Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Việt Nam vẫn là "kẻ thù của Internet"

Vũ Hoàng, phóng viên RFA 

2012-03-13
Trong phúc trình công bố nhân Ngày Thế giới Chống kiểm duyệt Internet 12/3, Tổ chức phóng viên không biên giới RSF có trụ sở tại Pháp, một lần nữa xếp Việt Nam vào top 12, nhóm kẻ thù của Internet.



Photo courtesy of state.gov
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Clinton nói chuyện về tự do Internet tòan cầu tại Hague, Netherlands hôm 12/8/2011.

Kiểm duyệt gắt gao

Sau 10 năm liên tục đứng trong danh sách “kẻ thù của internet” mà Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới lập ra, Việt Nam một lần nữa, bị tổ chức này lên án tiếp tục áp dụng chính sách hạn chế người dân tiếp cận thông tin internet, kiểm duyệt gắt gao, bắt giữ và giam cầm nhiều tiếng nói bất đồng, nhằm ngăn cản mọi nguy cơ gây bất ổn chế độ.

Lý do được nêu lên là Việt Nam lo sợ sức mạnh của thông tin lan truyền giống như những làn sóng nổi dậy của thế giới Ả rập mới diễn ra. 


Điểm khá mới mà báo cáo này cho thấy là Việt Nam quan tâm đến chuyện kiểm duyệt thông tin từ internet hơn là việc chặn hẳn một số website mà trong đó Facebook là điển hình. Phải chăng vì thế trong năm qua, hơn 2 triệu người sử dụng Facebook tại Việt Nam có vẻ “dễ thở” hơn và do đó, Chính phủ cũng không bị lên án mạnh mẽ vì những quyết định mạnh tay.


Thế nhưng, dưới góc độ kiểm soát nội dung tự do thông tin, Việt Nam vẫn bị chỉ trích nặng nề, bằng chứng là trong phúc trình mới công bố, RSF cho thấy việc can thiệp, tấn công và đánh sập những trang mạng lề trái “nhạy cảm” vẫn còn rất cao. Còn theo một công trình nghiên cứu có tên OpenNet Initiative của một số trường ĐH nổi tiếng thế giới đánh giá mức kiểm duyệt của Việt Nam trong lĩnh vực chính trị là sâu rộng.


Phân tích về kỹ thuật kiểm duyệt internet, một vị giáo viên dạy tin học cho chúng tôi biết:


"Theo tôi thì có rất nhiều hình thức để kiểm duyệt, nhưng về cơ bản thì có những hình thức như sau: thứ nhất là chặn các web có trong danh sách, về việc này, thì có một số phần mềm có thể lọc các danh sách mà chúng ta cần chặn.


Thứ hai là hình thức “lọc thư” cũng có những phần mềm để kiểm tra những từ ngữ “nhạy cảm” trong thư đó, và có thể đọc trước để kiểm tra, sau đó mới chuyển đến cho chủ thư.


Thứ ba là gây lỗi hệ thống. Thứ tư là chúng ta có thể tạo ra hình thức nhiều người cùng truy cập vào trang web đó, khiến nghẽn mạng, không thể truy cập được nữa."


Không chỉ dừng lại ở những kỹ thuật kiểm duyệt như vậy, chính quyền còn tổ chức theo dõi, bắt giữ và trấn áp hàng loạt những người viết blog và cư dân mạng được cho là có nội dung đi ngược lại đường hướng của Đảng và Nhà nước.


Một số trường hợp các nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền vẫn được nhắc tới nhiều là linh mục Nguyễn Văn Lý, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cày.


Trao đổi với đài chúng tôi, blogger Mẹ Nấm, một trong những blogger thường viết về những chủ đề nổi cộm của xã hội cho biết tình hình tự do internet tại Việt Nam:


"Thực sự kiểm soát thông tin trên internet không phải là một việc dễ dàng, tuy nhiên điều đáng nói là bên cạnh kiểm soát thông tin, người ta còn đưa ra những cái bẫy và hình thức xử phạt, bắt giữ những người tìm kiếm thông tin, đăng tải thông tin hoặc tự do phát biểu.


Mình thấy trung tâm BKIS Việt Nam công bố thông tin chỉ là một trong những trung tâm dạy hackers, thì chuyện này càng chứng tỏ rằng bản công bố của RSF, Việt Nam rất nhiều phương cách để kiểm soát internet không chỉ là cách chặn thông thường với các nhà quản lý dịch vụ internet mà họ còn quyền lực mềm."

internet-2-rfa-250.jpgSức mạnh của internet


Một cửa hàng dịch vụ
internet ở Hà Nội chụp hôm 12/3/2012. RFA photo 

Một thực tế không thể phủ nhận, khi những cố gắng kiểm soát và bịt kín thông tin của Chính phủ đối với internet càng gay gắt bao nhiêu thì sự đối kháng và khao khát thông tin của người dân càng trở nên mạnh mẽ bấy nhiêu.


Internet không chỉ thu hẹp khoảng cách địa lý, mà còn cung cấp thông tin một cách bình đẳng cho người dân. Khi người dân đã đủ nhận thức lên mạng internet để tìm kiếm thông tin, thì người ta cũng sẽ nhận thức được cái gì đúng, cái gì sai, nếu Việt Nam là nhà nước quang minh chính đại, thì Việt Nam không cần phải có những biện pháp kiểm soát thông tin.


Nhận xét như vậy là của blogger Nguyễn Hữu Vinh, ngoài ra lên tiếng về bản phúc trình do RSF mới phổ biến, blogger có nhiều bài viết liên quan đến vấn đề tôn giáo này, cho chúng tôi biết thêm:


"Bản thân tôi cũng là một blogger, người cũng đã viết nhiều trên internet và cũng đã rất nhiều lần gặp công an vì những bài viết của mình, trước hết nói về vấn đề internet, tôi thấy rằng Việt Nam thời gian qua, nếu không có mạng internet thì không biết điều gì sẽ xảy ra, vì internet làm thay đổi nhận thức của nhiều người, có tác động lớn lao đến đời sống xã hội, nhận thức về kinh tế cũng như tinh thần.


Khi nói Việt Nam là kẻ thù của internet thì tôi chưa rõ họ đánh giá theo tiêu chí nào. Song như mọi người có thể thấy, cách làm của Việt Nam hiện nay, nhưng có những biện pháp hạn chế tiếp cận thông tin trên internet chẳng hạn như: tường lửa ngăn chặn vào các trang web, theo dõi các bài viết, ý kiến, đó là trách nhiệm, việc làm của Nhà nước."


Cũng xin được nhắc lại, vào thời điểm này, cách đây một năm, tại Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố Việt Nam là một trong những quốc gia có chế độ độc đoán ngăn cấm các nhà dân chủ và bất đồng chính kiến trên mạng sử dụng internet.


Bà nhấn mạnh, sẽ cam kết tiếp tục hỗ trợ cho người dân ở các nước thoát khỏi sự kiểm soát và các vụ tấn công trên internet mà các chính phủ một số nước áp dụng đối với công dân của mình. Bà nhìn nhận internet vẫn còn đang bị ngăn chặn và kiểm duyệt tại khắp nơi trên thế giới:
Internet làm thay đổi nhận thức của nhiều người, có tác động lớn lao đến đời sống xã hội, nhận thức về kinh tế cũng như tinh thần.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh
“Internet vẫn bị hạn chế bằng nhiều cách. Ở Trung Quốc, chính phủ kiểm duyệt nội dung và chuyển hướng các lệnh tìm kiếm sang các trang khác. Tại Miến Điện, các trang web đối lập bị tấn công bởi lệnh từ chối dịch vụ.


Tại Cuba, chính phủ cố gắng thiết lập một mạng trong nước thay vì cho phép người dân được truy cập internet toàn cầu.
Còn tại Việt Nam, những blogger nào chỉ trích chính phủ bị bắt bớ.”


Theo bà Clinton thì trong những năm sắp tới, vấn đề tự do internet càng trở nên khó khăn hơn vì thế giới sẽ có hàng tỉ người tham gia vào mạng internet và các quyền cơ bản của họ không được chính phủ các nước tôn trọng.


Để đáp lại, phía Việt Nam cũng lên tiếng cho rằng những cáo buộc này của Hoa Kỳ là không có cơ sở và Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do thông tin, trong đó có tự do internet của người dân.
Việt Nam, một quốc gia với gần 30 triệu dân sử dụng internet và đến 90% là người trẻ dưới 35, điều này chứng tỏ nhu cầu trao đổi tin tức là hết sức lớn lao.


Thiết nghĩ, với một xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu tìm kiếm tri thức càng lớn, thì chính sức mạnh của tri thức sẽ bứt phá mọi rào cản bưng bít thông tin như một tất yếu mà không một thế lực nào có thể chặn đứng.


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-internet-enemy-vh-03132012154042.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét