Trang

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

'Phiên xử Đinh Nhật Uy là thông điệp cho người dân về việc bày tỏ chính kiến'


Bà Nguyễn Thị Kim Liên và hai con Ðinh Nhật Uy (phải) và Ðinh Nguyên Kha. Blogger Đinh Nhật Uy được biết đến qua các bài viết phản đối những chính sách của chính phủ Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
CỠ CHỮ 
Phiên tòa xử blogger Đinh Nhật Uy về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” sẽ diễn ra vào ngày 29/10 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Long An.

Uy là người đầu tiên trong số 3 blogger bị bắt từ tháng 5 năm nay bị đưa ra xét xử vì điều 258 Bộ luật Hình sự. Hai blogger bị bắt trước Uy nhưng chưa có lịch xử là Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào.

Cáo trạng ghi rằng Đinh Nhật Uy “nói xấu chế độ”, “xuyên tạc chủ trương nhà nước”, “bôi nhọ lực lượng công an” thông qua việc đăng tải trên Facebook cá nhân những ý kiến phản đối bản án 4 năm tù dành cho em trai là Đinh Nguyên Kha bị buộc tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ cùng các quan điểm chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông.

Luật sư Hà Huy Sơn, đại diện pháp lý cho blogger Đinh Nhật Uy trong phiên toà sắp tới, kêu gọi sự quan tâm hỗ trợ của mọi người, nhất là giới luật sư, đối với vụ án của Uy để bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý.

Luật sư Sơn giải thích về lời kêu gọi này trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ tối ngày 23/10.
Phiên xử Đinh Nhật Uy là thông điệp cho người dân về việc bày tỏ chính kiến
Luật sư Hà Huy Sơn: Uy không phải là người đầu tiên bị truy tố về điều 258, nhưng tôi cho rằng đợt này, người ta bắt đầu quan tâm về điều 258 hơn so với trước và có thể người ta sẽ dùng điều này thay cho điều 79 hay 88 trước đây. Từ vụ án này, từ đây người ta sẽ xác định hướng ứng xử đối với các blogger tiếp theo. Cho nên, theo tôi, mọi người nên quan tâm đến vụ án của Đinh Nhật Uy sắp tới.

VOA: Về các khía cạnh pháp lý liên quan đến các hành vi Uy bị truy tố, luật sư thấy có điều gì chưa hợp lý?

Luật sư Hà Huy Sơn, đại diện pháp lý cho blogger Đinh Nhật Uy.Luật sư Hà Huy Sơn, đại diện pháp lý cho blogger Đinh Nhật Uy.
Luật sư Hà Huy Sơn: Điều tôi quan tâm là đối với tội 258 thiệt hại do tội phạm gây ra không được chứng minh, không thuyết phục. Thứ hai, việc xét xử tội theo điều 258 không rõ ràng, dễ xâm phạm vào điều 69 quy định quyền tự do dân chủ của công dân trong Hiến pháp 1992 của Việt Nam, dễ xâm phạm điều 19 Công ước quốc tế 1966 về Quyền Dân sự và Chính trị mà nhà nước Việt Nam tham gia ký kết năm 1982, và nó cũng dễ xâm phạm điều 19 của Tuyên ngôn Nhân quyền Liên hiệp quốc 1948. Đó là những điều căn bản với các vụ án xét xử điều 258 mà tôi thấy cần quan tâm.

VOA: Thế nhưng, cáo trạng nói các tin đăng của Uy trên Facebook lôi kéo nhiều lượt xem, thích, và chia sẻ với nhau trên mạng, gây ra một làn sóng dư luận không tốt, nói xấu chế độ với tính cách kích động chống đối nhà nước. Ý kiến luật sư thế nào?

Luật sư Hà Huy Sơn: Hậu quả của tội phạm phải lượng hóa nó ra chứ không thể nói một cách trừu tượng như vậy. Nói vậy không định lượng được cái thiệt hại của hành vi tội phạm, cho nên người ta rất dễ lạm dụng, chủ quan dùng điều luật này kết tội ai cũng được.

VOA: Riêng trường hợp của Uy, luật sư thấy có những yếu tố nào chứng minh anh hoàn toàn vô tội?

Luật sư Hà Huy Sơn: Nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy Uy không gây thiệt hại gì cho các tổ chức hay cá nhân như trong cáo trạng của Viện Kiểm Sát cả. Điều anh làm không cấu thành tội phạm. Tôi cho rằng Đinh Nhật Uy không có tội.

VOA: Nhận xét của luật sư về vai trò, ý nghĩa của phiên tòa này thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Luật sư Hà Huy Sơn: Qua phiên tòa này, chính quyền Việt Nam muốn gửi thông điệp tới người dân nói chung về việc bày tỏ quan điểm và chính kiến trước các vấn đề xã hội, vấn đề của đất nước.

VOA: Với khung hình phạt cao nhất 3 năm tù cho tội danh vi phạm điều 258, theo luật sư, chiều hướng kết cục cuối cùng của phiên xử Đinh Nhật Uy sẽ như thế nào?

Luật sư Hà Huy Sơn: Tôi không dự đoán được. Kinh nghiệm cho thấy các vụ án ‘nhạy cảm’ hay có tính chất chính trị  thì rất khó dự đoán.

VOA: Xin chân thành cảm ơn luật sư Hà Huy Sơn đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét