Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Quét rác

Phạm Thị Hoài (Pro&contra) - Cho đến nay tôi chưa xóa một bình luận nào trên trang Facebook cá nhân, địa chỉ tương tác của blog pro&contra. Bây giờ tôi ân hận về sự dễ dãi đó. Ngôi nhà của tôi vẫn tiếp tục rộng mở cho bất kì ai muốn ghé thăm, song kể từ nay tôi sẽ mời tất cả những phát ngôn rác rưởi về với nhau trong đặc khu của chúng: thùng rác.

Khả năng sống chung với rác ở mỗi người tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Về phần mình, tại thời điểm này của cuộc đời, tuy sức chịu đựng vẫn còn đủ mạnh nhưng tôi không thấy có một lí do nào để mình phải kiên nhẫn hơn với những độc giả rác. Tôi tuyệt đối không có nhu cầu được họ quan tâm và càng không có nhu cầu biết họ nghĩ gì, nghe họ nói gì, dù chỉ về thời tiết.

Họ là ai, tôi thường không rõ. Phần lớn họ tự khai báo sự hèn nhát của mình qua một căn cước chế biến, ít nhiều nặc danh, và rất tiếc phần lớn họ là nam giới. Hãy tin tôi, tôi biết đọc ra giọng một người đàn ông hay một người đàn bà.

Giọt nước làm tràn chiếc li kiên nhẫn của tôi là những phát ngôn hạ cấp của họ về sự kiện ông Phạm Hồng Sơn bắt đầu đồng hành tuyệt thực với người tù chính trị Cù Huy Hà Vũ.

Tuyệt thực là lấy chính mình ra làm vũ khí phản kháng. Những người quyết định đi đến cùng cuộc phản kháng ấy, khi không còn một vũ khí nào khác, là những nhân cách đặc biệt mà lòng dũng cảm và kiên định khiến cả kẻ thù của họ cũng phải khâm phục [1]. Song phần lớn các cuộc tuyệt thực, đặc biệt là tuyệt thực tập thể, hiện nay thường được tiến hành trong một khuôn khổ định trước, có lịch trình rõ ràng. Ở các nước phương Tây, ban tổ chức một cuộc tuyệt thực như thế còn có trách nhiệm bố trí bác sĩ và chuyên gia tâm lí đi kèm. Quan niệm tuyệt thực như một sự đánh đổi tính mạng cho lí tưởng và mục đích đã nhường chỗ cho quan niệm về tuyệt thực như một hình thức phản kháng bất bạo động quyết liệt hơn, cực đoan hơn, khó khăn hơn, nguy hiểm hơn nhưng có thể có hiệu quả truyền thông hơn và gây tác động mạnh hơn những hình thức khác, chẳng hạn đình công hay diễu hành, biểu tình. Bảy ngày là giới hạn thường được chọn cho tuyệt thực “ướt” – tức không ăn, chỉ uống nước – vì đạt được nó không dễ dàng, mà vượt quá nó thì những hậu quả lâu dài cho sức khỏe có thể không kiểm soát được. Tuyệt thực “khô” – tức cự tuyệt cả nước uống – như ông Mikhail Khodorkovsky trong một nhà tù ở Moskva, chỉ sau hai ngày cơ thể có thể hoàn toàn suy sụp.

Đã nhiều lần trong thời gian vừa qua, một số bạn bè và tôi thảo luận – đôi khi rất gay gắt và không hoàn toàn đồng thuận – về sự cần thiết và tính khả thi của tuyệt thực như một hình thức ủng hộ các tù nhân chính trị và phản đối chính sách trấn áp của chính quyền Việt Nam. Rất nhiều ví dụ, không chỉ ở các quốc gia toàn trị, cung cấp những bài học bổ ích và cả những câu hỏi không dễ tranh luận thấu đáo: cuộc tuyệt thực tập thể năm 2010 của 5 tù nhân chính trị Cuba sau cái chết vì tuyệt thực của một tù nhân chính trị là Orlando Zapata; cuộc tuyệt thực thành công, kéo dài 4 tuần, tháng Tư năm nay của 60 thành viên tổ chức dân chủ Unión Patriótica de Cuba đòi thả nhà bất đồng chính kiến Lozada Igarza; cuộc tuyệt thực kéo dài 1 tuần của hơn 500 tù nhân thuộc 39 nhà tù tại Đức năm 2008 cùng những người đồng hành tuyệt thực với họ tại Thụy Sĩ, Bỉ và Hà Lan;cuộc tuyệt thực kéo dài 9 ngày của 12 tù nhân chính trị tại Iran năm 2011 sau cái chết vì tuyệt thực của nhà báo và nhà hoạt động chính trị Hoda Saber; những cuộc tuyệt thực tập thể không dứt tại nhà tù Guantanamo, từ thời Bush đến thời Obama…

Tôi, người viết bài cho blog bằng một chiếc computer không bao giờ bị lục soát, tại một căn hộ không bao giờ bị khám xét, cách xa Việt Nam hơn vạn dặm và không nhịn đói nổi một ngày, đã lấy bao nhiêu lí lẽ thông minh để ngăn bạn tôi không thực hiện hành động này, trong một sự kiện khác. Nay ngay sau Phạm Hồng Sơn, theo thông tin từ RFA Việt ngữ, 5 người Việt Nam khác đã tuyên bố đồng hành tuyệt thực với Cù Huy Hà Vũ, trong số đó có Phạm Thanh Nghiên, người phụ nữ vừa rời nhà tù sau 4 năm với một sức khỏe hết sức suy nhược. Thực tế đã đi nhanh hơn những cuộc thảo luận. Phong trào đấu tranh cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam lần đầu tiên đã thực hành một hình thức phản kháng mới và trước hết: một hình thức đoàn kết mới.

Phong trào ấy cần cả những tiếng nói khích lệ lẫn những phê bình khe khắt. Nó thậm chí cần chịu đựng cả sự vu khống và xúc phạm. Điều nó không cần và không cần bận tâm là những lời thị phi hạ cấp.

Ở nhà mình, điều tối thiểu tôi phải làm là quét sạch những phát ngôn rác rưởi ấy.

© 2013 pro&contra

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét