Trang

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Vụ "án oan 10 năm": Ban chuyên án sai sót hướng điều tra? Bỏ lọt tội phạm

 - Dường như Ban chuyên án Công an tỉnh Bắc Giang cố gắng tìm bắt người nhận tội, chấm dứt những ngày dài “mò kim đáy bể”, tránh án “thối”, hơn là đi tìm để làm rõ bản chất vụ án.

Khi một trọng án xảy ra, áp lực truy tìm hung thủ đè nặng lên cơ quan điều tra. Lật lại hồ sơ vụ án Nguyễn Thanh Chấn mới thấy dường như Ban chuyên án Công an tỉnh Bắc Giang cố gắng tìm bắt người nhận tội, chấm dứt những ngày dài “mò kim đáy bể”, tránh án “thối”, hơn là đi tìm để làm rõ bản chất vụ án.

Con đường này năm 2003 chỉ có mỗi nhà chị Hoan nên vụ án xảy ra dân làng không hay biết.
Con đường này năm 2003 chỉ có mỗi nhà chị Hoan nên vụ án xảy ra dân làng không hay biết.
Bế tắc trong việc tìm hung thủ
Mặc dù đã hơn 10 năm, nhưng anh Nguyễn Văn Hoàn (công an viên phụ trách thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vẫn nhớ rõ buổi tối xảy ra vụ trọng án ở thôn mình.

Sau khi nhận được tin báo của trưởng thôn, anh Hoàn lập tức có mặt tại hiện trường (nhà chị Nguyễn Thị Hoan). Với kiến thức được trang bị cùng kinh nghiệm của mình, anh Hoàn đã yêu cầu bà con đang đứng xem tránh ra xa, rồi anh đứng canh để hiện trường không bị xáo trộn, chờ lực lượng công an huyện, tỉnh về làm việc. Như vậy, hiện trường vụ án này đã được bảo vệ cẩn thận ngay từ đầu.

Trong những lần họp báo sau khi phá xong những vụ trọng án (án mờ), nhiều cán bộ lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.Hà Nội) qua các thời kỳ thường nói: Để phá án thành công, công tác khám nghiệm và đánh giá hiện trường là rất quan trọng. Làm tốt khâu này sẽ giúp việc điều tra đi đúng bản chất vụ án.

Trở lại vụ của chị Nguyễn Thị Hoan, Ban chuyên án Công an tỉnh Bắc Giang đã tung nhiều lực lượng đi trinh sát, rà soát, sàng lọc rất nhiều đối tượng. Thế nhưng hơn 1 tháng trôi qua, manh mối về hung thủ vẫn như bóng chim tăm cá. Thậm chí lực lượng điều tra còn để hòm thư tố giác tội phạm, nhờ sự vào cuộc của quần chúng nhân dân địa phương nhưng vẫn không có kết quả.

Theo LS Nguyễn Đức Biền (người bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Chấn), qua nghiên cứu hồ sơ thấy lực lượng công an đã hướng vụ án theo hướng giết người vì tình ái để khoanh vùng truy tìm hung thủ. Chính hướng đi này và với một số chứng cứ họ thu thập được, ông Chấn đã bị rơi vào tầm ngắm. Khi bị tạm giữ, ông Chấn cho biết đã bị đánh, ép cung để viết đơn tự thú và tập diễn cách gây án theo hướng dẫn của công an.

Bỏ lọt tội phạm
Sau khi xảy ra vụ án, bố mẹ của chị Hoan cho biết nạn nhân mất 1 sợi dây chuyền đeo cổ (vàng Tây) và 2 chiếc nhẫn vàng ta (mỗi chiếc 1 chỉ). Tuy nhiên tình tiết quan trọng này đã bị bỏ qua, vì cơ quan điều tra cho rằng không có cơ sở.

Theo LS Nguyễn Đức Biền, việc cơ quan điều tra không xem xét việc khai báo trên cũng có cơ sở. Nhà bị hại chỉ có chị và con nhỏ 17 tháng tuổi, bố mẹ nói vậy nhưng không phải là người sống cùng nhà nên rất mơ hồ. Còn khám nghiệm hiện trường về tài sản thấy vật dụng, đồ đạc trong nhà còn nguyên, không bị xáo trộn. Theo logic, nếu là giết người để cướp tài sản thì sẽ có sự xáo trộn về đồ đạc, nhất là nhà chị Hoan lại bán hàng tạp hóa.

Theo một cán bộ Công an TP.Hà Nội đã nghỉ hưu, để truy tìm hung thủ gây án, nhất thiết không được bỏ qua tình tiết nào. Ở đây, khi Ban chuyên án đưa giả thiết vụ án giết người vì tình ái và ông Chấn là nghi can, nhưng đấu tranh khai thác, thu thập thêm chứng thấy ông Chấn không có dấu hiệu phạm tội, mà không tìm thấy người nào khả nghi, lẽ ra phải thay đổi hướng mới. Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản trong điều tra là nguyên tắc suy đoán vô tội đã không được các cán bộ điều tra Công an tỉnh Bắc Giang áp dụng.

Ở vào trường hợp đổi hướng điều tra vụ án theo dạng giết người, cướp tài sản thì có thể vẫn rất khó tìm ra hung thủ ngay, nhưng sẽ không có chuyện làm oan một người suốt 10 năm.

Lý Nguyễn Chung - hung thủ khai đã giết chị Hoan để cướp tài sản thời điểm đó mới 15 tuổi, độ tuổi còn quá trẻ, bản thân chưa phải là đối tượng chơi bời hư hỏng, đang sống trong môi trường làng quê vốn bình yên nên ít ai dám nghĩ Chung là hung thủ. Nhưng nếu cơ quan điều tra đặt giả thiết vụ án giết người, cướp tài sản thì đối tượng sàng lọc sẽ được mở rộng hơn. Và việc Lý Nguyễn Chung rời khỏi thôn Me lặng lẽ một cách bất thường có thể cũng bị rơi vào “tầm ngắm”.

Bố hung thủ có dấu hiệu phạm 2 tội

Dưới vỏ bọc tuổi tác, dấu hiệu gây án của Chung chỉ có người thân biết. Bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế Chung) dậy sớm giặt quần áo, thấy chiếc áo của Chung có dính máu bỏ trong chậu, bà Lành đã nghi ngờ Chung. Bà đã gọi chồng là Lý Văn Chúc dậy để thông báo, lập tức ông Chúc gọi con dậy gặng hỏi.

Tuy nhiên cuộc trao đổi của 2 bố con ông Chúc, bà Lành không được nghe, chỉ thấy ông Chúc bảo Chung trở về quê Lạng Sơn một cách vội vã. Sợ vợ làm lộ chuyện bí mật chiếc áo dính máu, ông Chúc luôn miệng dọa “làm lộ chuyện tao giết”.

LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích: Nếu Lý Nguyễn Chung là hung thủ vụ án thì hành vi của Lý Văn Chúc là che giấu tội phạm. Điều này thể hiện rõ ở việc gặng hỏi biết chuyện, sau đó lại bảo Chung về quê gấp có ý trốn tránh pháp luật. Sau đó suốt nhiều năm liền ông Chúc đe dọa buộc vợ phải giữ kín chuyện.

Tuy nhiên, hành vi phạm tội của đối tượng Chúc sẽ không bị khởi tố do thời gian đã hết hiệu lực. Hành vi che giấu tội phạm thuộc dạng tội phạm nghiêm trọng (có khung hình phạt cao nhất 7 năm tù). Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm này là 10 năm.

Tính từ thời điểm Chung gây án đến nay đã hơn 10 năm, đương nhiên Lý Văn Chúc thoát tội. Đối tượng này chỉ bị khởi tố về tội đe dọa giết người (dọa giết bà Lành).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét