Trang

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Đập tan chính sách tuyên truyền lừa gạt

VRNs (02.09.2014) – TDNL – Chế độ Cộng sản từng được xây dựng và đứng vững trên cái kiềng 3 chân: bạo hành, che giấu và lừa gạt (nói theo kiểu chơi chữ cho dễ nhớ là bạo lực, bít lấp và bịp lừa). Cái kiềng 3 chân này được rèn đúc nhờ lối giáo dục học đường nhồi sọ và giáo dục quần chúng tuyên truyền, được củng cố và bảo vệ bằng hệ thống công an kiểm soát, hàng ngũ trí thức giáo chức gia nô, mạng lưới truyền thông công cụ và bầy đàn dư luận viên đầy tớ. May thay, nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là internet với các mạng xã hội của nó, hai chân của cái kiềng là che giấu và lừa gạt đã phần nào bị bẻ gãy. Phần nào thôi, vì với những kẻ dù có học nhưng đã bị tẩy não, với những kẻ vì ít học nên ngây thơ khờ khạo, với những kẻ chỉ miệt mài chuyện kiếm cơm áo, tiền bạc và địa vị, thì trò che giấu và lường gạt của CS vẫn có hiệu quả. Thành ra cuộc chiến đấu của những công dân yêu sự thật và lẽ phải nhằm đập tan chính sách tuyên truyền láo khoét dối gian và giấu che bưng bít của CS vẫn phải tiếp tục lâu dài, với những bước tiến ngày càng dâng cao và mạnh mẽ.
 14100200
1- Đập tan chính sách tuyên truyền bằng thái độ tẩy chay
          Mới đây, cuốn phim “Sống cùng lịch sử” được dựng với kinh phí một triệu đôla Mỹ (tiền thuế của nhân dân) nhằm ngợi khen tướng Võ Nguyên Giáp đã thất bại cách thê thảm. Nó đã chết ngay khi vừa xuất xưởng và công chiếu, bởi lẽ số khán giả chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ảo tưởng trước cuộc “lên đồng tập thể” mình đã khơi dậy nhân đám tang của ông, nhà cầm quyền quyết định đóng ấn lên kế hoạch “huyền thoại hóa” tay công thần và ngu trung này bằng bộ phim đồ sộ. Không huyền thoại hóa sao được khi đã có những nô ngôn bồi bút tô vẽ ông bằng những vần thơ như sau (xin trích): “Thánh Gióng về trời, Thánh Giáp về quê. Vì Dân Nước Người trở thành Bất Tử. Thành Núi thành Mây thành Ruộng Đồng, Sông, Bể. Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông. Thành Đền thờ trong mỗi tấm lòng Dân. Thành Ngọn đuốc soi đường đêm tăm tối. Thành Mặt trời cho trần gian nắng mới. Thành Mặt trăng vành vạnh tấm gương vàng… Người không nghĩ mình sẽ hóa Thánh nhân. Khi nằm xuống cả non sông thương khóc. Cả non sông thành Rồng chầu Hổ phục. Tôn vinh Người vị Thánh của lòng Dân” (Bất Tử, Nguyễn Trọng Tạo). Thế nhưng huyền thoại đã tan vỡ, phim về anh hùng đã bị tẩy chay, vì công chúng biết đó thật ra là anh hèn, chỉ có tài nướng quân, chẳng chút công lao trong trận Điện Biên Phủ. Trước đây, vào năm 2000, bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” tốn phí 120 tỷ (vẫn tiền thuế của nhân dân) cũng đã phải đắp chiếu vì bị công luận tố cáo là xuyên tạc lịch sử và tuyên truyền cho Tàu cộng. Đến năm 2003, bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, với tổn phí 15 tỷ và được báo chí công cụ quảng cáo là “chân thực và hấp dẫn” vẫn chỉ hấp dẫn được 25 người khi bán vé tại Hà Nội !
          Nhưng đòn tẩy chay đau hơn hết chính là từ các em học sinh đối với môn sử. Chưa bao giờ giới trẻ VN dốt và ghét môn sử như vậy. Như vào năm 2011, trong kỳ thi đại học, môn lịch sử mới chỉ ở một số trường công bố đã có hàng ngàn điểm 0. Năm 2012, các em trường PTTH Nguyễn Hiền (Sài Gòn) đã có một cuộc ăn mừng bằng hành động xé đề cương ôn thi sử ném xuống sân trường, khi nghe thông báo môn đó sẽ không đưa vào kỳ thi tốt nghiệp năm 2013. Kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm nay (2024), lại xảy ra hiện tượng có một không hai trên thế giới, thật xứng với thế hệ Hồ Chí Minh: đó là tại những trường mang tên các anh hùng như Quang Trung (Hà Nội) chỉ có 1 thí sinh dự thi môn lịch sử, trường Nguyễn Thị Minh Khai (Sài Gòn) có 2, trường Lý Thường Kiệt (Đà Nẵng) có 3… Ai cũng biết đó là vì các sách giáo khoa sử (thậm chí các sách nghiên cứu sử) do chế độ biên soạn và ấn hành đa phần đều xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn và tô son trát phấn cho đảng một cách vô liêm sỉ.
2- Đập tan chính sách tuyên truyền bằng ngòi bút vạch trần sự thật
          Cuộc triển lãm về Cải cách Ruộng đất tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội mới đây đã phải đóng cửa sau 3 ngày dù dự trù mở cửa 3 tháng, đó là vì ngay lập tức đã nhận được gáo nước lạnh, xô nước đá của công luận, cụ thể của những bài viết cho thấy nó vừa xuyên tạc các sự kiện lịch sử, vừa thóa mạ các oan hồn nạn nhân, vừa bao che bào chữa tội ác của cộng đảng. Tiếp đó, vô số bài nghiên cứu từ lâu và cũng không ít bài nghiên cứu mới mẻ tung bay nườm nượp trên mạng toàn cầu, đã cho quốc dân và quốc tế thấy được các mục tiêu đích thực (mà rất thâm độc) của biến cố “long trời lở đất” ấy, các thủ phạm chính yếu (luôn tự che giấu, ẩn mình) của cuộc tàn sát “kinh thiên động địa” ấy, đặc biệt là tên đầu đảng từng lấy bí danh CB để ra một bản cáo trạng vu khống trắng trợn, bịa đặt ngất trời về một người đàn bà vô tội vốn chính là ân nhân của hắn và đồng bọn hắn. Ở đây tưởng cũng nên nhắc tới hành động của đồng bào dân oan Dương Nội mặc những chiếc áo đỏ (in lời tố cáo tội cướp đất của cán bộ, đánh người của công an, phá lúa của nhà cầm quyền) kéo nhau đến xem cuộc triển lãm về cái biến cố tự nhận là “bước đi đầu tiên mang đến cho người dân tư liệu sản xuất và xóa bỏ chế độ phát canh thu tô, chế độ bóc lột của địa chủ” !
          Cũng từ nhiều năm nay, nhờ mạng lưới thông tin toàn cầu hiện đại, vô số tác phẩm vạch trần sự thật về chủ nghĩa và lịch sử, lãnh tụ và chế độ CS khắp thế giới lẫn tại VN (cũng như về mọi chế độ tội ác chống loài người) dưới hình thức sách điện tử, video clip, đĩa VCD đã phá tan bức tường bưng bít thông tin của các chế độ độc tài lẫn bức tường ngăn chận tự do (bên Berlin chẳng hạn) của các chế độ cộng sản. Bộ phim “Sự thật Hồ Chí Minh” của Phong trào Sài Gòn, tác phẩm “Đêm giữa ban ngày” của nhà văn Vũ Thư Hiên, tập thơ “Hoa địa ngục” của thi hào Nguyễn Chí Thiện, cuốn “HCM, nhận định và tổng hợp” của nhà biên khảo Minh Võ, bộ sách “Bên Thắng Cuộc” của nhà báo Huy Đức, mới đây là hồi ký “Đèn Cù” của chuyên gia tiểu sử Trần Đĩnh…. là những tác phẩm tiêu biểu tại VN (trong vô vàn tài liệu cũng rất giá trị khác), bên cạnh những tác phẩm quốc tế như “Giai cấp mới” của nhà chính trị Milovan Djilas, “Quần đảo ngục tù” của văn hào Alexander Soljenitsyne, “Bóng tối giữa trưa” của tiểu thuyết gia Arthur Koestler v.v… Tất cả là những cây búa tạ đã và đang từng ngày đập tan chính sách tuyên truyền lếu láo của Cộng sản.
3- Đập tan chính sách tuyên truyền bằng hành động tranh đấu
          Thế giới đang rúng động vì cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người dân Hồng Kông, đặc biệt của các sinh viên đại học, nhằm đòi hỏi nhà cầm quyền Tàu cộng phải cho họ được bầu cử hàng lãnh đạo đặc khu này cách dân chủ vào năm 2017, như Bắc Kinh từ lâu đã hứa nhưng nay nuốt lời. Trong số đó nổi lên khuôn mặt chàng trai 17 tuổi Joshua Wong, “thủ lĩnh sinh viên” theo lời xưng tụng. Khắp năm châu đang vang rền lời của cậu: “Tôi chưa đủ tuổi hợp pháp để lái xe nhưng đủ lớn để thay đổi cả thế hệ”, “Tôi không muốn cuộc đấu tranh cho dân chủ phải truyền lại cho thế hệ sau. Đây là trách nhiệm của chính thế hệ chúng tôi lúc này”. Lý do để Joshua Wong trở thành người hướng dẫn cuộc đấu tranh của sinh viên như thế, đó là vì tháng 6 năm 2011, khi mới 14 tuổi, cậu đã thành lập phong trào “Scholarism” gồm nhiều học sinh nhằm chống lại việc bắt buộc các trường trung tiểu học Hồng Kông từ 2015 phải đưa vào giảng dạy “Mô hình Trung Quốc”, bao gồm chuyện chào cờ Trung Quốc, học lịch sử về tính ưu việt của của chế độ cộng sản, của nhà cầm quyền Bắc Kinh, chuyện “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”… Cha của Joshua Wong, người từng chạy trốn chế độ tàn ác này hàng chục năm về trước và rất nhiều cư dân Hồng Kông khác đã phẫn nộ khi thấy trong sách giáo khoa sử sắp tới không hề nhắc đến những biến cố to lớn mà đẫm máu tại Trung Quốc như Cách mạng Văn hóa 1966-1976, hay thảm sát Thiên An Môn 1989. Phong trào “Scholarism” của Wong đã thu thập được 20 ngàn chữ ký cho kiến nghị hủy bỏ sách giáo khoa này. Sau đó, phong trào đã gia tăng thành viên không thể tưởng tượng: vào tháng 9 năm 2012, Scholarism tụ họp được 120.000 người biểu tình – trong đó có 13 người tuyệt thực – chiếm trụ sở chính quyền Hồng Kông, buộc lãnh đạo đặc khu phải rút lại chương trình giáo dục thân cộng.
          Cuộc tranh đấu của sinh viên Hồng Kông trong tinh thần bất bạo động ấy ngày càng thêm quyết liệt, thêm ý nghĩa và thêm thu hút. Nay nó được sự hưởng ứng của các cô thầy, cha mẹ của họ, rồi của các người lớn (trong phong trào Chiếm giữ Trung tâm -Occupy Central), của các bạn nhỏ tuổi (học sinh) và bây giờ là hầu như của khắp thế giới. Người ta đặc biệt chú ý tới sự tham dự của nhiều chức sắc tôn giáo cao cấp, cụ thể là Hồng y Giu-se Trần Nhật Quân, nguyên lãnh đạo Giáo phận Công giáo tại đặc khu này. Là một giám mục nhưng ngài không chỉ “giám” (xem xét) và “mục” (nhìn vào) nhưng còn dấn thân, đồng hành bên cạnh dân chúng nữa.
          Một sự trùng hợp thú vị là trong thời điểm tại Hồng Kông xảy ra cuộc biểu tình xuống đường thì tại VN cũng xảy ra cuộc biểu tình trên mạng với chiến dịch, phong trào “Chúng Tôi Muốn Biết” do Mạng lưới Blogger khởi xướng và nay được sự ủng hộ đồng hành của hầu hết các xã hội dân sự, của hàng ngàn công dân, cũng như của nhiều đoàn thể và cộng đồng người Việt hải ngoại. Đây là một hình thức đấu tranh, về mặt tiêu cực là đập tan chính sách và luận điệu tuyên truyền xưa nay của đảng CS luôn cho mình “gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” (HP 4), cũng như của một nhà nước luôn ngoác miệng tuyên bố “của dân, do dân và vì dân” nhưng hành động thì hoàn toàn ngược lại. Về mặt tích cực là đòi hỏi Cộng sản, trong tư cách đảng lãnh đạo và nhà cầm quyền, phải thỏa mãn quyền được biết nhiều mặt của con người và công dân Việt Nam. Cụ thể trước mắt là công bố những văn kiện của hội nghị Thành Đô vốn như đang che giấu nhiều cam kết và quyết định vô cùng tai hại cho đất nước của đảng CS. Sau những bài viết và lời kêu gọi mang tính khởi động, rồi sẽ đến những hành động quyết liệt hơn, chẳng hạn như đòi gặp gỡ Quốc hội, tọa kháng trước các cơ quan nhà nước, đưa yêu sách lên hàng lãnh đạo chính trị, xuống đường biểu tình đông đảo như tại Hồng Kông. Đã đến lúc chính nhân dân phải nắm lấy vận mệnh của mình và của Dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét