Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Tổ quốc:Đất nước trên bờ vực thẳm

“…Chế độ độc tài toàn trị đã cho phép chính quyền lấy những quyết định sai mà không bị chế tài, bổ nhiệm những cấp lãnh đạo bất tài và bất lương vào địa vị lãnh đạo các công ty và tập đoàn nhà nước. Nó cũng cho phép tham nhũng hoành hành và lãng phí không bị tố giác…”

Tết năm nay đã là dịp để mọi người Việt Nam đồng ý trên một nhận xét buồn: đời sống dân chúng đã sa sút hẳn. Suy thoái kinh tế đã tăng vận tốc từ hai năm qua: 110.000 doanh nghiệp phá sản trong hai năm 2011 và 2012, lớn hơn tổng số doanh nghiệp phá sản trong suốt thời gian 25 năm trước đó; 240.000 tỷ đồng (12 tỷ USD) nợ xấu; hơn một triệu tỷ đồng (50 tỷ USD) tín dụng bất động sản, nghĩa là khoảng 60% tín dụng cho toàn bộ hoạt động kinh tế, đã mất hơn một nửa trị giá. Hai hoạt động kinh tế mạnh nhất từ trước đến nay, ngân hàng và xây dựng, bị tê liệt. Và theo mọi dự đoán nghiêm chỉnh năm 2013 sẽ còn khó khăn hơn nhiều, kinh tế Việt Nam có nguy cơ sụp đổ kéo theo thảm kịch cho hàng triệu gia đình. Đất nước đang đứng trên bờ vực thẳm.

Nguyên nhân của tình trạng bi đát này không phải là bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, bởi vì tất cả các nước trong vùng đều đang phục hồi, mà là chế độ chính trị và chính sách đối ngoại.
Nhiều công ty nước ngoài đã rút vốn lại và ra đi sau khi quá thất vọng với một chính quyền tham nhũng, bất tài và vị phạm nhân quyền trắng trợn. Đầu tư nước ngoài giảm nặng trong hai năm qua và sẽ còn giảm hơn nữa trong năm 2013. Trong kinh tế không cần đầu tư phải giảm chỉ cần đầu tư không tăng là suy thoái đã bắt đầu.

Chế độ độc tài toàn trị đã cho phép chính quyền lấy những quyết định sai mà không bị chế tài, bổ nhiệm những cấp lãnh đạo bất tài và bất lương vào địa vị lãnh đạo các công ty và tập đoàn nhà nước. Nó cũng cho phép tham nhũng hoành hành và lãng phí không bị tố giác cho đến khi sự thực không thể che giấu được nữa như các vụ Vinashin, Vinalines, EVN v.v. Nghiêm trọng hơn là chính sách đối ngoại dựa hẳn vào Trung Quốc - mặc dù ý đồ bá quyền lấn chiếm đã quá rõ rệt- để đàn áp mọi nguyện vọng dân chủ và thách thức dư luận thế giới.

Năm 2007, khi Việt Nam vừa gia nhập WTO, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã lớn hơn tổng số đầu tư vào tất cả các nước trong vùng. Đó là vì thế giới nghĩ rằng Việt Nam đã quyết định hội nhập thực sự vào thế giới và sẽ từng bước dân chủ hóa; nhưng hy vọng đã nhường chỗ cho thất vọng và phẫn nộ vì chính quyền CSVN đã gia tăng đàn áp và tỏ ra dứt khoát chọn đứng hẳn với Trung Quốc trong khi Trung Quốc ngày càng trở thành một mối lo cho hòa bình thế giới và các giá trị phổ cập. Họ đã rất sai lầm vì ngày nay các nước dân chủ vừa không sợ vừa không cần các chế độ độc tài, sức mạnh quân sự của chúng còn quá kém, kỹ thuật của chúng không đáng kể và trọng lượng kinh tế tổng hợp của chúng chỉ bằng 15% kinh tế toàn cầu. Chọn Trung Quốc là chọn cô lập, bế tắc và nghèo khổ.

Giải pháp đúng và hiển nhiên của Việt Nam là quả quyết hội nhập với thế giới dân chủ, để được nhiều thị trường và những cơ hội hợp tác lớn cùng với sự chuyển giao công nghệ thực sự. Chúng ta cũng sẽ được bảo vệ bởi công pháp quốc tế và nhờ đó có thể sống chung hòa bình với Trung Quốc. Ban lãnh đạo CSVN từ khước chọn lựa hiển nhiên này bởi vì họ thừa biết sẽ bị đào thải trong những cuộc bầu cử tự do. Họ nhất định giữ lấy quyền lực dù Việt Nam tụt hậu, nghèo khổ, mất đất, mất biển.

Nhân dân Việt Nam, và những đảng viên cộng sản lương thiện, có thể chịu đựng thách đố xấc xược này tới bao giờ? Chúng ta có thể sắp có câu trả lời, sự kiên nhẫn có thể sắp đạt tới giới hạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét