Trang

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Phản bác việc Viện KSND tỉnh Đồng Nai truy tố Đỗ Nam Trung và hai người bạn theo Điều 258 – Phần 1

Người Buôn Gió | 16.1.2015
Ngày 10.2.2015, Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ đưa vụ án Lê Thi Phương Anh, Đỗ Nam Trung, Phạm Minh Vũ ra xét xử theo cáo trạng số 139/CT-VKS-P2 của Viện Kiểm sát ND tỉnh Đồng Nai về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân” quy định tại Điều 258 BLHS.
Quyết định truy tố này được dựa trên bản Kết Luận Điều Tra của cơ quan an ninh tỉnh Đồng Nai. Bản Kết Luận Điều Tra có nhan đề:
- Vụ án Đỗ Nam Trung cùng đồng bọn ''lợi dụng các quyền tự do...xâm phạm lợi ích...'' xảy ra tại TP. Biên Hoà tỉnh Đồng Nai ngày 15/5/2014.
Bản cáo trạng cũng như bản KLĐT tra mô tả sự việc rằng vào ngày 12 ở Bình Dương có cuộc biểu tình của các công nhân chống Trung Quốc. Đỗ Nam Trung đã ''chia sẻ tin này trên Facebook'' sau đó Trung, Vũ, Phương Anh cùng đi vào các tỉnh đang có những vụ gây rối để nắm thông tin biểu tình, gây rối của công nhân để đưa lên mạng cung cấp cho các đối tượng lưu vong xuyên tạc, kích động cho biểu tình, gây rối lan rộng.
Trước tiên tất cả chúng ta đều thấy sự việc biểu tình của các công nhân ở Bình Dương là có thật. Và nếu như chia sẻ một điều có thật xảy ra hiển nhiên thì không thể nào kết tội. Trừ khi đó là bí mật quốc gia, lúc đó sẽ sang tội danh khác là ''tiết lộ bí mật quốc gia ''. Còn ở đây, việc biểu tình tại Bình Dương hồi tháng 5 năm 2014 được nhiều báo chí của nhà cầm quyền loan tải. Cho nên căn cứ rằng việc chia sẻ tin về vụ biểu tình này là phạm pháp là vô căn cứ, cố ý hại người có mục đích. 
Trừ khi nhà cầm quyền Việt Nam muốn bưng bít tin tức biểu tình ở Bình Dương và đưa nó vào danh mục là tin tức bí mật quốc gia, hoặc việc biểu tình đó không xảy ra thì mới có thể, nên nhớ mới chỉ là “có thể”, bởi muốn đưa tin tức ấy vào mục tin tức bí mật quốc gia lại cần đến những quy định khác.
Thứ hai bàn đến nội dung của tin chia sẻ. Bản KLĐT nói rằng Đỗ Nam Trung có lời kêu gọi, kích động biểu tình trên Facebook như sau:
Tại KCN Mỹ Phước 3, Bình Dương hiện tại công nhân vẫn đang phản ứng dữ dội, không chịu khuất phục.”
“Theo như Neko Kawwaj một người bạn của mình tại hiện trường đưa tin, tình hình rất căng thẳng, đoàn biểu tình bị đàn áp dữ dội tại Bến Cát, khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Bình Dương. Anh em công nhân đang kêu gọi các tổ chức bên ngoài hỗ trợ cứu giúp...”
“Chưa bao giờ tôi thấy chính quyền Cộng Sản nhục nhã, hoảng hốt mất phương hướng như lúc này. Họ đang quẫn trí lồng lộn như một con thú dữ bị chọc tiết. Dường như họ đã nhìn ra cái kết cho mình. Thật thương hại, cảm thấy mỉa mai thay.”
Trên đây là nguyên văn nội dụng những câu mà cơ quan an ninh điều tra tỉnh Đồng Nai dựa vào để kết tội Đỗ Nam Trung vi phạm điều 258 trong vụ việc biểu tình xảy ra ở Bình Dương.
Ở hai câu đầu tiên không có căn cứ nào để kết tội kích động. Các câu nội dung chỉ nói việc biểu tình bị đàn áp, công nhân kêu gọi giúp đỡ.... Chả có gì cụ thể hỗ trợ miêu tả từ “đàn áp”. Từ “đàn áp” ở đây phải xác định nó có xảy ra không, ai đàn áp biểu tình, đàn áp bằng biện pháp gì, tất cả Trung không nói, nhà cầm quyền cũng không nói. Vậy làm sao có thể lấy chữ “đàn áp” mà Đỗ Nam Trung nói ra để kết tội Trung nói sai, xuyên tạc, kích động.
Ví dụ việc  đàn áp là do nhà cầm quyền thực hiện bằng loa phóng thanh cỡ lớn kêu gọi giải tán biểu tình. Nhưng Đỗ Nam Trung lại miêu tả lại là nhà cầm quyền đàn áp  bằng biện pháp dùi cui, hơi cay để dẹp biểu tình. Thì có thể kết luận Đỗ Nam Trung có hành vi xâm phạm đến uy tín của nhà cầm quyền.
Câu kêu gọi tổ chức bên ngoài hỗ trợ cứu giúp cũng không thể quy kết là câu kích động. Vì ở đây không nói rõ hành động giúp đỡ cụ thể là gì.  Lưu ý “hỗ trợ cứu giúp” chứ không phải là hỗ trợ phát động biểu tình. Từ “hỗ trợ cứu giúp” là nhằm mục đích kêu cứu mà bất kỳ ai cũng có thể nói được. Việc căn cứ vào lời kêu gọi “cứu giúp” để chuyển thành tội kích động là một việc làm ác ý, xuyên tạc. Ngay đến một tên trộm cắp nhảy xuống sông Sài Gòn vừa qua, vì ngâm lạnh phải nhờ người dân “cứu giúp”  kéo lên bờ, người dân đã cứu bằng cách kéo lên bỡ còn giúp bằng cách cởi áo cho mặc.
Câu thứ ba là một câu cảm nghĩ. Người này có thể khen Cộng Sản tài giỏi, khôn ngoan trong vụ việc này. Người khác có thể nghĩ Cộng Sản hoảng hốt, mất phương hướng trong vụ việc này. Không thể vì một vụ việc xảy ra, gây thiệt hại lớn về người về của mà chỉ được phép khen, không được phép chê hay nói nên cảm nghĩ, đánh giá, nhận xét của mình. Đây là một nhận xét cá nhân theo cảm nghĩ, nó không hề kêu gọi lật đổ hay nói xấu chính quyền cộng sản. Đơn giản nó là cảm nghĩ, mà cảm nghĩ về một vụ việc thì mỗi người có quyền khác nhau. Việc bắt người ta kết tội vì cảm nghĩ của họ không tốt về sự vụ có tổn thất hiển nhiên là một việc làm của những kẻ độc tài. Nếu đem suy nghĩ độc tài áp đặt vào luật pháp tất nhiên là vô giá trị.
Còn nữa…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét