Trang

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Nợ xấu tăng vượt mốc ngược khẳng định của Thống đốc

(Tài chính) - "Về phía ngành Ngân hàng, NHNN, các TCTD đã, đang cơ cấu lại nợ, tiếp tục xử lý nợ xấu qua VAMC,hạn chế nợ xấu gia tăng,hoàn thiện cơ chế, chính sách…"
Đây là phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa gửi tới cử tri quan tâm tới vấn đề xử lý nợ xấu trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13.

Theo phần trả lời này, NHNN đã đưa ra những thông tin cho thấy sự khả quan trong việc áp dụng nhóm giải pháp xử lý nợ xấu thời gian qua.

Cụ thể, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua được tổng số nợ xấu của các ngân hàng với số dư nợ gốc 39.307 tỷ đồng và giá mua là 32.739 tỷ đồng, chiếm khoảng 40-50% nợ xấu của các TCTD.

"Về phía ngành Ngân hàng, NHNN và các TCTD đã, đang cơ cấu lại nợ, tiếp tục hỗ trợ vốn tín dụng cho khách hàng vay phục hồi sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu qua VAMC, tăng cường chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng, hoàn thiện cơ chế, chính sách…", Thống đốc trả lời cử tri.

Thế nhưng chỉ sau khi bế mạc Quốc hội 1 tuần, con số công bố về nợ xấu chính thức được NHNN đưa ra cho thấy sự đáng ngại nghiêm trọng về nợ xấu.
Theo đó tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng liên tiếp tăng và chính thức vượt mốc 4%.
Cụ thể, sau khi giảm rất mạnh từ 4,55% tháng 11/2013 xuống chỉ còn 3,61% tháng 12/2013 (tháng chốt sổ cuối năm và cao điểm bán lại nợ xấu cho VAMC), nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã liên tiếp tăng qua các tháng đầu năm 2014. Tháng 1/2014, nợ xấu tăng trở lại và lên mức 3,74%, tháng 2 lên 3,86%, tháng 3 lên 3,93% và số liệu cập nhật mới nhất và gần nhất đến tháng 4/2014 đã chính thức vượt mốc 4% với 4,03%.

Như vậy, nợ xấu đã tăng nhanh trở lại, bất chấp nỗ lực xử lý nợ xấu của hệ thống thể hiện rõ trong hơn một năm qua, đặc biệt là cả sau khi có giải pháp can thiệp của VAMC.

Nguyên nhân bước đầu được chỉ ra là do việc tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng quá thấp khiến mẫu số tổng dư nợ không thể mở rộng để một phần “giúp” co tỷ lệ nợ xấu lại.
Tuy nhiên, thực tế này đi ngược với phần trả lời trước đó của Thống đốc tới cử tri rằng: "Những giải pháp xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả quan trọng bước đầu là nợ xấu đã được xử lý một bước, tốc độ tăng nợ xấu chậm lại".

Điều này giống như khi nói về nợ công trước Quốc hội trong khi nhiều đại biểu rất lo lắng vấn đề nợ công có nhiều dấu hiệu không an toàn, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính bảo vẫn an toàn.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng còn trấn an đại biểu khi lo lắng về khả năng trả nợ. Theo đó ông cho rằng: cuối năm 2013, tỉ lệ trả nợ tổng số thì vượt 25% nhưng phân tích sâu thì trong này có 10% vay đảo nợ (không làm phát sinh thêm nghĩa vụ trả nợ), nên nếu trừ nghĩa vụ vay đảo nợ thì chúng ta vẫn nằm mức 20-21%, dưới mức 25%

"Đại biểu sốt ruột là đúng nhưng nếu loại trừ vay đáo nợ thì chúng ta vẫn nằm trong ngưỡng 20-21%, vẫn dưới ngưỡng cho phép 25%.", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Ông còn nhấn mạnh: "Vay đảo nợ nếu không phát sinh nghĩa vụ mới, nếu lãi thấp hơn thì ta còn được lợi'.
Tuy nhiên phần trả lời này được TS Nguyễn Đình Cung nhận xét: Cá nhân ông không đồng ý với quan điểm này.

"Cần hiểu rằng việc đi vay về để trả nợ điều đó đang chứng tỏ khả năng tạo ra vốn để trả nợ là không có. Hay nói cách khác phải đi vay thêm nghĩa là anh đang không có đủ năng lực để trả nợ", TS Cung nói.

Điều này tương tự như câu chuyện về nợ xấu đúng như nhận định của một chuyên gia về tài chính rằng: “Không phải Ngân hàng Nhà nước không biết nợ xấu thực tế cao hơn nhiều mức dưới 3%. Họ biết, nhưng dường như họ muốn công chúng và thị trường từ từ đón nhận, tránh những hoảng hốt và phản ứng bất lợi trên thị trường khiến tình hình càng xấu hơn. Bởi như thế sẽ có thêm nhiều thứ để mất”.

Phương Nguyên

http://baodatviet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét