tòa án, nhà tù…hạch sách, áp bức, đầy ải dân lành không sao kể xiết.
Ngày nay tình hình đã đổi khác. Thời thế đã đổi khác. So sánh lực lượng đang đổi khác. Dân trí thời mở cửa và hội nhập đã cao hơn hẳn trước. Thông tin hiện đại nhanh hơn chớp, rút ngắn thời gian, không gian, làm cho  mọi người có thể nắm bắt sự thật tức thời, kẻ cai trị khó long tùy tiện xuyên tạc bóp méo.
Nhân dân ta từng bị 3 hệ thống cai trị phi nhân bản, ngồi trên đầu trên cổ nhân dân, của vua quan phong kiến, của quan chức thực dân rồi của quan liêu cộng sản, nay dân ta đang bàn giao dần nỗi sợ cho cả hệ thống cầm quyền . Nhân dân ta càng bớt sợ họ bao nhiêu thì nỗi sợ của họ bị mất quyền, bị hỏi tội và rồi có ngày có thể phải đền tội, càng lớn dần lên. Một sự “bàn giao“ tự nhiên, không có văn bản, nhưng rõ ràng, nhãn tiền, diễn ra thường xuyên, liên tục cho đến khi nền dân chủ chân chính lên ngôi.
Mà họ sợ là phải. Họ giật mình khi bức tường Berlin đổ sập trong một đêm, rồi khi các đảng CS Đông Âu tan biến, một loạt các nước đồng chí xã hội chủ nghĩa vào nằm trong nghĩa địa lịch sử. Họ càng sợ khi đảng CS Liên Xô bậc thầy của họ tan nát, Liên bang Xô viết “vĩ đại” tan hoang. Họ thêm sợ khi các nhà độc tài từ Iraq đến Tunisia, Ai Cập rồi Libya lăn kềnh khi quần chúng xuống đường nổi dậy hỏi tội độc đoán và tham nhũng.
Thấy người lại nghĩ đến ta. Bao nhiêu tấm gương tày liếp sờ sờ ra đó. Họ không thể ăn ngon, ngủ yên được.
Họ sợ trí thức thừa kế túi khôn đặc sắc của dân tộc, họ sợ công nhân đòi công bằng xã hội, họ sợ dân oan bị cướp ruộng đất là nguồn sống duy nhất ở nông thôn, họ sợ người theo các tôn giáo đòi tự do tín ngưỡng, họ sợ cả bốn lớp người này cùng phối hợp thành cuộc xuống đường chung như nước lũ. Cơ đồ riêng chung của họ có nguy cơ bị bão lũ quần chúng cuốn băng trong chốc lát.
Nhưng họ sợ gì hơn cả? Thật khó trả lời. Vì càng ngày họ càng sợ nhiều thứ, kể ra không sao hết. Họ sợ quần chúng đông đảo xuống đường đòi tự do, ruộng đất, nhân phẩm. Họ sợ sự thật. Nhà toán học Hoàng Xuân Phú, hiện là Chủ tịch hội Toán học Việt Nam, chỉ ra hai tử huyệt của họ hiện nay là “Điều 4” trong Hiến pháp về độc quyền lãnh đạo của đảng CS và “chế độ sở hữu toàn dân về đất đai”, một thủ đoạn xảo quyệt để cướp đất của nông dân. Họ rất sợ ý kiến người dân nhằm vào “hai gót chân Asin” này của họ.
Họ rất sợ sự thật. Vì họ sống nhờ bộ máy tuyên truyền chuyên nghề dối trá, đổi trắng thay đen, che dấu sự thật. Do đó họ sợ nền thông tin trung thực, thâm thù báo chí, mạng lưới thông tin, các blogger tự do lề trái, bỏ tù các nhà báo tự do toàn là những “sứ giả của sự thật”, bỏ tù các nhà luật học, luật sư bênh vực luật pháp và sự thật, bênh vực dân oan.
Trong vô vàn sự thật họ đặc biệt sợ tệ nạn sùng bái ông Hồ Chí Minh ngày càng bị lật tẩy, vì đây là nơi trú ẩn cuối cùng của họ về mặt chính trị và tình cảm để mê hoặc nhân dân. Họ không còn dám khoe rằng ông Hồ từng được UNESCO của LHQ suy tôn là Danh nhân Chính trị và Văn hóa của Thế giới, vì sự thật được chứng minh là không có chuyện ấy. Họ sợ vì nhiều nhà nghiên cứu cũng chứng minh rằng trong cuộc cách mạng dân tộc – dân chủ, ông Hồ đã nặng về vế cách mạng dân tộc – chống đế quốc mà hoàn toàn coi nhẹ vế cách mạng dân chủ – xây dựng xã hội dân sự, tôn trọng quyền tự do của người công dân dưới một chế độ dân chủ pháp trị đúng nghĩa. Trong 24 năm là chủ tịch nước, ông đã kiên trì đóng chặt cửa trường Luật, coi đảng của ông là pháp luật; ông dửng dưng trước số phận hơn 27 ngàn địa chủ phần lớn là trung nông yêu nước , có văn hóa, giỏi nghề nông bị bắn và chôn sống; ông cũng quay mặt đi khi các ông Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Vũ Đình Huỳnh… lâm nạn. Vô cảm, bất nhân như thế thì sao có thể là gương sáng đạo đức cho đảng, cho dân? Cho nên việc giải ảo tiếp có lý lẽ, có sức thuyết phục cao về thần tượng Hồ Chí Minh là việc rất cần làm tuy không vui vẻ gì nhưng có lợi cho đất nước, dân tộc. Việc giải ảo này đã đi được chừng một phần ba chặng đường đánh giá trung thực về ông Hồ. Cần đi tiếp.
Hiện nay có một việc làm rất cần thiết nhưng anh chị em dấn thân cho tự do dân chủ làm chưa tốt, một việc nhóm lãnh đạo đảng CS rất sợ, đó là thành lập một hay vài cơ quan thăm dò dư luận tự do, đáng tin cậy, như ở một số nước dân chủ phát triển.
Đây là một công cụ xây dựng dân chủ rất lợi hại, sắc bén.
Hiện nay ở Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam có “Trung tâm điều tra dư luận xã hội” ra đời được 30 năm, chưa có một tiếng vang nào về hoạt động của trung tâm đó, tuy chức năng và nhiệm vụ được xác định rõ ràng là: nắm bắt, phân tích, tổng hợp dư luận xã hội về những vấn đề, sự kiện quan trọng.
Lẽ ra đây phải là cơ quan “mở”, “rất mở”, được xã hội biết đến, nhưng nó nằm im, bất động ăn tiền mấy chục năm ròng. Vì xã hội đảo điên, niềm tin ở đảng CS lung lay, lãnh đạo bị xã hội khinh ghét, dân hết tin, điều tra dư luận một cách công khai chỉ tăng nguy cơ cho đảng nên đảng buộc nó nằm im như không hề tồn tại.
Chính vì lẽ ấy nên blogger Trương Duy Nhất bị truy tố và bị giam. Anh đã viết gần một nghìn bài báo nói lên sự thật. Rồi anh tự làm những cuộc thăm dò dư luận, qua đó đo mức tín nhiệm của từng người lãnh đạo ở chóp bu, kể cả tứ trụ triều đình CS, không một ai vượt quá 50 %. Kết quả này được anh công bố ngay trước cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội đang họp. Họ bị chạm nọc. Anh bị bắt khẩn cấp. Họ sợ và bịt mồm anh. Blog “Một góc nhìn khác” của anh phù hợp với quyền của công dân có cách nhìn riêng độc lập theo Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.
Anh Trương Duy Nhất sắp ra tòa. Để xem anh sẽ bị kết tội những gì và ra sao. Chỉ biết chắc chắn là họ rất sợ thước đo của dư luận. Họ căm và lo khi anh tự làm việc điều tra dư luận và tự công bố kết quả. Họ quá sợ dư luận xã hội nên vẫn một mực trì hoãn việc bàn về Luật trưng cầu dân ý được ghi trong hiến pháp.
Cho nên một việc rất nên làm lúc này là xây dựng một hay vài cơ quan điều tra dư luận tự do của xã hội dân sự với phương pháp khoa học và tinh thần trách nhiệm cao, coi như điền thế cho cái Trung tâm điều tra dư luận xã hội “tồn tại mà coi như không tồn tại “, “có cũng như không”, một đặc sản của Việt Nam thời độc đảng.
Mạng lưới Blogger Việt Nam thừa sức đảm nhận công việc này. Một nhóm bạn trẻ hiểu biết về tâm lý xã hội, về quan hệ công chúng, về thống kê có thể dựng lên một trung tâm như thế. Computer, điện thoại cầm tay khắp nơi, chỉ cần chọn một trăm hay khi cần năm trăm địa chỉ phân bố theo địa lý, nghề nghiệp, độ tuổi của công dân, rồi lựa chọn chủ đề theo từng thời gian, công bố công khai kết quả. Có rất nhiều chủ đề người công dân trong xã hội ta cần biết, đồng bào ta đang nghĩ gì, đa số muốn điều gì, không muốn điều gì.
Lúc ấy lãnh đạo đảng không thể tùy tiện và trơ tráo nói thay cho dân. Bao nhiêu đảng viên muốn từ bỏ cái tên “đảng Cộng sản” đã ô nhiễm để thay bằng một tên khác trong sạch? Bao nhiêu công dân muốn thay cái danh hiệu “xã hội chủ nghĩa” viển vông gán cho nước ta? Bao nhiêu công dân muốn từ bỏ nền “sở hữu toàn dân” về đất đai kỳ quái với những việc thu hồi, đền bù, cưỡng chế tàn bạo, để trở về với chế độ đa sở hữu vốn có từ xa xưa ? Đó là những “hàn thử biểu xã hội” bén nhậy chính xác rất cần cho xã hội văn minh.
Ở Hoa Kỳ có Viện Gallup thành lập từ năm 1935, có 40 văn phòng rải khắp các lục địa với 2 ngàn nhân viên chính thức, mỗi ngày trung bình làm 1.000 cuộc phỏng vấn để từ đó tổng hợp đưa ra kết quả. Ở Pháp nổi tiếng nhất là Viện IFOP (Institut Francais d’ Opinion Publique – Viện điều tra dư luận Pháp), thành lập năm 1938, có 4 trung tâm ở Paris, Toronto (Canada), Buenos Aires (Argentina), và Thượng Hải (Trung Quốc). Tất cả những tổ chức này đều là công ty tư nhân, không chịu áp lực nào của chính quyền hay các đảng phái, không chỉ điều tra dư luận về chính trị, còn về kinh doanh, dịch vụ, thị trường mua bán, y tế, thể thao, nghệ thuật.
Họ sợ sự thật, sợ sự minh bạch, sợ thức tỉnh của nhân dân, sợ dư luận, vậy thì Trung tâm dân sự điều tra dư luận có thể sẽ là một vũ khí hòa bình, phi bạo lực rất sắc bén, có hiệu quả cao vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét