Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Liberty Melinh - VIẾT VỀ MỘT NGƯỜI TÙ


Ngày 8/9/2008, một biểu ngữ lớn với 3 khẩu hiệu bất ngờ xuất hiện trên cầu Lạch Tray, Hải Phòng, giữa thanh thiên bạch nhật, khiến lực lượng công an Hải Phòng vốn vừa nhận danh hiệu anh hùng chết điếng. 3 dòng khẩu hiệu trên biểu ngữ đó là:
- Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo cho Việt Nam!
- Dân chủ nhân quyền cho nhân dân Việt Nam!
- Đa nguyên đa đảng cho Việt Nam!

Chỉ 8 ngày sau đó, trên cầu vượt Lai Cách, Hải Dương, vẫn giữa ban ngày lại xuất hiện tấm biểu ngữ với 3 khẩu hiệu:
- Mất đất, mất biển, mất đảo là do chính quyền cộng sản!!!
- Nhân dân đói khổ, đất nước lạc hậu, xã hội bất công là do chính quyền cộng sản!!!
- Phản đối chính quyền Hà Nội đàn áp giáo dân Thái Hà!!!

Và trước đó, 8/10/2007, vào dịp quốc tế nhân quyền, cùng dịp phái đoàn Hoa Kỳ sang Việt Nam xem xét tình hình nhân quyền, lần đầu tiên một biểu ngữ (DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN CHO NHÂN DÂN VIỆT NAM!) được đưa lên trời bằng những trái bóng bay. Tác giả của nó muốn đưa thông điệp này tới nhà cầm quyền, tới nhân dân, và cũng là để tạo tiếng vang, gây sự chú ý tới phái đoàn Mỹ đối với nhân quyền Việt Nam. 

10 người đã được bí mật bố trí đi từ 10 hướng khác nhau, cùng có mặt ở một địa điểm bên Hồ Gươm và cùng thả những quả bóng vào một giờ nhất định. Kế hoach đã thành công, chỉ có 2 quả bóng còn mắc lại trên cành cây thì cũng được người dân lấy xuống đọc rồi cho trẻ chơi.

Tác giả của những hành động táo bạo, độc đáo và dũng cảm trên, cùng với một loạt các bài viết cùng chủ đề với những dòng khẩu hiệu đó chính là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, người vừa mãn án tù 6 năm vào tháng 9 năm nay.

Bác Nghĩa cũng là người tường thuật trực tiếp 2 cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại cổng ĐSQ Trung Quốc 12/2007, và ở trong nhóm tổ chức biểu tình tẩy chay rước đuốc Olimpic Bắc Kinh 2008. Lúc tham gia biểu tình bác đã công an bị hành hung tại chợ Đồng Xuân.

Ngay cả bây giờ, những hành động đó cũng vẫn là quá mạo hiểm, nói gì đến 6 năm trước? Khi chỉ cần nói đến cái tên Hoàng Sa, Trường Sa đã bị coi là nhạy cảm (có thể đi tù). Ngày đó hầu như ko có truyền thông hỗ trợ, phong trào còn nhen nhóm, mọi người trong và ngoài nước hầu như chưa biết đến cái tên Nguyễn Xuân Nghĩa để mà quan tâm và ủng hộ. Vậy nên để đánh động dư luận, kêu gọi sự chú ý của chính quyền đối với nguyện vọng của nhân dân, bác Nghĩa và nhóm của bác đã phải chọn cách mạo hiểm gây sự kiện, chấp nhận nguy hiểm, rủi ro.

Trở lại câu chuyện treo biểu ngữ trên cầu. Sau lần thành công thứ 2, trước sự bao vây và khủng bố gắt gao của lực lượng an ninh, biết mình đang gặp nguy hiểm, thay vì dừng lại thì bác Nghĩa lại gấp rút thực hiện nốt chương trình của mình trước khi bị bắt. Chuỗi cầu sẽ được treo khẩu hiệu tiếp theo là cầu Thái Bình, Nam Định, và sau đó “Nam tiến”, cầu Sài Gòn. Sơ đồ cầu đã được cung cấp đầy đủ.

Nhưng kế hoạch còn đang thực hiện dang dở, thì ngày 11/9/2008 bác Nghĩa bị bắt cùng với một số người trong nhóm của bác. Và trong 6 năm sau đó, mọi người đã chứng kiến một nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa kiên cường chốn lao tù. Bác cũng là người sẵn sàng chấp nhận bị trừng phạt trong nhà tù, để đưa ra ngoài thông tin anh Điếu Cày tuyệt thực vào tháng 7/2013.

Chẳng bao giờ nói về mình, và khi được hỏi thì luôn cho rằng những việc mình làm hết sức bình thường, bác Nghĩa chỉ nói về cụ Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang.., những người đi tiên phong đã đánh thức và giúp mình vượt qua nỗi sợ hãi. Và điều mà bác vui mừng nhất sau khi ra tù, là sau 6 năm phong trào lớn mạnh đến không ngờ. 

Còn mình, mình biết ơn các bậc tiên phong mà bác Nghĩa nhắc đến, nhưng cũng biết ơn lớp người nối tiếp như bác Nghĩa, Phạm Thanh Nghiên, và bao người khác đã dũng cảm dấn thân thuở còn mong manh ấy, để có một phong trào lớn mạnh, đông đúc, và mọi người có thể phát biểu chính kiến mạnh mẽ hơn như ngày nay.

Về khái niệm nhận tội và không nhận tội, bác Nghĩa tâm sự: “Khi bị bắt tôi thừa nhận tất cả các bài viết và những hoạt động của mình, nhưng kiên quyết không công nhận đó là tội, nên không thể gọi là nhận tội”. 

Quả vậy, chính những kẻ đàn áp, bỏ tù những người yêu nước mới là có tội, mới là phản dân hại nước! Và nhân dân đang là những vị quan tòa phán xét chúng. Chính sự oán hận và khinh bỉ của nhân dân đã là những nhà tù vô hình nhưng nghiêm khắc, tống giam những kẻ mà tội ác của chúng ko một lý lẽ nào có thể bào chữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét