Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Khai bút đầu xuân của anh Trần Huỳnh Duy Thức: Nhân Quyền Hội

Kính gửi: BBT Dân Làm Báo

Nhân buổi thăm Trần Huỳnh Duy Thức tháng Hai vừa qua tại trại giam Xuyên Mộc, gia đình tôi muốn gửi bài viết này đến BBT Dân Làm Báo nhờ phổ biến. Rất mong BBT Dân Làm Báo quan tâm và chia sẻ cho cộng đồng.

Xin chân thành cảm ơn và mến chúc BBT Dân Làm Báo một năm mới phát triển và thành công.

Trân trọng,

Thay mặt gia đình ông Trần Văn Huỳnh.

*

Nhân Quyền Hội

Trời tờ mờ sáng mùng 4 Tết Giáp Ngọ, gia đình tôi khởi hành chuyến đi thăm anh Thức theo lịch thăm hàng tháng. Thời tiết năm nay lạnh khác thường khiến chúng tôi càng nhớ nhiều đến những người thân xa nhà. Mong rằng xuân sau gia đình sẽ được đoàn tụ cùng nhau.

Chúng tôi có mặt tại trại giam khoảng 9h sáng. Thật bất ngờ hơn những lần trước là lần này vừa vào đã thấy anh đang chờ sẵn, vẫy vẫy tay với mọi người, cười rất tươi trông anh thật hạnh phúc.

Sau khi thăm hỏi mọi người đặc biệt là ba, như mọi năm, anh đọc bài thơ khai bút đầu xuân mà anh đã làm lúc giao thừa cho cả nhà nghe:

“NHÂN QUYỀN HỘI THIÊN THỜI KHỞI ĐỘNG
  PHÁP QUYỀN TÔN VẬN THẾ CANH TÂN
  DÂN CHỦ BỪNG VIỆT NAM HIỂN THÁI
  THỊNH VƯỢNG KÊU THUỶ CỬ CẦU HIỀN”

Anh nói: “Năm 2014 sẽ có nhiều thay đổi lớn. Sự thay đổi của Việt Nam bắt đầu từ sự sụp đổ kinh tế, dẫn đến bất ổn xã hội buộc phải thay đổi chính trị. Nó sẽ được thay đổi nếu như các lực lượng tiến bộ trong xã hội liên kết lại để tạo ra sức mạnh dân tộc, bất kể đó là những người cộng sản cấp tiến, những trí thức nhân tài ngoài đảng cả trong và ngoài nước, không phân biệt chính kiến, đảng phái.”

Khi cả nhà trao đổi với anh, tình hình kinh tế trong năm nay rất ảm đạm, sức mua sức bán giảm sút, thất nghiệp ngày càng tăng, đời sống người dân ngày càng khó khăn. Anh nói hết năm 2014 và 2015 thì kinh tế sẽ phát triển. Vấn đề cần giải quyết là hiệu suất lao động. Và giải pháp duy nhất là quyền con người.

Nền kinh tế sẽ diễn ra theo mô hình chữ V hay chữ U chỉ khi đặt quyền con người vào đúng vị trí của nó trong xã hội. Còn hiện nay mô hình đó diễn ra theo hình chữ L. Nếu có chính sách tốt sẽ kéo được độ tăng trưởng lên. Như vậy để có sự tăng trưởng mong muốn không có giải pháp nào hơn chính là tôn trọng quyền con người và bảo đảm vị trí của nó thì khi đó sức mạnh của người dân mới phát huy được tối đa và tạo động lực cho sự phát triển của đất nước.

Anh còn nói bế tắc hiện nay chính là hiệu suất lao động. Không có bất kỳ yếu tố phương diện nào trong cuộc sống con người mà không có sự tham gia của thời gian. “Tranh thủ được thời gian là tranh thủ được tất cả” là câu nói nổi tiếng của Lê-nin. Đúng như vậy. Mọi cuộc chạy đua đều tính bằng thời gian, mọi sự phát triển đều tính đến thời gian. Các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật từ trước đến giờ đều hướng đến việc phát triển các máy móc và phương pháp làm sao để con người có thể làm ra nhiều sản lượng hơn với cùng một khoảng thời gian bỏ ra. Đó chính là hiệu suất. Hiệu suất tăng thì mới có sự phát triển thực sự.

Anh cũng nói về GDP với tỷ trọng từ tài nguyên khoáng sản khá lớn sẽ tạo ra nguy cơ không bền vững. Độ tăng trưởng GDP phải dựa trên hiệu suất lao động mới đảm bảo sự bền vững. Nay hiện trạng đã chứng minh thấy rõ điều này. Để xử lý căn cơ và bảo đảm cho sự phát triển chính là việc bảo đảm và khuyến khích nâng cao hiệu suất lao động trong nền kinh tế sản xuất và dịch vụ. Anh còn nhắc tôi ví dụ hình ảnh hai người nông dân trong một bức thư mà anh đã gửi về nhà lúc còn ở trại giam Xuân Lộc tháng 3 năm 2011. Tôi tìm lại và trích ra đây:

“Chúng ta cần hiểu rõ giá trị của thời gian và đừng để phí nó. Phải luôn luôn hướng đến tăng hiệu suất trong tất cả những việc mình làm: làm sao để cùng 1 việc nhưng tiêu tốn ngày càng ít thời gian hơn; làm sao nghĩ ra những việc khác để thay thế việc cũ mà cái mới sẽ giúp mình tạo ra nhiều giá trị hơn và cần ít thời gian hơn.

Có thể hình dung ví dụ này: Có 2 người có nhu cầu như nhau, lúc còn nhỏ đều cần 1 kg thực phẩm mỗi ngày: Lúc đó cả 2 đều cùng làm 1 công việc như nhau và đều mất 8 tiếng/ngày, trên cùng 1 mãnh đất giống nhau để có được lương thực phẩm đó. Cơ thể lớn dần và nhu cầu thực phẩm tăng dần lên 2 kg/ngày. Người A tìm cách tăng hiệu suất lên gấp đôi và anh ta đã làm được điều đó: Làm ra được 2 kg thực phẩm cũng chỉ trong 8 tiếng để đáp ứng như cầu tăng lên của mình mà không phải bỏ ra thêm thời gian. Thời gian còn lại anh ta học để nâng cao kiến thức. Trong khi người B cũng cải tiến nhưng chỉ tăng hiệu suất lâu được gấp rưỡi: cần đến 12 tiếng/ngày để làm ra 2 kg thực phẩm nuôi sống mình, do vậy quỹ thời gian của anh ta ít đi không có thời gian học thêm được kiến thức mới. Cật lực 12 giờ/ngày xong là mệt lả, không còn sức lực gì khác ngoài việc ngủ đề lại sức cả. Còn người A nhờ học thêm được kiến thức nên lại càng gia tăng hiệu suất lên. Bây giờ với 8 giờ/ngày anh ta đã làm ra 3, 4, 5 rồi 6 kg thực phẩm. Thế là anh ta có thể nghỉ đến việc lấy vợ, sinh con mà vẫn đảm bảo được nhu cầu cho gia đình. Trong khi đó người B vì làm việc quá nhiều nên bị bệnh đủ thứ mà lại không có gì để chữa bệnh (làm ngày nào ăn ngày đó đâu còn dư). Cuộc sống anh ta cứ thế ngày một tệ hại đi, phải vay mượn rồi thậm chí cầm cố cả mảnh đất của mình đang canh tác để làm ra thực phẩm nuôi sống mình hằng ngày, làm gì còn đầu óc mà gia tăng hiệu suất được. Cùng lúc đó người A đầu óc lúc nào cũng tỉnh táo, gia đình hạnh phúc nên anh ta nghĩ ra rằng sao mình không cộng tác với nhiều người, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm tăng hiệu suất của mình cho họ để mọi người cùng nhau làm ra được nhiều thực phẩm hơn. Cuối cùng anh ta tập hợp được 10 người làm như vậy, nên làm ra được 60kg thực phẩm, và sau đó lại tăng lên được 70 kg/ngày, vì nhờ những qui trình phối hợp dây chuyền. mà mỗi gia đình của họ chỉ cần 5 kg/ngày nên họ dư ra 20 kg/ngày. Và họ tìm cách đem đi trao đổi với những người khác không làm ra lương thực mà là quần áo đẹp. Thế là chất lượng cuộc sống của họ tăng lên: không chỉ ăn no mặc ấm mà là ăn ngon mặc đẹp. Còn thật đáng thương cho người B, sau khi trải qua 1 căn bệnh nặng, chữa trị khỏi thì nợ nần chồng chất, phải để người ta lấy mảnh đất để trừ nợ. Anh ta phải làm thuê cho người chủ mới, ngoài 2 kg cần để nuôi sống mình hằng ngày thì phải làm thêm 1 kg cho chủ đất, mà anh ta cũng đâu có công cụ hay phương pháp gì để tăng hiệu suất. Cuối cùng chỉ có cách tăng thời gian làm việc từ 12 lên 18 tiếng/ngày để làm ra 3 kg/lương thực phẩm. Đó chính là quá trình 1 người nông dân tự do tự biến mình thành bần cố nông rồi sau đó bị biến thành nô lệ. Nguyên nhân hoàn toàn do hiệu suất. Còn người A sau đó tiếp tục phát triển và phát triển: nhu cầu ngày càng tăng lên rất cao nhưng vẫn được đáp ứng. Nguyên nhân cũng hoàn toàn do hiệu suất.

... Đó là sự bình đằng tuyệt đối: ai cũng chỉ có 24 giờ 1 ngày, muốn hơn cũng không có, muốn kém cũng chẳng được. Không ai dừng thời gian được trừ phi viết chuyện giả tưởng.”

Những nhận định của anh làm rõ cách giải quyết những bế tắc trong nền kinh tế hiện nay. Chúng ta đang mong một sự thay đổi, đó chính là điều mà anh đã nói đến trong lá thư phân tích “NGHĨA” và “LỢI”. Thì nay một cách chi tiết và cụ thể hơn đó là yếu tố “HIỆU SUẤT LAO ĐỘNG”. Nó là điều phải đạt được để tạo ra đột biến cho kinh tế hiện nay.

Tôi mong sao những nhận định và dự đoán của anh Thức sẽ diễn ra đúng như anh nói. Phải có niềm tin và hành động cho niềm tin đó. Anh Thức cũng vậy. Anh luôn có niềm tin vào con người, vào sức mạnh của “quyền con người” để dẫn đến sự đổi thay tốt đẹp cho đất nước “VIỆT NAM HIỂN THÁI".

Thay mặt gia đình Trần Huỳnh Duy Thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét