Trang

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

BỎ ĐẢNG (tiếp theo): Suy nghĩ của một người ngoài Đảng về Đa Nguyên Đa Đảng ở Việt Nam

Lê Phú Khải -Tôi sinh năm Nhâm ngọ 1942, tức là,  cho đến lúc này (2013) đã hơn 70 năm sống trong chế độ toàn trị của một đảng độc quyền lãnh đạo đất nước. Ông nội tôi là thư ký (bưu chính) riêng cho Toàn quyền Đông Dương. Vậy mà năm 1946, nội tôi đã đem cả đại gia đình theo cụ Hồ, đi tản cư lên Phú Thọ kháng chiến chống Pháp. Sau hòa bình 1954, Pháp tuyên bố, ai xuống Hải Phòng, dù là đi kháng chiến, chính phủ Pháp vẫn trả đủ lương hưu 8 năm  gián đoạn. Nhiều người khuyên ông nội tôi nên đi, vì đó là tiền nợ của Pháp đối với công chức đã phục vụ chính quyền Pháp…Nhưng ông nội tôi nói: nước nhà độc lập rồi, dù ăn cháo cũng sướng, không cần đi!
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa lúc đó, rõ ràng đồng nghĩa với dân tộc độc lập. Rõ ràng, Đảng Cộng sản (lúc đó mang tên Đảng Lao động) đồng nghĩa với chính nghĩa: Đảng có chính danh để cai trị đất nước. Sẽ có người đặt câu hỏi, có lẽ trường hợp của ông nội tôi là cá biệt? Xin hỏi lại: vậy những nhà trí thức lỗi lạc Việt Nam lúc đó như Nguyễn Hữu Thọ, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Khắc Viện…và hàng triệu nông dân, công nhân, nhà buôn khác đã theo tiếng gọi của cụ Hồ đi kháng chiến thì có là cá biệt không?
   Sau hòa bình 1954, mỗi khi lễ, tết, gia đình họ Lê Phú nhà tôi đoàn tụ thì nhìn trước nhìn sau đâu cũng thấy đảng viên. Có lẽ, chỉ có mấy cái cột nhà và tôi là ngoài đảng! Tôi thừa biết, sống trong một xã hội đảng trị, đảng cầm quyền tuyệt đối, ai đứng ngoài đảng thì không có quyền gì cả. Và đương nhiên đã không có quyền thì không có gì cả!
   Khi Liên Xô tiến hành cải tổ, có một nhà tư bản Mỹ sang nghiên cứu đất nước của Cách mạng tháng 10, ông ta nói: ở nước Mỹ, có tiền là có tất cả còn ở Liên Xô thì có quyền là có tất cả!
   Vì thế, ở xã hội miền Bắc Việt Nam trước năm 1975 và sau này cũng thế, hầu như ai cũng muốn vào đảng để “có tất cả!” Ở cơ quan tôi làm việc, có vị lãnh đạo khuyên tôi nên tham gia sinh hoạt cảm tình đảng để rồi vào đảng. Tôi thành thật nói với vị lãnh đạo đáng kính đó thế này: anh thấy đấy, đến cậu lái xe ở cơ quan cũng phấn đấu vào đảng để được làm tổ trưởng tổ lái xe. Vậy không lẽ tôi không muốn làm trưởng phòng, trưởng ban biên tập, làm giám đốc…để tết đến cả phòng, cả ban, cả cơ quan ai ai cũng có quà tết cho lãnh đạo…mà vợ con tôi cũng giống như vợ con người khác. Tết đều muốn có quà, muốn chồng có lương cao, đi làm có xe đưa, xe đón!!! Nghe xong vị lãnh đạo đó …yên lặng không nói gì nữa!
   Đấy là tôi trả lời cho qua chuyện. Mà nguyên nhân sâu xa khiến tôi không vào đảng vì tôi đã sớm nhận ra, xã hội đảng trị là một xã hội độc thoại, không có chân lý. Nhìn lại lịch sử, xã hội phong kiến Trung Quốc và Việt Nam trong mấy nghìn năm bị cái vòng kim cô của Khổng Giáo nhốt chặt vào tư tưởng “phò chính thống” (Nguyễn Kiến Giang). Bàn dân thiên hạ cũng như tầng lớp nho sỹ trí thức chỉ biết vâng lời người trên. Người ta đi học là để làm quan, để được quỳ lậy trước ngai vàng. Chỉ có bề trên đúng. Không được cãi lại bề trên. Xã hội phong kiến đó lại được tiếp nối bằng chế độ đảng trị với khẩu hiệu “tập trung dân chủ”, thì cái vòng kim cô độc thoại ấy càng siết chặt hơn bao giờ hết. Tập trung dân chủ là một trò bịp, là dân chủ với một số người lãnh đạo chóp bu, áp đặt cho kẻ dưới. Đại hội đảng nhiệm kỳ nào cũng nêu khẩu hiệu “dân chủ”. Nhưng nhân sự của ban chấp hành mới lại do một nhóm người ở ban chấp hành cũ “giới thiệu”. Mà đã được “giới thiệu” thì coi như  đã trúng cử. Vì thế đến đại hội 10, ông Võ Văn Kiệt đã nêu ý kiến: đại hội quyết định số phận của đảng, chứ không phải ban chấp hành cũ quyết định số phận của đại hội.
   Ý kiến của ông Kiệt như “nước đổ lá khoai”. Ở Trung Quốc, tướng Lưu Á Châu nổi tiếng, có kể câu chuyện đại ý như sau: khi ông ta theo học một lớp chính trị, thấy thầy nói không đúng. Trò Lưu Á Châu phát biểu phản bác lại ý của thầy. Nghe xong ông thầy nói lớn: ai cho phép anh cãi lại tôi? Thế là đã rõ. Ông tướng họ Lưu chỉ muốn nêu lên cái câu nói của ông thầy là “tại sao anh dám cãi lại tôi?” chứ ông thầy không hỏi “vì sao anh lại nói như thế?” Trong tư duy cố hữu của ông thầy, bất cứ anh nói gì (không kể đúng , sai) tôi không cần biết. Chỉ có một nguyên tắc là không được “cãi lại tôi”. Thế thôi. Không được cãi lại thầy, cãi lại bề trên, đó là cái lô-gích từ nghìn xưa của tư duy phong kiến Khổng-Mạnh được nhân lên gấp ngàn lần trong xã hội đảng trị. Trong khi đó, ở phương Tây, hàng trăm năm trước Công nguyên nhà triết học lừng danh Aristote đã tuyên bố: Platon là thầy tôi, nhưng chân lý còn quý hơn thầy!
   Tư duy “chân lý quý hơn thầy” đã đưa xã hội phương Tây đến văn minh. Còn tư duy “không được cãi lại tôi” đã dìm xã hội phương Đông trong mê muội mấy nghìn năm. Từ lúc còn mài đũng quần trên ghế nhà trường phổ thông, nhờ đọc sách triết học, tôi đã ngưỡng mộ Aristote nên đi theo con đường đối thoại, xa lánh những người độc thoại. Vì thế, tôi đã nhiều lần từ chối vào đảng độc thoại này.
   Tôi nhớ vào cuối năm 1978, tại nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra hội nghị khoa học kỹ thuật toàn quốc. Với nhiệm vụ là phóng viên Đài Truyền hình trung ương ( nay là Đài THVN), tôi đến dự để đưa tin. Khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến, cả đại hội đã đứng dậy vỗ tay theo kiểu đại hội (tức là vỗ tay vang dậy, theo nhịp). Ông Thủ tướng đã chỉ đạo, Việt Nam làm khoa học theo cách của Việt Nam, là đi tắt đón đầu như Cù Chính Lan (cắt rừng mà đón đầu xe tăng để đánh)…Ông tuyên bố thật hùng hồn: Việt Nam sẽ đi tắt, đón đầu, đuổi kịp và vượt phương Tây trong vòng mươi, mười lăm, hai mươi năm…
   Cả hội trường lại vỗ tay rào rào….duy chỉ có một đại biểu nữ lên diễn đàn nói trái ý Thủ tướng. Chị ở Tổng cục khai hoang. Khi thấy trái ý mình, là người ngồi chủ trì hội nghị, Thủ tướng liền rung chuông …chị vẫn nói…lại rung chuông, chị quay hẳn về phía chủ tịch đoàn dõng dạc: chính phủ giao kế hoạch khai hoang rộng đến 50 vạn ha thì phải nói dài….lại rung chuông…Nhưng chị vẫn nói cho hết ý của mình mới chịu xuống.
   Đến giờ giải lao, mọi người vây quanh chị. Có người nói: chị gan quá, Thủ tướng rung chuông nhiều lần mà không chịu xuống. Chị nói: các anh là đàn ông nên nhiều tham vọng. Tôi là phụ nữ không có tham vọng gì nên tôi phải nói thẳng nói thật! Chị đã chửi thẳng vào mặt đám trí thức “phò chính thống” để kiếm danh vị, kiếm cái ghế, kiếm miếng ăn.
   Năm 1996, tôi lại gặp ông Phạm Văn Đồng ở tỉnh ủy Hậu Giang , tức là 18 năm sau ngày ông phát biểu chỉ đạo Hội nghị khoa học toàn quốc ở Hà Nội ( chỉ còn 2 năm nữa là hết hạn Việt Nam đi tắt đón đầu, đuổi kịp và vượt phương Tây). Lúc ấy ông đang ngồi cạnh ông Nguyễn Hà Phan, trên mặt là chiếc kính đen khá to, tôi định vào gặp và nhắc ông câu chuyện “ đuổi kịp và vượt phương Tây” năm nào, xem ông trả lời ra sao? Nhưng thấy ông ngồi bất động như một pho tượng…nên tôi lặng lẽ đi giật lùi.
   Đất nước được lãnh đạo bởi những con người mắc bệnh kiêu ngạo cộng sản, chủ quan hết sức vô lối và hoang đường như thế…nhưng không hề có đối thoại, đối lập trong tranh biện để tìm ra chân lý, tìm ra hướng đi nên ngày càng lạc lõng, càng lụi bại. Lạc hậu còn mong có ngày tiến bộ chứ lạc lõng thì vô phương!
   Đến bây giờ thì nền độc lập dân tộc mà chúng ta có ngày hôm nay, nhân dân ta đã phải giành lấy bằng núi sông xương máu, cũng đang bị anh bạn 16 chữ vàng và 4 tốt đe dọa hàng ngày hàng giờ. Nanh vuốt của anh bạn 4 tốt đang ngày càng cắm sâu vào cơ thể Việt Nam. Nọc độc của nó đang phân hủy từng tế bào Việt Nam bằng hàng giả, hàng độc. Nguy cơ Bắc thuộc đã rõ như ban ngày.
   Bây giờ thì đất nước của chúng ta rừng đã phá hết. Rừng đầu nguồn thì cho Trung Quốc thuê dài hạn 50 năm. Tài nguyên dưới lòng đất đã khai thác cạn kiệt. Biển thì thỏa thuận để Trung Quốc cùng khai thác và đánh cá chung. Mái nhà của đất nước là Tây Nguyên thì Trung Quốc đã ngồi chễm trệ trên đó. Kinh tế quốc doanh là chủ đạo thì đã sụp đổ tan tành với các tập đoàn Vinashine, Vinalines, Than và Khoáng sản…Kinh tế tư nhân cũng đang phá sản. Sự suy thoái đạo đức, tham nhũng, hối lộ “sờ đâu cũng thấy, nhìn đâu cũng có” như ông TBT Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận. Cả xã hội lấy dối trá làm lẽ sống. Lãnh đạo thì “nói dối lem lẻm, nói dối lỳ lợm, nói dối không biết xấu hổ, nói dối không biết khiếp sợ” (Nguyễn Khải- Đi tìm cái tôi đã mất).
   Bây giờ đã là 35 năm so với cái hạn định 20 năm của người đứng đầu chính phủ “đuổi kịp và vượt phương Tây” chẳng thấy đâu mà thực tế thì còn tụt hậu xa so với các nước trong khu vực. Chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước đứng bên bờ vực thẳm. Vụ nhân bản xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức Hà Nội vừa qua là một báo hiệu sự suy thoái đạo đức, lương tâm của con người trong chế độ XHCN đã đến điểm đỉnh, vượt ra ngoài sức tưởng tượng của nhân loại lương thiện. Nguyên nhân của tất cả nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên của đất nước hôm nay là chế độ độc thoại, là sự cai trị độc tài của một đảng, một mình một chợ, vừa đá banh vừa thổi còi. Những thiết chế dân chủ mà loài người đã đi hàng ngàn năm để tìm thấy và có được như quốc hội dân bầu, pháp luật  độc lập, báo chí tự do…thì ở xã hội toàn trị như Trung Quốc và Việt Nam chỉ là những trò hề, là sự lừa gạt trắng trợn.
   Từ chỗ đang là chính danh, nay đảng cầm quyền đã mất hết tính chính danh, chỉ còn có thể cai trị bằng dùi cui, roi điện, nhà tù để “đá câu giờ” và tồn tại. Chính quyền của đảng đã phải dùng đến lũ côn đồ đội lốt “thương binh”, “quần chúng tự phát” để hỗ trợ công an đàn áp dân chủ, khủng bố quần chúng đòi dân sinh….
   Trong bối cảnh ấy, sự ra đời của một đảng đối lập, lại do chính những người đảng viên trung kiên tách ra thành lập, chủ trương đối thoại ôn hòa là một phúc lớn cho đảng đương cầm quyền. Từ nay, đảng độc thoại có một lực lượng kiềm chế, uốn nắn những sai lầm. Từ nay trong ngôi nhà độc thoại, xưa nay không ai rửa mặt, thì nay có một cái gương to để người ta nhìn thấy vết nhọ trên mặt mình mà lau rửa. Cuộc tập dượt dân chủ này không dễ dàng nhưng hòa bình để cạnh tranh. Nếu thắng, đảng cầm quyền có chính danh để tiếp tục cầm quyền sau một cuộc bầu bán dân chủ trong cả nước. Nếu không thắng thì chí ít cũng là rút lui trong danh dự đẻ tiếp tục thi đua hòa bình trong một nhiệm kỳ khác.
   Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tụ ( Hà Sỹ Phu) có nói một câu đầy ấn tượng: con đỉa là một con vật đơn bào. Nó tồn tại từ thời hồng hoang của lịch sử đến nay. Nhưng chỉ tồn tại trong cống rãnh. Muốn nên người, nó phải là một con vật đa bào.
   Là một người ngoài đảng, một công dân, tôi mừng cho đất nước, mừng cho đảng cầm quyền có lối ra khỏi cảnh lạc lõng mà lối ra ấy chính là sự ra đời của một tổ chức ôn hòa, một đảng có cùng “lý lịch” với đảng cầm quyền…Cầu mong cho tương lai tươi sáng của đất nước !
 Sài Gòn 8/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét