Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Nghĩ về tấm bia căm thù

Tròn 14 năm trước ngày 11/9/2001, Hoa Kỳ và thế giới tự do bàng hoàng rúng động bởi vụ đánh bom tòa tháp đôi World Trade Center. Vâng, thế giới tự do của những người yêu chuộng tự do mới bàng hoàng, còn tại các nước cộng sản và độc tài thì không hẳn như vậy, nếu không muốn nói là ngược lại.
Xin miễn bàn về các nước đang nuôi dưỡng và chứa chấp bọn khủng bố. Tại Trung Quốc, tướng Lưu Á Châu kể lại: "Nước ta (tức Trung Quốc) có một đoàn đại biểu, lúc đó đang ở thăm nước Mỹ, lúc xem tòa nhà thương mại thế giới bị máy bay bọn khủng bố đâm vào, những người trong đoàn tham quan liền không kìm được cảm xúc, đứng dậy vỗ tay hoan hô." (!)
"Tôi ở Bộ tư lệnh Không quân đóng tại quân khu Bắc Kinh, vào những ngày đó có bộ đội tới thăm, tôi đều hỏi họ có cái nhìn như thế nào về vụ 11 tháng 9? Họ đều có một câu đáp án như nhau “Khủng bố đánh rất tốt”. Sau đó tôi nói “chuyện này rất bi thảm. Nếu như những người này yêu Trung Quốc, thì còn ai có thể cứu được Trung Quốc?"
Còn ở Việt Nam, khi sự kiện 11/9 vừa được các hãng thông tấn lớn loan tải, lúc đó muốn vào mạng xem tin tức chỉ có cách ra những quán cafe internet để theo dõi. Tại một diễn đàn online lớn nhất Việt Nam khi ấy là diễn đàn ttvnol (Trí Tuệ Việt Nam Online) mà thành viên đa số là những trí thức, sinh viên sống ở Hà Nội. Khi nhìn qua màn hình computer thấy cảnh tòa nhà World Trade Center bị đổ sụm do chiếc phi cơ đâm vào nhiều sinh viên đã rú lên vì sung sướng, thế rồi họ truyền tin cho nhau với thái độ đắc chí. Họ đua nhau bình phẩm và chờ đợi sự "giãy chết" của Hoa Kỳ. Lạ một điều, những sinh viên ấy hầu hết lớn lên khi chiến tranh đã chấm dứt. Hàng ngày họ vẫn uống Coke, vẫn chuộng những chiếc quần Jeans hiệu Levi's và săn lùng những hàng hóa "made in USA" từ chiếc computer cho đến đôi giày thể thao.
camthu.jpg
Một trong những tấm bia căm thù. RFA photo
Vậy tại sao họ có thái độ khó hiểu như vậy? Thực ra, nếu sống trong lòng một đất nước cộng sản thì cũng không thấy điều đó có gì khó hiểu. Những sinh viên này đều đã trải qua nhiều năm tháng học một thứ giáo dục nhồi sọ. Ở đó, trong sách giáo khoa lẫn trên bục giảng, từ một trẻ nhỏ chập chững bước vào trường tiểu học cho đến một tân khoa cử nhân đều phải học những bài học lịch sử được viết lại cho thuận ý nhà cầm quyền. Những bài học lịch sử bịa đặt, thêm thắt và tràn ngập những căm thù. Nước Mỹ là kẻ thù mà họ huênh hoang là đã "chiến thắng vinh quang", Hồ Chí Minh còn chơi chữ: "Mỹ nhưng mà xấu", những bài toán cộng của học sinh tiểu học đã là những bài toán cộng của những xác lính Mỹ chết.
Giới trẻ Việt Nam chuộng hàng hóa Mỹ nhưng thâm tâm vẫn cứ nghĩ "của bọn tư bản xấu xa bóc lột". Cũng không khó kiếm những tượng đài to lớn kỷ niệm cái gọi là "chiến thắng 30/4" cũng như thật dễ nhìn thấy những tấm "bia căm thù". Tại Sài Gòn, ngay trên đoạn vỉa hè phía trước tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ là một tấm "bia căm thù" như thế và khói hương, hoa đèn vẫn được cung kính tưởng niệm tại tấm bia này. Chính vì thế, những người trẻ lớn lên, mũi chưa từng ngửi thấy mùi thuốc súng, mắt chưa từng thấy những tử thi không nguyên vẹn trông những bộ quân phục... Họ vẫn âm ỉ sâu kín trong lòng mối căm thù.
Tôi không biết các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ nghĩ gì khi nhìn thấy tấm "bia căm thù" án ngữ cơ quan ngoại giao của họ, họ nghĩ gì khi vào những dịp lễ lạt, từng đoàn người mang hoa nến, nhang đèn đến công khai bày tỏ lòng căm thù đối với đất nước Hoa Kỳ của họ. Có lẽ họ sẽ cảnh giác với một dân tộc luôn nuôi dưỡng ý chí căm thù, nhưng cũng có lẽ họ sẽ tặc lưỡi bỏ qua. Tôi nhớ, nhà thơ Phan Nhiên Hạo đã viết lại cảm nghĩ khi đứng trước cảnh đỗ vỡ hoang tàn của tòa nhà World Trade Center, ông viết: "Tôi tìm mãi không thấy một tấm "bia căm thù" nào được dựng lên để lên án bọn khủng bố. Thay vào đó, tôi thấy một trái tim màu xanh thật lớn được vẽ trên tường của tòa cao ốc sát bên".
Hoa Kỳ đã trải qua nhiều cuộc chiến, số người chết vì chiến tranh luôn được tưởng niệm và vinh danh nhưng với các địch thủ. họ không hề được dạy là phải căm thù. Có lẽ chính vì thế mà Hoa Kỳ cứ lớn mạnh. Một dân tộc lớn bởi vì không nuôi dưỡng những thù hằn nhỏ. Mới đây, tôi có hỏi một trí thức người Việt sống lâu năm tại Nhật Bản là dân Nhật có căm thù nước Mỹ vì đã thả hai trái bom nguyên tử làm hàng trăm ngàn người Nhật chết hay không, ví dụ về dịp kỷ niệm 70 năm tại Hiroshima vừa qua. Câu trả lời là nước Nhật vẫn tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân chết vì bom nguyên tử nhưng không hề căm thù Hoa Kỳ.  Nhật Bản đã vươn lên từ đống tro tàn phát xít để trở thành cường quốc thế giới, phải chăng vì họ biết quên đi thù hận mà chỉ dồn nỗ lực vào việc tái thiết quốc gia?
Hoa Kỳ cũng sẽ tưởng niệm biến cố 911, vì biến cố ấy đã làm thay đổi đất nước họ. Các gia đình có người thiệt mạng trong sự kiện bi thảm ấy chắc sẽ chẳng bao giờ quên. Nhưng ngay chính nơi tòa tháp World Trade Center đã mọc lên một tòa tháp mới, lộng lẫy, tráng lệ hơn. Trong tòa tháp ấy có lẽ cũng chẳng dành một chỗ nào cho tấm bia căm thù, dù nhỏ nhoi.

1 nhận xét: