Trang

Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Bùi Thị Minh Hằng


Vũ Đông Hà (Danlambao) - Nếu sau này lịch sử viết lại những chặng đường tranh đấu chống độc tài của người dân Việt đầu thế kỷ 21, hình ảnh nổi bật sẽ là những người phụ nữ. Trong số những người phụ nữ kiên cường ấy có khuôn mặt tiêu biểu, dáng vóc của một người dân bình thường đứng lên đối đầu với cả một hệ thống cường quyền. Đó là Bùi Thị Minh Hằng.

Nếu sau này đọc lại những hào hùng giữa bao gian truân của thập niên đầu thế kỷ, người ta tìm thấy hình ảnh bất khuất của những tù nhân khi ra khỏi tù vẫn xem thường những ngày tháng khắc nghiệt của tù đày, vẫn chấp nhận có thể sẽ bị trở lại địa ngục cộng sản để tiếp tục đấu tranh. Trong đó có những người phụ nữ. Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Lê Thị Kim Thu. Người thứ tư là Bùi Thị Minh Hằng.

Bùi Thị Minh Hằng.

Chị không phải là một chiến lược gia để có những lý thuyết đấu tranh, những kế hoạch quy củ hay những tính toán chính trị. Chị là tiêu biểu cho tầng lớp bị trị: tôi bị áp bức thì tôi đứng lên đấu tranh.

Chị không mang cho mình một nhãn hiệu riêng - blogger, nhà dân chủ, chiến sĩ nhân quyền. Với hàng chữ xâm đè nặng trên vai "Nợ Nước Thù Nhà", với bước chân đi của chính mình, chị là một người tranh đấu. Một người dân Việt tranh đấu.

Tranh đấu ở mọi mặt, ở mọi vấn đề cần phải tranh đấu. Trung cộng xâm lược - chị có mặt ở mọi tuyến đầu. Sài Gòn. Hà Nội. Tiếng hô vang của chị đã trở thành âm thanh của đoàn người yêu nước. Cán bộ cướp đất của dân - chị đồng hành cùng dân oan đứng lên đòi lại những gì thuộc về dân. Anh chị em bị bắt vào đồn, chị có mặt đòi thả người yêu nước. Đấu tranh cho tự do tôn giáo, chị tham gia. Tố cáo những sai trái của chế độ, công an, chị - một người ban đầu gõ bàn phím bằng một ngón tay - đã mở blog, mở FB. Vũng Tàu đêm trước, côn đồ ném mắm thối vào nhà chị, rạng sáng cả thế giới đã được chiêm ngưỡng kỳ công đạo đức bác Hồ của đám con cháu côn an. Sài Gòn đêm sau, tàu khựa hăm he biển đông chị đã cùng các em giương cao biểu ngữ "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh."

Đánh từ trên mạng đánh xuống đường phố là Bùi Thị Minh Hằng. Đánh vừa bằng ngòi bút, vừa bằng tiếng hô, vừa bằng đôi chân tiến bước, vừa bằng dáng người đứng thẳng là Bùi Thị Minh Hằng.

Mỗi người chọn cho mình một cách "đánh". Có người "đánh" công an bằng những bài viết vạch trần những hành động côn đồ của họ. Có người "đánh" công an bằng thái độ nhã nhặn lấy chí nhân thay cường bạo. Chị "đánh" côn an bằng thái độ thẳng thừng của một con người không chấp nhận sai trái. "Đánh" ngay giữa đường phố bằng những lời kết án đanh thép. "Đánh" ngay trước đám đông bằng những lý luận nhắm đến côn an nhưng để người dân nghe là chính. Ở xã hội vẫn còn bao trùm bóng mây sợ hãi, vẫn còn rất hiếm để người dân chứng kiến tận mặt những con người không biết sợ.

Có người phiền trách thái độ và hành động của chị sẽ tạo nên hình ảnh "xấu" cho phong trào dân chủ. Điều đó cũng bình thường vì đó là sự quan tâm cho công cuộc chung. Đôi khi nó cũng là "sứ mạng" của những lý thuyết gia, chiến lược gia hay của những người nghĩ mình sẽ là lãnh đạo quần chúng tương lai. Nhưng sẽ là điều không tưởng khi muốn người dân bị trị phản ứng theo một "lề".

Hình ảnh sau cùng của một cuộc cách mạng tranh đấu giữa thiện và ác, giữa kẻ cai trị và người bị trị vẫn sẽ là hình ảnh của phẫn nộ. Đó là hình ảnh thật nhất mà lịch sử sẽ chứng kiến và đó cũng là hình ảnh của Bùi Thị Minh Hằng.

Hình ảnh sau cùng của cuộc cách mạng Việt Nam sẽ là những người phụ nữ tiên phong. Tiên phong trong ý nghĩa đi đầu và đi từ những giai đoạn khởi đầu của những năm tháng bình minh của cách mạng. Nó sẽ không là hình ảnh của những người đi đầu đoàn nhưng chỉ ló mặt vào buổi hoàng hôn của chế độ độc tài.

Lúc đó, cho dù Bùi Thị Minh Hằng vẫn còn ở trong khám tối thì hình ảnh của những người đi đầu sẽ phảng phất bóng dáng của chị: một người phụ nữ giơ cao tay, miệng hô lớn, chân vững tiến và thể hiện mọi cảm xúc rất thật của mình. Đó là hình ảnh của một người dân bình thường đứng lên tranh đấu. Hình ảnh của Bùi Thị Minh Hằng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét